Xây dựng chuỗi kết nối sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng

Cập nhật: 07:00 | 24/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Thực phẩm bẩn hiện đang là một vấn đề nhức nhối của người tiêu dùng hiện nay. Việc sử dụng các thực phẩm sạch trong nhu cầu ăn uống hắng ngày trở thành một vấn đề thiết yếu. Điều này đang tạo ra cơ hội cho các mô hình sản xuất – thương mại sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ.  

Thống kê hiện nay có 40% NTD sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm sạch; 79% chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu của NTD Thủ đô, Sở NN&PTNT đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phía Bắc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Đến nay, các tỉnh, thành đã xây dựng, phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận.

Tuy nhiên, việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành với Hà Nội hiện gặp không ít khó khăn do một số địa phương buông lỏng quản lý quy hoạch vùng, sản xuất nông nghiệp vẫn nặng tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa bảo đảm an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP…

Bên cạnh đó việc thu hút doanh nghiệp vào ngành này cũng rất khó, các mặt hàng cũng như chất lượng nông sản chưa đồng đều.

Hiện nay, kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… chỉ chiếm 15% mà kênh phân phối với thương lái, doanh nghiệp bao tiêu… chiếm tới 85%. Trong khi đó, kênh phân phối, bán lẻ hiện đại đã chiếm gần 30% thị trường tiêu thụ, hầu hết các siêu thị đã có quầy hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ.

xay dung chuoi ket noi san xuat kinh doanh tieu dung
Ảnh minh họa

Vấn đề nông sản sạch, nông sản hữu cơ được kinh doanh, bán buôn tràn lan qua nhiều kênh đã và đang gây quan ngại về rủi ro an toàn thực phẩm, trong khi các mặt hàng này lại chiếm tỷ lệ thấp trong các kênh phân phối hiện đại, càng gây khó khăn cho NTD nhận diện sản phẩm an toàn và chất lượng.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng kết nối sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng là vấn đề sống còn. Trong đó, cần sự tham gia nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các nhà bán lẻ, để tạo động lực cho các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm hữu cơ và quảng bá phổ biến đến NTD.

Ngoài ra, vai trò của nhà phân phối bán lẻ hiện nay cũng cần phải kích thích quảng bá nông sản cùng với đó phối hợp với nhà sản xuất hỗ trợ về mặt công nghệ và khoa học để đưa giá thực phẩm hữu cơ xuống mức thấp, từ đó mới phân phối phổ biến đến với đại đa số NTD.

Minh Dương

Tin cũ hơn
Xem thêm