Tour đi trực thăng ở Hạ Long: Hành khách được bảo hiểm lên đến 30 triệu USD/vụ

Cập nhật: 10:54 | 07/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo thông tin của của một số đơn vị cung cấp tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long, hành khách có thể được bồi thường lên đến 30 triệu USD/vụ (khoảng 700 tỷ đồng) trong trường hợp máy bay gặp sự cố.

SHB: Nắm cơ hội phía trước, ngân hàng lên kế hoạch nâng sức vốn

Từ vụ việc của Silicon Valley Bank: Các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam nên cho phá sản vì nó như những con zombie

Dịch vụ bay trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long là sản phẩm du lịch đã được phục vụ khách quốc tế từ nhiều năm qua, nhưng từ hai năm nay mới được đưa vào khai thác rộng rãi cho khách Việt Nam.

Theo thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ (website: tructhangvinhhalong.com), trực thăng BELL505 là thế hệ máy bay mới, nhẹ do Hãng Bell Helicopter Mỹ sản xuất năm 2018. Máy bay đạt chứng nhận an toàn bởi Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (US FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EUASA).

Máy bay có 5 chỗ ngồi, trong đó 1 chỗ dành cho phi công và 4 chỗ dành cho hành khách. Công ty bay dịch vụ miền Bắc (VHN) điều hành và quản lý các chuyến bay.

Máy bay Bell 505 mang số hiệu VN-8650 thuộc sở hữu Công ty Trực thăng miền Bắc, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Theo người dân chứng kiến vụ việc, máy bay Bell 505 bị rơi gần một hòn đảo.

Tour đi trực thăng ở Hạ Long được bảo hiểm lên đến 30 triệu USD/vụ
Tour đi trực thăng ở Hạ Long được bảo hiểm lên đến 30 triệu USD/vụ

Về vấn đề bảo hiểm, bảo hiểm trực thăng là loại hình bảo hiểm đặc biệt dành cho các hoạt động của máy bay cũng như những rủi ro xảy ra đến với khách hàng. Hầu hết đơn vị điều hành tour trực thăng đều ký kết với các đơn vị bảo hiểm chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Thông tin cung cấp từ đại lý tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long cho hay mức bảo hiểm cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ, tương đương khoảng 700 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ đơn vị khai thác tour và công ty bảo hiểm nào chịu trách nhiệm vụ rơi máy bay trực thăng tại Hạ Long hôm 5/4.

 Nguồn: Vivu5sao.com.
Nguồn: Vivu5sao.com.

Trước đó, ngày 18/4/2022, Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) đã tiến hành lễ ký Hợp đồng bảo hiểm hàng không giai đoạn 2022 - 2023 với Liên danh bảo hiểm PVI - Bảo hiểm Bảo Việt - MIC.

Liên danh bảo hiểm, đứng đầu là Tổng công ty bảo hiểm PVI (PVI) cùng Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) và Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC) là những công ty bảo hiểm dẫn đầu về bảo hiểm hàng không tại Việt Nam.

Theo VNH, liên danh này đã nhiều năm thực hiện tốt cam kết hợp đồng, hỗ trợ và chia sẻ với VNH trong những giai đoạn thị trường gặp nhiều khó khăn, góp phần giúp cho các đơn vị của VNH ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Liên danh đã cùng với VNH thu xếp chương trình bảo hiểm cho kỳ 2022 – 2023 với tỷ lệ phí được cải thiện và duy trì được các điều kiện điều khoản tốt cho đội máy bay của VNH và hệ thống các nhà nhận tái bảo hiểm uy tín trên thị trường bảo hiểm hàng không quốc tế.

Chúng tôi đã liên hệ với phía Bảo hiểm PVI, đơn vị này cho biết đây là sự việc gây thiệt hại lớn cả về tài sản lẫn con người, các bên liên quan đang bắt đầu làm việc để xác minh làm rõ và để có câu trả lời cuối cùng sẽ không nhanh trong một hay ngày. Khi nào có thông tin chính thức PVI sẽ thông báo cụ thể sau.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, năm 2021, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD (82 tỷ đồng) tổn thất toàn bộ thân máy bay cho máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam).

Máy bay này bị tai nạn trong quá trình bay tập tại Vũng Tàu ngày 18/10/2016. Vào thời điểm xảy ra sự cố, có 3 phi công gồm một phi công giáo viên và 2 học viên trên máy bay. Xác chiếc máy bay bị rơi và 3 phi công hy sinh đã được tìm thấy một ngày sau đó. PVI cũng từng tạm ứng hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho gia đình 3 phi công hy sinh.

PVI là nhà bảo hiểm gốc cho toàn bộ đội bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam từ năm 2009, bao gồm các loại bảo hiểm như bảo hiểm thân máy bay, trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên máy bay và trách nhiệm pháp lý đối với phi hành đoàn.

Ngoài việc là nhà bảo hiểm chính cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, PVI còn là nhà bảo hiểm cho các hãng hàng không dân dụng tại Việt Nam, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (nay là Pacific Airlines), Vietjet Air.

Tạm dừng bay du lịch ngắm cảnh sau vụ rơi trực thăng Bell 505

Chiều ngày 6/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18 - VNH) đã chủ động cho dừng mọi hoạt động bay du lịch ngắm cảnh, sau vụ rơi trực thăng ở Vịnh Hạ Long chiều 5/4.

Không chỉ dừng tour ngắm Vịnh Hạ Long, các tour ngắm cảnh ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo cũng tạm dừng chờ thông báo mới.

Hồng Giang