Ưu tiên nắm giữ tiền mặt khi VN-Index đang reset vùng đáy kỹ thuật

Cập nhật: 09:43 | 29/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MBS, chỉ số VN-Index có thể phục hồi kỹ thuật trở lại và vượt MA20 quay trở lại vùng tích lũy trước đó xoay quanh mức 1.180 – 1.200 điểm. Việc retest vùng đáy kỹ thuật thành công quanh vùng 1.150 trong tuần vừa qua cùng với dòng tiền bắt đáy trở lại, thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý I/2021 sẽ là động lực hỗ trợ ngắn hạn cho đà phục hồi của thị trường.

4250-dn
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán MBS đã có những đánh giá về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo MBS, trong tuần trước, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm 2,67% trước ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm khi những lo ngại về mức tăng CPI tháng 3 hay áp lực bán ròng duy trì mạnh và kéo dài của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất 2 tháng qua sau khi dao động trong biên độ hẹp quanh mốc 1.165 - 1.195 điểm và đã có lúc chỉ số giảm về mức 1.137 điểm.

Mức sụt giảm về điểm số đã khiến áp lực bán gia tăng nhất là khi giao dịch còn nhiều trở ngại gây khó khăn và thanh khoản cũng chưa thể cải thiện. Thanh khoản thị trường tuần vừa qua cũng chỉ tăng nhẹ 1% so với tuần trước đó nhưng vẫn chưa vượt 14.000 tỷ đồng mặc dù tuần trước đó có đợt cơ cấu của 2 quỹ ETF.

Như vậy, trong 8 tuần gần đây, thanh khoản thị trường chỉ duy trì ổn định xung quanh ngưỡng bình quân 13.000 tỷ đồng/phiên so với ngưỡng 15.500 tỷ đồng trong tháng 1/2021.

Dòng tiền không thể cải thiện và bị giới hạn, ở những phiên gần đây thị trường chủ yếu giao dịch trong phiên sáng và thanh khoản vì thế cũng chiếm phần lớn trong khoảng thời gian này. Đó cũng là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index liên tục dao động trong vùng tích lũy mặc dù đã có những thời điểm thị trường tiệm cận ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm nhưng vẫn chưa thể bứt phá qua ngưỡng cản này.

MBS cho rằng, việc thị trường đi ngang hơn 1 tháng qua cũng đã khiến tâm lý nhà đầu tư cá nhân có phần dao động, nhà đầu tư như đang phải thử sức bền trước thành trì 1.200 điểm, sau 4 tuần mua ròng liên tiếp đã quay trở lại bán ròng trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, mức giảm mạnh của thị trường trong tuần vừa qua đã có tác dụng lôi kéo dòng tiền từ khối nhà đầu tư tổ chức trong nước quay trở lại thị trường với lực mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, mạch bán ròng của khối ngoại tuy có giảm trong tuần vừa qua nhưng kể từ đầu năm cho tới nay, lượng bán ròng của khối ngoại đã gần bằng cả năm 2020 chỉ sau 13 tuần giao dịch.

Theo thống kê trên sàn HSX, khối ngoại đã bán ròng gần 13.500 tỷ đồng - bằng 89% lượng bán ròng năm 2020 (15.200 tỷ đồng).

Theo MBS, nguyên nhân khối ngoại bán ròng có thể do việc cơ cấu lại các quỹ đầu tư cũ, họ bán các cổ phiếu niêm yết và đầu tư vào các chỉ số ETF mới. ETF Diamond hiện là chứng chỉ quỹ đang được khối ngoại mua ròng nhiều nhất gần 91 triệu USD kể từ đầu năm cho tới nay, trong khi quỹ E1VFVN30 và KIMINDEX là 2 quỹ bị rút ròng nhiều nhất, lần lượt 64,15 triệu USD và 63,91 triệu USD.

