Tình hình thu hút đầu tư, giải ngân vốn FDI quý I/2021

Cập nhật: 06:25 | 30/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2021 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 10,13 tỷ USD - tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

2625-ah
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đáng chú ý trong số này có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD - giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 161 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD - tăng 97,4%; 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu USD - giảm 58,8%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 179 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 281 triệu USD và 555 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 524,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD - tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong quý I năm nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD - chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD - chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD và trên 167 triệu USD...

Theo đối tác đầu tư, đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD - chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD - chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này); Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD - chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,2 tỷ USD - chiếm 32,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Cần Thơ đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD - chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư; Hải Phòng đứng thứ 3 với 946 triệu USD - chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là TP. HCM, Bắc giang, Bình Dương…

Trong khi đó, vốn FDI thực hiện trong quý I/2021 (tính đến 20/3) ước đạt 4,1 tỷ USD - tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố. Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn đang trong tình trạng phong tỏa vì đại dịch, biên giới đóng cửa với hoạt động đi lại và các chuyến bay chưa được kết nối.

Điểm danh các dự án FDI "khủng" trong quý 1/2021

Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho khá nhiều dự án quy mô lớn.

Lớn nhất là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD tại Long An. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 12/2025. Dự án có công suất dự kiến 3.000 MW bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW, do công ty VINACAPITAL GS ENERGY PTE. LTD. là chủ đầu tư.

Nhà máy điện LNG Long An I & II có diện tích khoảng 90 ha, đặt trong Khu Dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á rộng 239 ha thuộc dự án Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Tiếp theo là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ. Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II nằm ở Trung tâm Điện lực Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) có công suất thiết kế 1.050 MW.

Bên cạnh đó còn có Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD.

Ngoài ra, quý I/2021 thêm một dự án FDI xuất hiện là Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (Macbook) cho Apple với quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.

Phiên giao dịch ngày 30/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 30/3/2021, ...

Khối ngoại bán ròng 180 tỷ đồng phiên 29/3, KDH bị rút vốn mạnh

Kết phiên giao dịch ngày 29/3/2021, bất chấp việc VN-Index tăng hơn 13 điểm, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn ...

Phiên chiều 29/3/2021: Cổ phiếu bầu Đức trở lại, VN-Index tăng hơn 13 điểm

Đà tăng tích cực xuất hiện trong đầu phiên chiều giúp chỉ số vượt qua được mức đỉnh trong ngày và kết phiên với sắc ...

Quốc Trung T/H

Tin liên quan