VNDIRECT: ACV hưởng lợi từ sự phục hồi đường bay quốc tế và đồng Yên mất giá

Cập nhật: 16:12 | 04/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. CTCK VNDIRECT kỳ vọng sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong Q2/23 và 105,3% trong Q4/23 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% svck trong năm 2023. Dựa trên phương pháp DCF, VNDIRECT đưa ra khuyến nghị mua ACV với giá mục tiêu 117.900 đồng/cp.

Doanh thu quý Q3/22 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) tăng 10,3 lần so với cùng kỳ (svck) nhờ hàng không nội địa hồi phục mạnh mẽ với sản lượng khách nội địa Q3/22 tăng 87 lần svck – bằng 154,7% mức trước dịch. Nhờ hoạt động cốt lõi phục hồi mạnh, ACV ghi nhận 2.380 tỷ lợi nhuận gộp so với 1.004 tỷ lỗ gộp Q3/21. Doanh thu tài chính Q3/22 tăng 97,8% svck nhờ lãi tỷ giá 471 tỷ (so với 16 tỷ trong Q3/21).

Kết quả là ACV ghi nhận 2.118 tỷ LN ròng trong Q3/22 so với lỗ ròng 767 tỷ trong Q3/21. So sánh với quý trước, LN ròng Q3/22 giảm 10,9% do lãi tỷ giá thấp hơn. Loại đi khoản thu nhập tài chính bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi Q3/22 tăng 44% so với quý trước, cho thấy hoạt động cốt lõi của ACV đang trên đà hồi phục mạnh. Trong 9T22, LN ròng ACV tăng 30 lần svck.

Hàng không nội địa đã lấy lại những gì đã mất trong đại dịch

Trong giai đoạn 2017-2019, lượng hành khách nội địa đã tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 9,4%, có thể coi đây là mức tăng trưởng tự nhiên của lượng hành khách nội địa, đến từ tăng trưởng thu nhập và điều kiện về nhân khẩu học của Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam. Tăng trưởng bị gián đoạn và ngành bước vào giai đoạn khó khăn trong 2020-2021. Kể từ Q2/22, việc bao phủ vắc xin trên toàn quốc đã giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch và ngành hàng không trong nước bắt đầu phục hồi, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Tiếp nối đà tăng trưởng trong 9T22 và tiềm năng tăng trưởng tự nhiên của hàng không nội địa, VNDIRECT kỳ vọng lượng khách nội địa năm 2022 sẽ tăng 231,2% svck và tăng 30,9% so với năm 2019, duy trì mức tăng trưởng kép 9,4% trong giai đoạn 2017-2022. VNDIRECT cho rằng tăng trưởng khách nội địa năm 2022 không đáng ngạc nhiên nhưng cho thấy nhu cầu đi lại trong nước đã tăng hợp lý với mức tăng trưởng tự nhiên bền vững tiềm năng. Trong giai đoạn 2023-2025, VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng hàng không trong nước có thể chậm lại một chút với CAGR 8,9% do người dân có thể đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn, và nhiều sân bay lớn trong nước quá tải.

VNDIRECT: ACV hưởng lợi từ sự phục hồi đường bay quốc tế
Nguồn: VNDIRECT

Du lịch quốc tế sẽ là động lực tăng trưởng trong thời gian tới

Sự phục hồi của du lịch nước ngoài của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yêu cầu nhập cảnh của các nước. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến kiểm soát Covid-19, tuy nhiên, yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là chính sách zero-covid của Trung Quốc, khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.

Trong kịch bản cơ sở của VNDIRECT, hàng không giữa Việt Nam và ĐNA sẽ phục hồi mạnh từ Q3/22 do xúc tiến du lịch đã được triển khai, tiếp theo là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật, Mỹ và Ấn Độ trong Q4/22, quảng bá du lịch Đài Loan và Nga có thể được triển khai trong Q1/23, quảng bá du lịch Trung Quốc có thể được triển khai trong Q3/23. Do đó, tổng khách quốc tế từ thị trường ĐNA có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch trong Q1/23, tiếp theo là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật, Mỹ trong Q2/23, Đài Loan và Nga trong Q3/23 và Trung Quốc trong Q1/24.

VNDIRECT: ACV hưởng lợi từ sự phục hồi đường bay quốc tế
Nguồn: VNDIRECT

Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam đạt 12,5 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 195,2% svck trong năm 2023 - bằng 88,5% mức trước đại dịch. Do hoạt động của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn với hàng không quốc tế nên VNDIRECT tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế. Theo dự báo của VNDIRECT, lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 105,2% mức 2019) và có thể đạt 118,9% mức 2019 trong năm 2025.

Lãi suất tăng cùng đồng USD mạnh lên ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng hàng không

Đồng USD mạnh lên gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, khiến tỷ giá USD/VND trong liên ngân hàng chạm mức cao nhất trong lịch sử. Lãi suất LIBOR 3 tháng tính bằng USD cũng đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm sau khi FED tăng lãi suất gần đây. Tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng sẽ gây ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới.

VNDIRECT: ACV hưởng lợi từ sự phục hồi đường bay quốc tế
Nguồn: VNDIRECT

ACV sẽ vay 2,5 tỷ USD cho siêu dự án Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trong đó VNDIRECT kỳ vọng ACV sẽ giải ngân 0,65 tỷ/0,87 tỷ/0,9 tỷ USD trong 2022/2023/2024. Với việc đồng USD mạnh lên và lãi suất USD cũng tăng mạnh, ảnh hưởng của ACV bao gồm: Đối với tỷ lệ đòn bẩy, VNDIRECT kỳ vọng tỷ lệ D/E của ACV sẽ tăng từ 0,4 lần trong năm 2021 lên 1,4 lần trong năm 2024 trước khi giảm nhẹ trong năm 2025. Đối với thu nhập tài chính, VNDIRECT kỳ vọng lãi tiền gửi của ACV sẽ giảm từ 1.654 tỷ trong năm 2021 xuống 660 tỷ trong năm 2025, khiến lãi tiền gửi ròng sẽ bắt đầu âm từ năm 2023.

Dự phóng kết quả kinh doanh giai đoạn 2022-2024

- VNDIRECT tăng dự phóng sản lượng khách quốc tế năm 2022 thêm 2,4% theo mức độ phục hồi hiện tại và điều chỉnh giảm sản lượng khách quốc tế 2023-2024 thêm 6,0%-5,0% do chính sách zero-Covid của trung Quốc có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi khách quốc tế tới từ Trung Quốc – thị trường chiếm 34,5% sản lượng khách quốc tế của Việt Nam giai đoạn trước dịch.

- Tăng sản lượng khách nội địa 2022-24 thêm 27,2% để phản ánh sự phục hồi ngoạn mục của hàng không nội địa.

- Kết quả là doanh thu 2022-24 có thể tăng 7,9%-1,0%, lợi nhuận gộp có thể tăng 10,5% trong năm 2022 nhưng giảm 1,6%-1,5% trong 2023-24.

- Tăng thu nhập tài chính ròng năm 2022 thêm 59,9% do đồng Yên mất giá mạnh so với VND (VNDIRECT kỳ vọng Yên Nhật có thể giảm giá 15% so với VND trong năm 2022, giúp công ty ghi nhận lãi tỷ giá 1.993 tỷ từ đánh giá lại khoản nợ bằng đồng Yên).

- Tăng chi phí tài chính ròng 2023-24 thêm 40,1% - 30,4% bởi sự kết hợp các yếu tố (1) chi phí tài chính tăng do lãi suất vay USD tăng lên và đồng USD mạnh lên, (2) lãi tiền gửi tăng do lãi suất huy động tăng.

Dựa trên phương pháp DCF, VNDIRECT đưa ra khuyến nghị mua ACV với giá mục tiêu 117.900 đồng/cp.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

ACV bão lãi kỷ lục nhờ chênh lệch tỷ giá

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM - Mã: ACV) báo lãi quý II/2022 nhiều hơn cả hai năm 2020 và 2021 cộng ...

BSC: Khuyến nghị mua cổ phiếu ACV với giá mục tiêu 105.000 đồng/cp

CTCK BSC vừa đưa ra báo cáo cho cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. BSC đánh giá khả quan ...

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phải được đầu tư hiện đại với quy mô lớn và tầm cỡ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và đoàn công tác đã đi kiểm tra và làm việc về tình hình thực hiện Đồ ...

Tự doanh đảo chiều bán ròng phiên VN-Index đi ngang, tâm điểm các mã ACV, BCM và VPB

Phiên VN-Index đi ngang, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng đảo chiều bán ròng với tâm điểm các mã ACV, BCM và VPB...

Nguyễn Tâm