Việt Nam xuất khẩu hơn 70% giá trị cao su sang Trung Quốc

Cập nhật: 09:57 | 18/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,4%, tăng mạnh so với mức 10,9% của 6 tháng đầu năm 2020.

Giá cao su đồng loạt đi lên trong đầu tháng 8/2021

Dự báo nhu cầu cao su sẽ giảm do dịch COVID-19 bùng phát

Giá cao su được kỳ vọng tăng cao trong nửa cuối năm 2021

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 6,04 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt gần 868 triệu USD, tăng 70,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,4%, tăng mạnh so với mức 10,9% của 6 tháng đầu năm 2020.

5536-giacaosu
Ảnh minh họa

Trong kỳ, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 1,76 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 101,47 triệu USD, tăng hơn 89% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,8% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 4,7% của 6 tháng đầu năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) đạt 2,32 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Mianmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.

5540-caosu
Các thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc/Bộ Công Thương)

Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 761,02 triệu USD, tăng gần 69% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 32,8% trong tổng trị giá nhập khẩu chủng loại cao su này của Trung Quốc, tăng so với mức 21,2% của 6 tháng đầu năm 2020.

Giá cao su đầu tháng 8 đồng loạt đi lên

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết từ đầu tháng 8 đến nay, giá cao su tại châu Á có xu hướng tăng trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ hồi phục.

Tuần từ ngày 2/8 – 6/8, tồn kho cao su tự nhiên theo chứng từ tại sàn SHFE ở mức 181.810 tấn, tăng 3.900 tấn (tương đương tăng 2,2%) so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai ở mức 201.150 tấn, tăng 4.400 tấn (tương đương tăng 2,2%) so với tuần trước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su trên thị trường châu Á tăng trở lại do nhu cầu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu cải thiện nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi, trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành tại các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn và ngành logistics bị gián đoạn trên toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn cung.

Tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Delta ở Đông Nam Á cùng dự đoán nguồn cung cao su tự nhiên tăng trong tháng 7 và tháng 8 có thể sẽ tác động đến giá cao su trong thời gian tới.

Trong báo cáo tháng 7/2021, Tổ chức các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên thế giới năm 2021 so với báo cáo tháng 6, xuống mức còn 13,78 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 5,2% so với năm 2020; trong khi nhu cầu cao su tự nhiên thế giới dự báo đạt 13,9 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2020.

Tại thị trường trong nước, ừ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động.

Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức 300 - 315 đồng/ độ mủ. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu được thu mua ở mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.

Thanh Hằng