Tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE sẽ ra sao khi hàng tỷ cổ phiếu chuẩn bị lên sàn?

Cập nhật: 09:40 | 13/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Các phiên có giá trị giao dịch 14 - 15.000 tỷ đồng giờ đây không hiếm tại HOSE. Thanh khoản tăng vọt, hai tuần giao dịch cuối năm 2020 khiến tình trạng nghẽn lệnh về cuối phiên bắt đầu xuất hiện thường xuyên. Trước khi HOSE nâng giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần, khi giá trị giao dịch vượt 13.000 đồng, tình trạng ùn ứ lệnh xảy ra trên diện rộng tại sàn này.

Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 8/1/2021, VN Index đóng cửa ở mức 1.167 điểm, cách không xa so với đỉnh lịch sử 1.204 điểm thiết lập vào ngày 9/4/2018. Nhiều khả năng VN Index sớm thiết lập đỉnh mới trong quý I/2021 khi đà thăng hoa của thị trường chứng khoán có thể tiếp tục nối dài dựa trên nhiều bệ đỡ.

Những tháng cuối năm, nhà đầu tư được hưởng không khí tiệc tùng khi thị trường chứng khoán liên tiếp ghi nhận nhiều kỷ lục mới.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong tháng 12/2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 63.629 tài khoản, xô đổ kỷ lục 41.500 tài khoản vừa thiết lập trước đó vào tháng 11/2020.

3543-cv
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cùng với đó, dòng tiền và nhà đầu tư mới đẩy giá trị và khối lượng giao dịch bùng nổ khi tại HOSE, trong tháng 12/2020, hầu hết các phiên giao dịch đều có giá trị trên 10.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức trung bình trong 11 tháng đầu năm. Giá trị giao dịch khớp lệnh tại HOSE liên tục xác lập các kỷ lục mới 12 - 14 - 16 và 18.000 tỷ đồng.

Trải qua thời gian này, thanh khoản tiếp tục lên cao trong tuần đầu tiên của năm 2021. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên cuối tuần qua đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 21.059 tỷ đồng; trong đó giá trị khớp lệnh tiếp tục lập kỷ lục với 19.250 tỷ đồng.

Thanh khoản ghi nhận các mức kỷ lục mới giúp chỉ số tăng mạnh nhưng cũng trở thành “cơn đau đầu” cho các nhà quản lý, nhất là tại HOSE. Tình trạng nghẽn và chậm trả lệnh đã trở nên thường nhật trong các phiên giao dịch gần đây, trong khi phương án nâng lô chẵn lên 100 cổ phiếu chỉ hỗ trợ một phần cho hệ thống của HOSE.

Không chỉ hàng loạt tài khoản mở mới và dòng tiền từ các kênh đầu tư khác đổ vào, tình trạng quá tải trên HOSE còn do nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh. Trong năm qua, nhiều công ty và ngân hàng lớn đã thực hiện niêm yết mới hoăc chuyển sàn niêm yết, làm tăng thanh khoản chung

Đáng kể nhất phải tính đến nguồn cung hàng tỷ cổ phiếu đến từ khối ngân hàng. Gần đây nhất là gần 1,18 tỷ cổ phiếu Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) niêm yết ngày 23/12/2020, thanh khoản bình quân là gần 11 triệu cổ phiếu/phiên.

Hay trước đó, ACB chuyển niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu vào ngày 9/12/2020 và ghi nhận mức thanh khoản hơn 11,5 triệu cổ phiếu/phiên. Tương tự trong tháng 11/2020, HOSE nhận thêm hơn 1,07 tỷ cổ phiếu LPB và gần 1,08 tỷ cổ phiếu VIB. Thanh khoản bình quân của LPB và VIB lần lượt gần 11 triệu đơn vị và gần 1 triệu đơn vị mỗi phiên.

Gần đây HOSE cũng được bổ sung một lượng lớn cổ phiếu từ các công ty khác như gần 442 triệu cổ phiếu Vinaconex (VCG), gần 128 triệu cổ phiếu Chứng khoán VIX, gần 42 triệu cổ phiếu Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) hay 32 triệu cổ phiếu Đầu tư BKG Việt Nam (BKG)…

Hàng tỷ cổ phiếu mới xếp hàng chờ giao dịch

Nguồn cung cổ phiếu trên HOSE có lẽ chưa dừng lại khi Sở giao dịch này cũng vừa chấp thuận niêm yết cho 9 doanh nghiệp mới, điều này sẽ gây thêm áp lực lớn hơn lên hệ thống giao dịch đang quá tải của đơn vị quản lý này.

Nguồn cung lớn nhất vẫn đến từ khối ngân hàng khi SeABank được chấp thuận niêm yết gần 1,21 tỷ cổ phiếu và khối lượng của Ngân hàng Phương Đông (OCB) là gần 1,1 tỷ cổ phiếu.

