Vì tiền coi thường pháp luật

Cập nhật: 17:48 | 30/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của người tiêu dùng...

Từ thực phẩm bẩn…

Theo một cán bộ chức năng, mặc dù quy định của pháp luật thì chặt chẽ, nhưng thực tế tình hình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra thường xuyên. Điển hình nhất hiện nay là sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các gian hàng rong.

vi tien coi thuong phap luat
Việc gia tăng tội phạm trong lĩnh vực môi trường sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội

Đặc điểm chung của các gian hàng di động này là thực phẩm được phơi trần, bày bán trên vỉa hè. Người bán thay đổi thường xuyên và vừa dùng tay trần để lấy thực phẩm vừa thối tiền cho khách mua hàng. Một số gian hàng người bán sử dụng găng tay nhưng lại sử dụng cả găng tay để vừa lấy thực phẩm vừa thối tiền nên nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn sang thực phẩm ăn nhanh là rất lớn.

Còn với các cơ sở chế biến thực phẩm có địa chỉ rõ ràng thì tình trạng vi phạm có ít hơn, song cũng tinh vi hơn rất nhiều mà nguyên nhân cũng chỉ vì chạy theo lợi nhuận nên các cơ sở này đã bất chấp đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của người tiêu dùng.

Đơn cử mới đây, cơ quan chức năng vào cuộc phanh phui vụ việc một cơ sở chế biến, thu mua trái cây tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) sử dụng chất lạ có màu vàng để quét vào cuống trái sầu riêng và nhúng vào thùng dung dịch được nghi ngờ có hóa chất. Sau đó, sầu riêng được làm khô, dán tem, đóng thùng đưa đi tiêu thụ.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng huyện Xuân Lộc bắt quả tang cơ sở thu mua trái đang thực hiện các hành vi nói trên. Tại cơ sở này có khoảng 800 thùng sầu riêng với khoảng 14 tấn đã bôi, nhúng dung dịch nói trên chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Qua kiểm tra khu vực bên trong cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện một số phương tiện, dụng cụ dùng để bôi, nhúng sầu riêng như xô chứa dung dịch có màu vàng; gần 20 chai hóa chất; khoảng 30kg tem có in nhiều thứ tiếng nước ngoài, hơn 10 bịch bột màu không nhãn hiệu, bịch kích thích sinh trưởng hiệu Lunar 150WP dùng để phun trên lá sầu riêng…

Sự việc trên gây xôn xao dư luận xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Trên thực tế, hiện có khá nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng vi phạm chủ yếu là nơi sản xuất không đảm bảo các điều kiện cần thiết, công nhân chưa được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm các quy định trong bảo quản, chế biến thực phẩm…

… đến phá hoại môi trường

Không chỉ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà vì lợi nhuận, nhiều tổ chức cá nhân cũng đang ra tay tàn phá, hủy hoại môi trường. Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đăk Lăk, tốc độ phát triển kinh tế, kéo theo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường có chiều hướng gia tăng về số vụ, quy mô và tính chất vụ việc.

Tại Đăk Lăk, trong lĩnh vực khoáng sản diễn biến về vi phạm luật môi trường có diễn biến khá phức tạp. Để qua mặt sự kiểm tra của cơ quan chức năng, hầu hết đối tượng chọn vùng sâu vùng xa, hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ. Một số DN, cá nhân lợi dụng việc được chính quyền địa phương cấp phép khai thác khoáng sản ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác sai vị trí…

Để đấu tranh phòng chống loại tội phạm vi phạm trong lĩnh vực môi trường, thời gian qua cơ quan chức năng các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN, cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực này.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đăk Lăk, lực lượng Cảnh sát môi trường địa phương đã lên phương án, kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các cá nhân, DN có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể hóa các giải pháp bằng việc xây dựng và triển khai tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, hưởng ứng tích cực như Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Ngày Môi trường thế giới; Tuần lễ Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường...

Cùng đó, chủ động thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác định địa bàn nhạy cảm, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp về môi trường, tiến hành điều tra, xây dựng mạng lưới bí mật, bảo đảm phục vụ có hiệu quả công tác nắm tình hình. Bằng những giải pháp cụ thể đó, cơ quan chức năng địa phương đã kiểm soát được tình hình.

Theo các chuyên gia, lĩnh vực phòng chống tội phạm về môi trường còn đối mặt với nhiều thách thức như một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm về môi trường vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp diễn biến thực tế, phương tiện trang bị phục vụ công tác điều tra còn thiếu... Vậy nên, cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, đồng bộ. Đồng thời, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Chí Thiện

Theo Thời báo ngân hàng

Tin cũ hơn
Xem thêm