Vụ án tranh chấp liên quan đến KDC Hòa Lân: Cú bắt tay giữa Agribank và các bên?

Cập nhật: 10:59 | 20/10/2020 Theo dõi KTCK trên

“Hủy kết quả bán đấu giá tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, vì kết quả bán đấu giá là kết quả của việc thực hiện các giao dịch trái pháp luật” - Theo ý kiến Luật sư Phạm Văn Vui (Đoàn Luật sư Bình Dương)

Đấu giá bất chấp?

Vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” liên quan đến khu đất thuộc dự án KDC Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), giữa nguyên đơn là Công ty Thiên Phú, bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn cùng các đơn vị liên quan như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn), Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh đã diễn ra với hơn 10 lần xét xử vẫn chưa tìm được lời kết.

Tại phiên tòa ngày 15/10/2020, HĐXX tiếp tục công bố những chứng cứ có được và vẫn còn có những chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ như: Chưa có văn bản trả lời của UBND tỉnh Bình Dương; Chưa có văn bản trả lời của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Chợ Lớn (Ngân hàng); chưa Trưng cầu giám định tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29/12/2014. Phiêu tòa sẽ tiếp tục vào ngày 20/10.

Theo hồ sơ vụ án, phía Ngân hàng Agribank – CN Chợ Lớn đã thực hiện không đúng những quy định về đấu giá. Cụ thể, việc xác định giá khởi điểm đấu giá của Agribank là hoàn toàn trái pháp luật. VALUCO là đơn vị được Ngân hàng lựa chọn thẩm định giá căn cứ theo Chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT- VALUCO ngày 12/5/2015. Sau đó, ngân hàng tiếp tục chỉ định Công ty Cổ phần thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới, tại Chứng thư thẩm định số 246/CT-THM ngày 19/4/2016, thể hiện “Diện tích: 494.047,10m2 x 2.506.457 đồng = 1.238.307.738.147 đồng”. Như vậy, cơ quan thẩm định giá đều định giá cả phần đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất và phần đất chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm là hoàn toàn trái pháp luật.

Mặt khác, chứng thư thẩm định giá xác định “…kết quả thẩm định giá phải được thẩm định lại sau thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá”. Tuy nhiên, thời điểm chứng thư phát hành ngày 19/4/2016, tới thời điểm đấu giá thành ngày 25/5/2017, tức hơn 13 tháng, nhưng Ngân hàng và Công ty Nam Sài Gòn đã phớt lờ không thực hiện việc thẩm định lại giá. Như vậy điều này đã vi phạm thỏa thuận với Công ty Thiên Phú.

Vì vậy, việc vi phạm trên của Công ty Nam Sài Gòn và phía Ngân hàng Agribank không những gây tổn thất lớn cho phía Công ty Thiên Phú và cả việc thu hồi vốn của Nhà nước. Ngoài ra, việc ngân hàng lựa chọn đơn vị đấu giá Nam Sài Gòn là hoàn toàn không đảm bảo tính khách quan khi người thành lập doanh nghiệp này chính là thành viên của hội đồng đấu giá của ngân hàng Agribank, ông Nguyễn Việt Hưng (góp 76% vốn pháp định của Công ty Nam Sài Gòn). Điều này phần nào thể hiện việc thiếu khách quan trong quá trình đấu giá?

1755-kdc-hoa-lan

Agribank, Nam Sài Gòn và Kim Oanh “cùng hội cùng thuyền”?

Theo quan điểm của Luật sư Phạm Văn Vui, phía Agribank và công ty Kim Oanh có nhiều biểu hiện thiếu minh bạch thể hiện ở Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01/7/2017 (Hợp đồng số 01). Bản hợp đồng chỉ rõ, Công ty Nam Sài Gòn, Ngân hàng Agribank và Công ty Kim Oanh thỏa thuận “…đối với phần diện tích đất mà nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật”.

Về thực chất, đây là phần đất nhà nước giao cho Công ty Thiên Phú không thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án, chỉ có UBND tỉnh Bình Dương mới có quyền thu hồi. Do đó ngân hàng hay Công ty Nam Sài Gòn đều không có thẩm quyền thu hồi phần đất này để giao phần đất này cho Công ty Kim Oanh. Như vậy, trong số tiền mà Công ty Kim Oanh phải trả có tiền mua phần đất do Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Vì sao Kim Oanh lại im lặng trong khi đáng lẽ công ty này hoàn toàn có thể khởi kiện đòi Nam Sài Gòn và Agribank bồi thường vì đã gây thiệt hại? Có phải Kim Oanh tự có thỏa thuận ngầm, bênh vực cho công ty đấu giá và ngân hang? Hay có ý đồ nào khác trong vụ việc này là dấu hỏi khiến nhiều người quan tâm.

Cũng tại Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01/7/2017, Công ty Nam Sài Gòn và Ngân hàng thỏa thuận với Công ty Kim Oanh về phương thức thanh toán “Nếu quá thời hạn 45 ngày… mà không có phát sinh các trường hợp trở ngại pháp lý về chủ trương đầu tư và đo đạc địa chính… thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán…”. Thực tế, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận (45 ngày) thì không có sự kiện bất khả kháng nào. Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là Công ty Thiên Phú đồng thời bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước (thu hồi nợ), thì Ngân hàng phải đơn phương hủy hợp đồng.

Tuy nhiên Agribank lại cấu kết với Công ty đấu giá và Công ty Kim Oanh tìm cách phù phép để cho Công ty Kim Oanh chỉ dừng ở vi phạm nghiã vụ thanh toán theo thỏa thuận, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của Công ty Thiên Phú và quyền lợi hợp pháp của Nhà nước.

Ngọc Lan