Đáng chú ý, HOSE trong ngày 30/12 còn chấp thuận niêm yết thêm cho 3 công ty khác là Tổng CTCP bảo hiểm quân đội (UpCOM: MIG), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HNX: NHA), CTCP Thép Vicasa - VNSteel (UpCOM: VCA).

Như vậy, tổng khối lượng chấp thuận niêm yết trong những ngày cuối năm 2020 lên gần 2,56 tỷ cổ phiếu.

listed-1-6459-1610276263.png

HoSE chấp thuận niêm yết cho 9 doanh nghiệp ngay cuối năm 2020

Ngoài các doanh nghiệp đã có quyết định chấp thuận niêm yết để chờ ngày giao dịch, HOSE còn đang nhận hồ sơ để thẩm định cho 9 đơn vị khác với khối lượng gần 2,45 tỷ cổ phiếu. Đáng chú ý có SHB, Ngân hàng Nam Á, nhà phân phối máy ảnh Lê Bảo Minh…

listed-2-2707-1610276264.png

Danh sách 9 doanh nghiệp đang nộp hồ sơ niêm yết chờ thẩm định

Ngoài ra, Becamex IJC (HOSE: IJC), Tập đoàn Novaland (HOSE: NVL), SAM Holdings (HOSE: SAM), Tập đoàn Everland (HOSE: EVG), Vietnam Airlines (HOSE: HVN) và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên phương án phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, huy động vốn cũng sẽ tạo thêm gánh nặng giao dịch cho HOSE trong thời gian tới đây.

Nghẽn lệnh cuối phiên: Trạng thái "bình thường mới"

Thực tế, các phiên có giá trị giao dịch 14 - 15.000 tỷ đồng giờ đây không hiếm tại HOSE. Thanh khoản tăng vọt, hai tuần giao dịch cuối năm 2020 khiến tình trạng nghẽn lệnh về cuối phiên bắt đầu xuất hiện và trở thành khá thường xuyên. Trước khi HOSE nâng giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần, khi giá trị giao dịch vượt 13.000 đồng, tình trạng ùn ứ lệnh xảy ra trên diện rộng tại sàn này.

Cụ thể, sau 14 giờ giao dịch bất ngờ sụt giảm, lệnh của nhà đầu tư đẩy vào hệ thống công ty chứng khoán nhưng sau đó không ghi nhận xuất hiện trên bảng điện của HOSE. Phiên giao dịch ATC giao dịch lèo tèo, xuất hiện lệnh mua bán mang tính chất tượng trưng để có thể xác định được giá tham chiếu ngày hôm sau. Nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu làm quen với việc nghẽn lệnh, "trạng thái bình thường mới" tại HOSE mỗi khi thanh khoản tăng vọt. Ví von thì hệ thống giao dịch của HOSE mang dáng dấp một vận động viên phong trào phải tham gia cuộc marathon chuyên nghiệp càng gần đích càng đuối sức, cố những bước chậm dần đều cán đích trong sự hồi hộp của tất cả các thành viên thị trường.

Về điều này, trao đổi với báo giới, ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT HOSE khẳng định, quy trình thực hiện của hệ thống giao dịch của HOSE diễn ra hoàn toàn bình thường, không ghi nhận bất kỳ lỗi nào liên quan đến các tiến trình trong việc khớp lệnh.

Ở góc độ quản lý thị trường, ông Trà cho biết, dựa trên số liệu thực tế của HOSE, số lượng lệnh giao dịch của top 20 công ty chứng khoán hàng đầu tính từ đầu năm đến nay tăng từ 3 đến gần 12 lần.

Vào đầu năm 2021 HOSE đã nâng số lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phần như một giải pháp chữa cháy tạm thời. Các công ty chứng khoán cũng thực hiện nhiều giải pháp tạm bợ khác như nâng giá trị giao dịch tối thiểu của nhà đầu tư, khuyến cáo khách hàng đặt lệnh sớm, chuyển các giao dịch lô lớn sang giao dịch thỏa thuận... Dù vậy trong khi chờ các giải pháp căn cơ hơn từ cơ quan quản lý như đầu tư hệ thống giao dịch mới (thời gian có thể tính bằng năm), nhà đầu tư vẫn đối mặt với tình trạng nghẽn lệnh, đồng nghĩa với gián đoạn giao dịch về cuối phiên, tức là đối diện với rủi ro thua lỗ bất khả kháng.

Phiên sáng: Cổ phiếu MIG tạm biệt UpCOM bằng sắc đỏ?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo, toàn bộ 130 triệu cổ phiếu MIG của Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội sẽ ...

47 mã cổ phiếu sàn HOSE tăng giá trên 100% trong 3 năm qua: DGW, NTL, TCM, PHR tăng gần 300%

Thống kê cho biết từ ngày 9/4/2018 đến nay, thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử tới nay, sàn HOSE có tới 160 mã cổ ...

Tiêu điểm xử phạt đầu năm 2021: Nhiều cá nhân và doanh nghiệp bị UBCKNN phạt nặng

Đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố nhiều thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trong ...

Đức Hậu T/H