Vì sao PVN mất quyền quản trị tại PVI?

Cập nhật: 09:59 | 03/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Trong nỗ lực thoái vốn nhà nước, Công ty cổ phần PVI (PVI)- doanh nghiệp có tổng tài sản lên tới hơn 22.000 tỷ đồng đã dễ dàng bị HDI Global SE (HDI) thâu tóm.

Vietnam Airlines bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

HAGL bị phạt và truy thu thuế tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng

Không chỉ “đi đêm” với Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt trời (Sunway), HDI còn thể hiện rõ ý đồ “tiếm quyền” quản trị trong HĐQT PVI bằng việc thâu tóm Funderburk Lighthouse Ltd- công ty nắm giữ 11,58% vốn điều lệ PVI.

Thâu tóm gián tiếp

Theo dữ liệu của Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 4/4/2018 PVI nhận được văn bản của Công ty Funderburk Lighthouse Ltd là công ty chỉ nắm giữ duy nhất cổ phiếu PVI tương đương với 11,58% vốn điều lệ PVI. Theo đó, Funderburk Lighthouse Ltd xác nhận việc HDI cổ đông chiến lược của PVI và đang sở hữu 35,74% vốn điều lệ PVI đã mua toàn bộ cổ phần của Công ty Funderburk Lighthouse Ltd. Như vậy, HDI đã nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 47,32% vốn điều lệ PVI. Ngay lập tức, người đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - Chủ tịch HĐQT PVI Nguyễn Anh Tuấn đã có văn bản báo cáo gửi PVN.

5253-pvi-ynh
PVI- doanh nghiệp có tổng tài sản lên tới hơn 22.000 tỷ đồng đã dễ dàng bị HDI thâu tóm.

Trong khi đó, tại phiên họp HĐQT PVI ngày 19/3/2018, các đại diện HDI và Funderburk Lighthouse Ltd không có bất kỳ thông báo nào cho HĐQT PVI về giao dịch mua bán trên.

Liên quan đến giao dịch này, ngày 04/4/2018, PVI đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong đó nêu rõ: Mặc dù HDI mua lại Funderburk Lighthouse Ltd mà không mua trực tiếp cổ phiếu PVI nhưng Funderburk Lighthouse Ltd là công ty chỉ nắm giữ duy nhất cổ phiếu PVI, do đó giao dịch mua bán trên thực chất là việc mua bán cổ phiếu PVI của các cổ đông lớn. Hơn nữa, HDI và Funderburk Lighthouse Ltd đều đang có các đại diện là thành viên HĐQT của PVI. Vì vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, giao dịch này phải tuân thủ các quy định về chứng khoán và công bố thông tin của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.

PVI viện dẫn Điều 28 Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán “Trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ của công ty đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin và báo cáo cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng), công ty đại chúng về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng, kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán…)".

PVI đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.

Như vậy, tính đến ngày 31/01/2019, HDI sở hữu tổng cộng 126.297.216 cổ phiếu PVI (sở hữu 83.711.071 cổ phiếu PVI; sở hữu 15.468.250 cổ phiếu PVI thông qua Sunway; sở hữu 27.117.895 cổ phiếu PVI thông qua Funderburk Lighthouse Ltd), chiếm 54,65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần PVI, vi phạm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/06/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

HDI "bội tín"?

Ngay sau khi nắm quyền sở hữu gián tiếp cổ phần PVI tại Sunway và Funderburk Lighthouse Ltd, HDI đã thể hiện rõ ý đồ “tiếm quyền” tại PVI thông qua văn bản đề ngày 3/4/2018 đề nghị PVI bãi nhiệm hoặc yêu cầu từ nhiệm đối với người đại diện của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) trong HĐQT PVI.

Theo đó, cơ cấu HĐQT PVI giảm từ 08 thành viên xuống còn 07 thành viên, trong đó bao gồm 03 đại diện của Tập đoàn PVN và 04 đại diện do HDI trực tiếp và gián tiếp đề cử (03 đại diện của HDI và 01 đại điện Funderburk Lighthouse Ltd). Dù rằng, trước đó trong thư gửi ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT PVI và ông Bùi Vạn Thuận - Tổng giám đốc PVI, TS. Hinsch - Chủ tịch HDI đã chấp nhận giữ tổng số lượng thành viên HĐQT PVI là 08 người và nhiệm kỳ 5 năm 2017-2022.

Song song với việc thâu tóm “ngầm” PVI, để gây sức ép, trong một văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hồi tháng 3/2019, ông Jens Wohlthat, Giám đốc HDI Global SE đã đề cập tới một số vấn đề liên quan tới khoản đầu tư của doanh nghiệp vào PVI.

Tại công văn này, phía HDI cho hay, các cổ đông lớn khác tại PVI như Funderburk Lighthouse Limited và Sunway đã nhiều lần đệ trình các đề nghị lên HĐQT yêu cầu tăng tổng số thành viên HĐQT cũng như yêu cầu có quyền đề cử ứng viên của mình cho chức danh thành viên độc lập trong HĐQT để tiến hành bầu chọn nhưng cuối cùng các cổ đông lớn này cũng đều thất bại. Đồng thời, kiến nghị PVI tăng số thành viên HĐQT từ 8 người lên 9 thành viên để phản ánh trung thực tương quan về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của các cổ đông và đảm bảo quyền lợi các cổ đông.

Trước đó, ngày 22/3/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn, người đại diện Tập đoàn PVN, Chủ tịch HĐQT PVI đã có văn bản khẩn số 167/PVI- VPHĐQT về ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của PVI gửi PVN. Theo đó, người đại diện PVN đề nghị giữ nguyên số lượng và nhân sự thành viên HĐQT như hiện tại (8 thành viên) cho đến khi Tập đoàn hoàn thành việc thoái vốn tại PVI. Nếu thực hiện theo phương án này, Tập đoàn vẫn giữ quyền quản trị trong HĐQT PVI.

Tuy nhiên, PVN đã đồng ý chủ trương tăng số lượng thành viên HĐQT của PVI từ 08 lên 09 thành viên. Ngày 29/3/2019 Đại hội đồng cổ đông thường niên của PVI đã thông qua HĐQT PVI gồm 9 thành viên. Trong đó đại diện phần vốn PVN 04 thành viên, đại diện cho HDI và Funderburk Lighthouse Limited 05 thành viên. Ngày 16/1/2020 nhóm các cổ đông HDI (5 người) đã bầu ông Jens Holger Wohthat giữ chức Chủ tịch HĐQT. Như vậy, có thể nói HDI đã hoàn tất việc nắm quyền quản trị trong HĐQT PVI.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp