Vietnam Airlines lỗ 10.750 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm

Cập nhật: 16:32 | 13/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Sáng ngày 13/10/2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Mã: HVN) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí để thông tin về tình hình hoạt động ba quý đầu năm.

Viettel Post ước thực hiện 62% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng

Coteccons (CTD): Thành viên HĐQT cuối cùng từ phía Việt Nam từ nhiệm

3010-may-bay
Vietnam Airlines lỗ 10.750 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Vietnam Airlines cho biết, trong 9 tháng vừa qua, Tổng công ty (bao gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất khoảng 23.948 tỷ đồng, giảm 68,3% so với cùng kỳ 2019. Lỗ hợp nhất dự tính khoảng 10.750 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ trên 8.700 tỷ đồng.

Quý III dù cải thiện về doanh thu, nhưng hiệu quả chung vẫn lỗ 3.626 tỷ đồng. Vay ngắn hạn của VNA tăng lên 5.242 tỷ đồng, các khoản phải trả giãn, hoãn là 4.268 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông của Vietnam Airlines Group ngày 10/8 vừa qua đã đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất của cả năm 2020 là 40.586 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế hợp nhất cả năm ước tính là 15.177 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, Tổng công ty đã thực hiện 59% mục tiêu doanh thu và 71% kế hoạch lỗ của cả năm 2020.

Khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Vietnam Airlines Group đã áp dụng nhiều giải pháp để ứng phó như tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết; tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ,...

Trong 9 tháng vừa qua, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hóa, tổng thị phần vận chuyển hành khách nội địa của cả ba hãng bay Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco là 51,7%.

Trong giai đoạn phục hồi cao điểm hè, Vietnam Airlines đã mở 22 đường bay nội địa mới để kích cầu nội địa. Tuy nhiên, sau làn sóng COVID-19 thứ hai, các đường bay này đã phải dừng lại và mới chỉ phục hồi lại 11 đường bay.

Với các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines vẫn là hãng khai thác bay quốc tế nhiều nhất Việt Nam hiện nay, nhưng hầu như không có khách. Quy ghế luân chuyển chỉ đạt 35% so với cùng kỳ, hoạt động khai thác chỉ đạt 35 - 40% năng lực hãng có thể đạt được. Hiện hãng chỉ duy trì 2 đường bay thường lệ chở khách từ Việt Nam đi là Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).

Các tháng cuối năm, Vietnam Airlines dự kiến tiếp tục phải tái cơ cấu đội ngũ lao động; triệt để giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giãn nợ; sử dụng hạn mức vay ngắn hạn và kiến nghị giải pháp hỗ trợ với cổ đông Nhà nước.

Lâm Tuyền