Tọa đàm trực tuyến: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững thị trường chứng khoán

Cập nhật: 10:37 | 31/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Sáng nay 31/3 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững".

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết Tọa đàm được tổ chức vào thời điểm hết sức đặc biệt. Nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển mới với định hướng và mục tiêu mới được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hứa hẹn bứt phá sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, phát triển nhanh và bền vững. Quốc hội đang trong quá trình phê chuẩn nhân sự mới của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Mô hình tổ chức, nhân sự của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang có nhiều thay đổi. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và tuần trước Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và kiện toàn Ban lãnh đạo Sở.

Sau sự bứt phá trong năm 2020, từ đầu năm đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, lượng nhà đầu tư tham gia thị trường đã tiếp tục tăng mạnh, nhất là nhà đầu tư mới; số lượng tài khoản tăng mạnh lên tới 2,8 triệu, tương đương gần 3% dân số Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng các nhà đầu tư đã làm cho giao dịch tại sàn HOSE thường xuyên bị quá tải, nghẽn lệnh, gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index sau khi vượt mốc 1.200 điểm đang có sự trồi sụt khó dự báo.

3046-toa-dam-truc-tuyen-1
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn phát biểu khai mạc Toạ đàm

Trong bối cảnh đó, Toạ đàm với 2 phiên chính, sẽ tập trung thảo luận sâu về các vấn đề như: Đâu là những yếu tố cơ bản tạo nên sự tăng trưởng và sôi động của thị trường trong những tháng đầu năm? VN-Index sẽ diễn biến thế nào trong quý II và những tháng cuối năm? Những yếu tố tác động tới thị trường trong quý II, nhìn từ triển vọng kinh tế vĩ mô, tiến trình hội nhập quốc tế, khả năng sinh lời từ các kênh đầu tư, mô hình tổ chức và nhân sự mới của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Khả năng và giải pháp tháo gỡ tắc nghẽn công nghệ trên sàn HOSE...?

3101-toa-dam-truc-tuyen-2
Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN): 82% doanh nghiệp niêm yết có lãi

Trong bài tham luận, đại diện UBCKNN đánh giá thị trường năm 2021 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, như: Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19; Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh; Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp; Nội tại TTCK trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất; Yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi – mức tương đương với quý IV/2019; Với việc Việt Nam vươn lên chiếm thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.

Một số giải pháp trọng tâm sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 gồm: Tập trung vào công tác phổ biến pháp luật, đưa các quy định chính sách mới của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK, thị trường vốn về dài hạn.

3151-toa-dam-truc-tuyen-3
Bà Tạ Thanh Bình

Trong năm 2021, UBCKNN dự kiến sẽ tiếp tục giới thiệu thêm các sản phẩm giao dịch mới trên TTCK đó là ra mắt sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm (dự kiến quý I/2021), nghiên cứu để sớm đưa thêm sản phẩm HĐTL trên các chỉ số cổ phiếu mới và các loại chứng quyền có bảo đảm, trái phiếu xanh. Nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech);

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; Xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt; Đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua đẩy mạnh các giải pháp chính sách cụ thể và thiết thực để sớm đạt mục tiêu về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

3223-toa-dam-truc-tuyen-4
Ông Lê Đức Khánh

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS: Thanh khoản sẽ còn tăng mạnh

Đại diện Công ty chứng khoán VPS đánh giá, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát đợt 3, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 vẫn duy trì tích cực. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là điểm sáng. FDI vẫn tăng tốt trong quý I/2021. Chỉ số PMI quay trở lại xu hướng tăng.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là đánh giá của các định chế định hạng về Việt Nam. Ông Khánh cho biết, tất cả các tổ chức đều đánh giá Việt Nam sẽ hồi phục mạnh và tốt trong năm nay.

Dù vậy, một điểm lưu ý là kỳ vọng lạm phát có thể sẽ đến sớm hơn dự kiến, và đe dọa với TTCK. Có thể thấy, lãi suất huy động tăng nhẹ với kỳ vọng lạm phát và kinh tế hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.

Một yếu tố được ông Khánh đề cập là việc khối ngoại liên tục bán ra trên thị trường cổ phiếu, và bán ra rất mạnh. Ông Khánh cho biết, nhóm này bán 10.800 tỷ trên thị trường, nhưng khối nội đã cân cả. “Đó là làn sóng nhà đầu tư mới tham gia TTCK, những người thuộc thế hệ F0 và cả những nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Số liệu cho thấy, thanh khoản trên 3 sàn đạt khoảng hơn 20.000 tỷ và sẽ còn tăng rất mạnh”, ông Khánh giải thích.

Vì lẽ đó, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư VPS nhận định, không lý do gì VN-Index không thể vượt đỉnh trong khi nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới đã bứt phá rất mạnh. “Triển vọng của TTCK Việt Nam rất lớn khi chúng ta còn có nhiều sản phẩm mới trên thị trường”, ông Khánh nói.

Dự báo về VN-Index trong thời gian tới, ông Khánh nhận định, thị trường có thể điều chỉnh quanh vùng 1.170 - 1.180 điểm, và trong tháng 4/2021 có thể vượt qua mốc đỉnh lịch sử. “Tháng 4 vẫn là thời điểm thuận lợi cho giao dịch chứng khoán”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, các quỹ sẽ có xu hướng đầu tư vào nhóm tài chính, xây dựng, vật liệu, cảng biển, dầu khí, và tốt nhất vẫn nên ưu tiên VN30. Chỉ số chứng khoán sẽ lên các điểm cao mới và nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm sẽ là những nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhóm cổ phiếu giá trị,...

3304-toa-dam-truc-tuyen-5
Ông Nhữ Đình Hoà

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt: Vốn ngoại sẽ sớm quay lại

Trải qua một năm 2020 biến động “khó lường” nhưng kết thúc lại rất tốt đẹp. TTCK Việt Nam đã đóng cửa năm hồi phục ấn tượng với mức tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân phiên của cả 3 sàn đạt tới 7.396 tỷ tăng tới 59% so với năm trước.

Bước vào năm 2021 với nền tảng kinh tế, chính trị ổn định, bên cạnh đó kỳ vọng về tăng trưởng hồi phục mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ củng có thêm cho niềm tin về xu hướng tích cực.

Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra thành công, mở đầu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 –2026; Chính phủ tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ tăng trưởng, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng trưởng GDP sẽ bật mạnh trở lại từ nền thấp 2020; đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân; kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi (EM) trong đó có thị trường Việt Nam; và bên cạnh đó, cũng không thể không đề cập đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020.

Dẫu vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực của TTCK Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn đó các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra như các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và NHTW các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh.

TTCK luôn là sự đối đầu giữa kỳ vọng và quản trị rủi ro, nhưng với bối cảnh thuận lợi, tôi tin rằng năm 2021 sẽ có những thời điểm chúng ta nhìn thấy những đỉnh cao mới, lịch sử của thị trường chứng khoán.

Tọa đàm trực tuyến: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững thị trường chứng khoán
TS. Vũ Bằng

TS. Vũ Bằng: Cần cổ phần hoá Sở giao dịch chứng khoán

Nguyên Chủ tịch UBCKNN đánh giá trong năm nay thị trường sẽ tốt hơn nhờ nhiều yếu tố tích cực. Triển vọng và năng lực xử lý dịch Covid-19 đã tốt hơn, giúp hồi phục nền kinh tế giúp thế giới hồi phục, đấy là yếu tố rất quan trọng tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Đối với thị trường trong nước, Chính phủ tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ tăng trưởng, duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đầu tư vốn, đầu tư công, khá thuận lợi và có dư địa về dòng tiền đối với thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp năm vừa rồi có kết quả kinh doanh khá ổn, cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng và có tiềm năng phát triển cũng như sức bật tốt sau đại dịch.

Các vấn đề vĩ mô nhìn chung đang vững chắc, không có nhiều biến động, các giải pháp kích thích kinh tế chưa đến mức mạnh để xảy ra lạm phát.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có bất lợi nhưng tôi cho rằng, tác động của những bất lợi này không phải thời điểm hiện tại mà là cuối năm, đó là vấn đề lãi suất tăng trở lại và việc đảo chiều dòng vốn tỷ giá.

Cụ thể, nếu thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng và đến lúc lãi suất điều chỉnh quốc tế, thì đây sẽ là điểm yếu. Tôi thấy đây là vấn đề cần quan tâm nhất. Thứ hai là nợ toàn cầu, hiện tại đã gia tăng rất lớn, đây cũng là yếu tố bất ổn cần lưu ý.

Với trong nước, tôi cho rằng nợ xấu sẽ gia tăng. Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, nhìn chung tâm lý là lạc quan, đối với thị trường chứng khoán vẫn có xu hướng tốt.

Đề xuất xây dựng thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Vũ Bằng cho rằng, nên sớm cổ phần hoá sở giao dịch chứng khoán để có thể áp dụng mô hình quản trị mới.

"Các sở giao dịch chứng khoán là nơi luôn yêu cầu các công ty niêm yết phải quản trị theo nguyên tắc OECD, làm các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết để theo hướng quản trị mới. Trong khi đó chính các sở lại không cải cách về quản trị, vẫn là sở hữu nhà nước thì không hợp lý", ông Bằng nói.

Theo ông Vũ Bằng, tất cả những lỗi, tình trạng công nghệ cũ trong thời gian qua nguyên nhân gốc vẫn là vấn đề cải cách quản trị và sở hữu.

Nguyên Chủ tịch UBCKNN đề xuất Việt Nam có thể học Ba Lan. Sở giao dịch chứng khoán của quốc gia Đông Âu này thực hiện cổ phần hoá một phần nhỏ, trước tiên là 2%, đủ để chuyển đổi thành công ty cổ phần, có HĐQT. Sau đó, khi thị trường phát triển, công nghệ tân tiến được áp dụng thì mới bán thêm một chút cho nhà đầu tư ngoại khoảng 5-7%.

PV