Xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành công thương

Cập nhật: 06:59 | 30/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị phong trào thi đua yêu nước của ngành công thương cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước đã giao, xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành, trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh, phòng vệ thương mại.

Xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành công thương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sáng 29/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành công thương giai đoạn 2016-2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Đại hội có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại biểu là các gương mặt, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của ngành công thương giai đoạn 2016-2020.

Đóng góp to lớn của phong trào thi đua yêu nước

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đại hội Thi đua yêu nước ngành công thương lần thứ III là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, được tổ chức đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trong 5 năm qua, cùng với phong trào thi đua của cả nước, ngành công thương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế; nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã mở ra những cơ hội lớn về thương mại và đầu tư, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Công nghiệp được tiếp tục củng cố, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước. Tăng trưởng công nghiệp duy trì với tốc độ cao, bình quân trên 8%/năm là thước đo của việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế đất nước và thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lĩnh vực ngoại thương đã thiết lập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng thì kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm 2020 của Việt Nam cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Những thành tựu đạt được của ngoại thương thể hiện rõ ở mức tăng trưởng ấn tượng của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại đã nghiêng về xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phát triển theo chiều hướng tích cực...

Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung hoàn thiện, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hình thành được khung khổ pháp lý cơ bản điều chỉnh các hoạt động của nền kinh tế và tạo thuận lợi cho phát triển ngành.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa với 380 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 880/1216 điều kiện kinh doanh, đạt 72,37%; cắt giảm 1.051/1.891 các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương, đạt 56%; đã tích hợp, kết nối 130 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Công Thương là một trong những bộ đi đầu cả nước về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Những thành tựu ngành công thương đạt được trong 5 năm qua có sự đóng góp, thúc đẩy của các phong trào thi đua yêu nước được phát động thường xuyên, liên tục trong toàn ngành.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: “Phong trào thi đua yêu nước với sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp lao động toàn ngành công thương đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Đã có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho ngành, cho Nhà nước và xã hội, nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua của ngành công thương”.

Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược cạnh tranh gay gắt. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trở lại một cách rõ nét. Những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài ngày càng tăng khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân và khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh đó, ngành công thương cần nhận diện sâu sắc, đánh giá đầy đủ về tình hình, có chiến lược và sách lược phù hợp quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép”-đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất.

Xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành công thương

Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị phong trào thi đua yêu nước của ngành công thương cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước đã giao, cụ thể tập trung vào những nội dung sau.

Thứ nhất, xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành, trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh, phòng vệ thương mại; tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là những tác động của dịch COVID-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phân bố lại các trung tâm sản xuất và sự chuyển luồng thương mại toàn cầu... Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa, phát huy hiệu quả cao hơn các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; tăng cường các chính sách hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh toàn cầu trong các ngành công nghiệp lớn của đất nước, dần thay thế các doanh nghiệp FDI; xây dựng và hoàn thiện các luật như Luật Công nghiệp hỗ trợ, Luật Thương mại điện tử, Luật Phòng vệ thương mại, sửa đổi Luật Thương mại...

Thứ hai, tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững. Tập trung vào các vấn đề về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để số hóa, nghiên cứu phát triển năng lượng mới, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng ngày càng nhiều robot, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật kết nối, điện toán đám mây và xử lý dữ liệu lớn, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí trong sản xuất công nghiệp và thương mại; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Tận dụng tối đa lợi thế về độ mở của thương mại lớn để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh và thu về lợi ích cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo thuận lợi cho phát triển ngành, khai thác có hiệu quả quá trình tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu và các cơ hội đầu tư từ các tác động của cạnh tranh thương mại, dịch COVID-19.

Thứ ba, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu. Trong đó, cần phải tập trung tận dụng các cơ hội của việc tham gia các FTA quan trọng đã ký kết như EVFTA, CPTPP để góp phần củng cố và bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao vị thế quốc gia trước các xu hướng bảo hộ; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng hàng hóa.

Thứ tư, tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân, trong đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ..., bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Thứ năm, tập trung thực hiện quyết liệt có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo các tiêu chí, điều kiện quy định tại các Nghị định khung về tổ chức các Bộ (Nghị định 101/2020/NĐ-CP), các Nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành, triển khai việc thực hiện các quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các nghị định hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi).

Thứ sáu, về phong trào thi đua yêu nước, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua; tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị; chú trọng đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện phê bình và tự phê bình. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tận tâm, tận lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đánh dấu sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với các FTA thế hệ mới được ký kết như EVFTA và CTTPP góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Đặc biệt, thời gian qua, ngành công thương cũng phải đối mặt với bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tác động to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, cùng với tinh thần lao động thi đua của tập thể người lao động trong toàn ngành, ngành công thương đã cơ bản duy trì được sự phát triển ổn định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các phong trào thi đua yêu nước của ngành đã mang lại những hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Điện ngoài mục đích sinh hoạt: Đề xuất 2 phương án giá bán lẻ

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế đã có ý ...

Xác lập vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19 tại Việt Nam từ cuối tháng 7 đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống ...

"Chính phủ không cấp thêm vốn cho 3 dự án yếu kém ngành công thương"

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đưa ra yêu cầu trên tại phiên họp của Ban chỉ đạo nhằm xem ...

Theo baochinhphu.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm