Ứng dụng đầu tư tài chính chưa được cấp phép: Tiềm tàng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư

Cập nhật: 15:12 | 04/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Bộ Tài chính phát đi thông báo cảnh báo về các website, app công nghệ Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… do các công ty Fintech huy động để hút dòng tiền khi chưa được cơ quan này cấp phép.

Hút khách hàng với lãi suất cực hấp dẫn

Thực tế trong 2 năm vừa qua, khi thị trường chứng khoán sôi động (2020-2021), hàng loạt app đầu tư chứng khoán đã ra đời để thu hút nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nhưng ít thời gian hoặc những người có số tiền nhỏ nhưng muốn đầu tư chứng khoán để kiếm lời.

Đơn cử là Buff - ứng dụng đầu tư và tích luỹ của Công ty cổ phần Buff Fintech điển hình khi đang là tâm điểm thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cá nhân với những lời chào lãi suất hấp dẫn. Ứng dụng đầu tư này đã luôn biết cách điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn tiền gửi tích luỹ ngay khi thị trường vừa “nóng” lên để hút các nhà đầu tư.

App đầu tư TC
Hầu hết các app đầu tư tài chính đều đưa ra những lời chào mời khá hấp dẫn cho nhà đầu tư về mức sinh lời

Điển hình là vào 25/10/2022, sau công bố nâng lãi suất điều hành mới của Ngân hàng Nhà nước, Buff cũng chào mức lãi suất cao hơn với tất cả các gói tích luỹ mà ứng dụng cung cấp. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất Buff công bố là 7%/năm, tích luỹ tối thiểu từ 100.000 đồng, khách hàng rút trước hạn vẫn được nhận lãi suất. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh lên 10%/năm, tích luỹ tối thiểu 200.000 đồng. Gói không kỳ hạn tăng lãi suất lên 5,75%/năm, tích luỹ tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 3 tỷ đồng.

Buff hiện đang cung cấp 2 gói tích luỹ: Tích lũy linh hoạt (B-Flex) - gói không kỳ hạn, cho phép người dùng rút tiền bất kỳ lúc nào mà vẫn được hưởng trọn lãi suất và tích luỹ kỳ hạn cố định B - Long từ 1 - 18 tháng.

Theo giới thiệu từ Buff, B-Long là sản phẩm được đội ngũ phát triển và chuyên gia tài chính của BUFF kết hợp với các đơn vị quản lý đầu tư cho ra đời. Sản phẩm được cấu thành chủ yếu từ công cụ nợ doanh nghiệp do SSI, Mirae Asset, Tân Việt… tư vấn phát hành, sản phẩm hỗ trợ lãi suất của VNDIRECT và chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi của MBBank. Tiền tích lũy của người dùng sẽ được quản lý bởi Công ty Quản lý quỹ Tân Việt (TVFM).

Một ứng dụng đầu tư khác là Infina cũng thông báo mức lợi suất mới “cực khủng” với gói tích luỹ không kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng có thể gửi tiền chỉ từ 200.000 đồng, lợi suất 7%/năm, nhận lãi hàng tháng, rút vốn bất kỳ khi nào mà lãi suất không bị ảnh hưởng. Gói tích lũy này có hiệu lực từ ngày 25/10 - 25/12/2022.

Ứng dụng đầu tư tài chính chưa được cấp phép: Tiềm tàng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư
Công ty cổ phần Buff Fintech quảng cáo sản phẩm Tích luỹ khi chưa được cấp phép

Finhay cũng thông báo ra mắt các gói tích luỹ mới kể từ 17/10/2022, gây chú ý với sản phẩm tích luỹ 21 ngày, lợi nhuận 5,7%/năm và nâng lãi suất với các kỳ hạn: 3 tháng là 6,5%/năm và 12 tháng 8,5%/năm. Tài sản trong các sản phẩm tích luỹ 2022 sẽ không bị tính phí bảo trì, không thu phí rút tiền.

Bên cạnh đó, ứng dụng đầu tư này cũng nâng lợi nhuận của sản phẩm tích luỹ không kỳ hạn lên 5%/năm.

Có thể thấy, các ứng dụng đầu tư đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao hơn nhiều so với ngân hàng truyền thống. Cụ thể, theo Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ban hành ngày 28/10/2014 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tối đa là 1%/năm và hiện tại, mức lãi suất đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến là 0,1 - 0,2%/năm với gửi tiết kiệm tại quầy và 0,2 - 0,25%/năm với gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất cao nhất với kỳ hạn này đang được áp dụng cũng chỉ là 0,5%/năm.

Rủi ro lớn cho các nhà đầu tư từ vùng trống pháp lý

Theo UBCKNN, các website, app giao dịch như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn. Tuy nhiên, các website, app này lại có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Ứng dụng đầu tư tài chính chưa được cấp phép: Tiềm tàng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư
Finhay cũng nâng lợi nhuận của sản phẩm tích luỹ không kỳ hạn lên 5%/năm.

Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Việc nạp tiền gửi tiết kiệm vào các ứng dụng đầu tư như Finhay, Infina, Buff... khá đơn giản, với vài thao tác. Khi gửi tiền, người dùng không nhận về sổ tiết kiệm hay các giấy tờ chứng nhận gửi tiền tiết kiệm. Các giao dịch giữa người dùng và các ứng dụng đầu tư này được thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

Theo đó, tiền gửi của nhà đầu tư sẽ được ứng dụng đầu tư ủy quyền cho các công ty đứng sau/bên thứ ba đầu tư với hy vọng kiếm được lợi nhuận cao hơn lãi suất hứa hẹn trả cho nhà đầu tư. Đây có thể xem là hình thức huy động vốn tự do của các ứng dụng đầu tư và các công ty tài chính.

"Thực tế, nhu cầu thị trường là có và một số fintech (công ty tài chính công nghệ) đang hoạt động theo mô hình này. Như khuyến cáo của cơ quan quản lý, có một số app huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Ứng dụng đầu tư tài chính chưa được cấp phép: Tiềm tàng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư
Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư vào các app Fintech tài chính

Như vậy, nếu các app đang hoạt động như trung gian thanh toán thì cần chứng minh không tham gia hoạt động quản lý quỹ và huy động tiền của nhà đầu tư. Quan trọng không kém, khi đầu tư vào các app, nhà đầu tư cần được thông tin cả về lợi nhuận và rủi ro có thể gặp phải" - TS Hồ Quốc Tuấn nêu ý kiến.

Hiện nay, một số đại lý phân phối của các công ty quản lý quỹ cũng đang phát triển các ứng dụng công nghệ và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các công ty quản lý quỹ. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,...). Nhà đầu tư có thể tìm hiểu danh sách, thông tin các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài ra, cần định hướng các công ty Fintech sử dụng nền tảng công nghệ và hoạt động đúng vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian cho các công ty quản lý quỹ, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghệ Fintech nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Cảnh báo rủi ro lớn khi đầu tư tài chính theo mô hình đa cấp

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa lên tiếng cảnh báo về các rủi ro nhà đầu tư có ...

Góc nhìn chuyên gia: Nhà đầu tư F0 nên hạn chế lướt sóng, bắt đáy cổ phiếu khi thị trường chưa rõ xu hướng

Đánh giá về xu hướng hiện tại của VN-Index, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc CTCP Đầu tư tài chính LCTV cho rằng thị trường ...

UBCKNN xử phạt PVFI hơn 400 triệu đồng do chậm niêm yết

Mới đây, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị ...

Minh Khuê