Một nguyên nhân khác có thể khiến khối ngoại bán ròng trong thời gian vừa qua là áp lực tăng mạnh trở lại của lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm của Mỹ khiến tỷ giá của các thị trường mới nổi mất giá mạnh trong bối cảnh USD index đang có dầu hiệu tăng trở lại. Điều đó đã khiến áp lực rút vốn trên các thị trường mới nổi gia tăng rõ ràng nhất trong 2 tháng trở lại đây.

Ngoài ra, đồng KRW của Hàn Quốc bị mất giá 3,79% kể từ đầu năm so với Dollar Mỹ khiến áp lực rút vốn từ nhóm quỹ Hàn Quốc gia tăng và ro ràng nhất thể hiện qua quỹ Kim Index Vietnam VN30 ETF.

Nhà đầu tư ưu tiên gia tăng tỷ trọng tiền mặt

Về kỹ thuật, MBS đánh giá, chỉ số VN-Index đã lui về cận dưới vùng tích lũy với ngưỡng hỗ trợ nơi có sự góp mặt của MA50 và Fibonacci Retracement 23,6% ở khu vực 1.150 – 1.155 điểm. Nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng tới nguy cơ thị trường có thể đánh mất ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật cứng để giảm sâu hơn nếu không nhờ hiện tượng kéo trụ như VIC ở phiên giảm cuối tuần vừa qua. Việc chỉ số giảm sâu qua ngưỡng hỗ trợ rồi được kéo lên gần mức tham chiếu như ở phiên cuối tuần vừa qua giúp thị trường kiểm tra lại lực cầu bắt đáy giá thấp và đồng thời rũ bớt lượng hàng lỏng lẻo qua đó củng cố vùng hỗ trợ hiện tại.

Theo thống kê từ Bloomberg, tỷ lệ phần trăm số cổ phiếu trong rổ VN-Index nằm trên MA20 là 34,93% và nằm trên MA50 là 60,81%. Điều đó cho thấy đa phần cổ phiếu đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn và xu hướng giảm có thể còn tiếp diễn.

Trong kịch bản tích cực, MBS cho rằng, chỉ số VN-Index có thể phục hồi kỹ thuật trở lại và vượt MA20 quay trở lại vùng tích lũy trước đó xoay quanh mức 1.180 – 1.200 điểm. Việc retest vùng đáy kỹ thuật thành công quanh vùng 1.150 trong tuần vừa qua cùng với dòng tiền bắt đáy trở lại, thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý I/2021 sẽ là động lực hỗ trợ ngắn hạn cho đà phục hồi của thị trường.

Về chiến lược giao dịch, MBS cho rằng, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên xem xét giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao hơn cổ phiếu và việc chọn lọc danh mục cần kỹ càng hơn trước những thông tin mới từ kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông. Ưu tiên trading trong biên dao động của VN-Index trong khoảng dao động 1.150 – 1.180 điểm với chiến lược mua thấp, bán cao tại vùng hỗ trợ/kháng cự.

Trường hợp vùng 1.150 bị phá vỡ, cần chuẩn bị kịch bản cho khả năng VN-Index về ngưỡng hỗ trợ thấp hơn và lúc đó có thể chờ điểm mua tại các vùng hỗ trợ tiềm năng như 1.100 điểm.

Trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index đang được neo giữ trên mức hỗ trợ MA50 và Fibonacci Retracement 23,6% tương ứng vùng 1.150 điểm. Trong trường hợp vùng hỗ trợ mạnh này tiếp tục giữ vững, kịch bản phục hồi nhẹ và sideway trong khung hẹp từ 1.150 – 1.180 sẽ là kịch bản cơ sở trong tuần này khi sự nhiễu động về mặt thông tin vẫn còn là ẩn số. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng của khối ngoại và nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ là một rào cản về mặt giao dịch trong bối cảnh thanh khoản gặp khó do hệ thống giao dịch.

Không nên dành quá nhiều thời gian dự đoán VN-Index

Theo quan điểm của Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors - VWA), ở kênh cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra do dự khi VN-Index mãi vẫn chưa thể chinh phục được mốc 1.200 và chỉ số này không bứt phá được nhiều sau 14 năm.

“Đầu tư chứng khoán, cần bớt để ý đến Vn-Index” - Ảnh 1.

Ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc SGI Capital

Tuy nhiên, theo ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc SGI Capital, chỉ số VN-Index trong 14 năm qua dù không thay đổi nhiều nhưng P/E đã thay đổi rất lớn, từ 40 lần năm 2007 đã xuống còn 17 - 18 lần hiện tại. Điều này cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng trưởng khoảng 2,5 lần so với 14 năm trước, năm nay cũng là năm lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh.

Theo thống kê của quỹ SGI, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của nước đang phát triển, theo đà phát triển này, lãi suất sẽ tiếp tục đi xuống theo đường dài, và có khi xuống chỉ còn 1 - 2%, lãi suất tiền gửi của một số nước Bắc Âu thậm chí còn bằng 0. Việt Nam những năm tới sẽ vẫn tiếp tục có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng, nhờ đó mức lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục giữ được đà tăng như 14 - 15 năm qua.

Index nói chung và thị trường nói chung sẽ lên mức cực kỳ đắt khi nền kinh tế tăng trưởng cực kỳ nhanh và dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán ồ ạt. Bây giờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng đều đều, chưa có thông tin gì quá đột biến để thu hút lượng tiền lớn từ nước ngoài vào, nhưng trong tương lai khoảng 3 - 5 năm nữa Việt Nam sẽ gia nhập các thị trường EM, lớn hơn rất nhiều hiện tại, mở rộng cơ hội thu hút các quỹ rất lớn vào đầu tư.

Cũng nói về chỉ số VV-Index, ông Phúc cho rằng Index được mọi người nói đến quá nhiều và dành quá nhiều tâm sức để dự báo diễn biến tăng giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này là không hiệu quả. Trung bình 10 năm qua Index tăng 9%/năm, cộng thêm 2% cổ tức tiền mặt thì có thể đạt 11%/năm. Một thống kê cho thấy 80% nhà đầu tư kể cả quỹ/tổ chức không thắng được VN-Index; nếu đi theo con đường này, lợi suất cùng lắm chỉ là 10%/năm.

"Một thống kê của chúng tôi ở các công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư cá nhân trong 3 năm Vn-Index đều tăng (2014 - 2016), gần 1 nửa nhà đầu tư cá nhân ở các công ty chứng khoán đấy có NAV cuối năm thấp hơn đầu năm cho thấy nhà đầu tư vẫn lỗ trong năm chỉ số chứng khoán đi lên. Đi vào cụ thể thì vòng quay mua bán của các nhà đầu tư rất nhiều. Chi phí giao dịch, phí margin, trung bình phí ở những tài khoản giao dịch nhiều lên đến trên 20%/năm, một số tài khoản có thể lên tới 40%/năm, còn đại đa số các nhà đầu tư cá nhân trade ít cũng không dưới 10%/năm - đây là lý do mà tài khoản âm. Do vậy, để có được mức lợi nhuận tốt trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn những cổ phiếu tốt để đi cùng doanh nghiệp và bớt để ý đến Index hơn".

Các doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức ngày 29 - 30/3/2021

Trong các ngày 29 - 30/3/2021, các doanh nghiệp như CAP, KCE, DIG, VPD, CMF, SAS, DM7 sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện ...

Cổ phiếu penny nổi sóng đầu cơ: Nhà đầu tư cẩn thận mắc kẹt tại vùng giá đỉnh

Kết tuần giao dịch từ 22 - 26/3/2021, việc VN-Index giảm sâu một phần đến từ sự tiêu cực của các cổ phiếu vốn hóa ...

Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần từ 22 - 26/3: CTG, TCB, STB, ACB, MBB mất giá

Trong tuần VN-Index giảm sâu, nhóm cổ phiếu trụ là ngân hàng bị chốt lời và giảm khá mạnh với các cổ phiếu BID (-6,4%), ...

Minh Thuận T/H