Thương mại Việt Nam thâm hụt gần 370 triệu USD sau 5 tháng đầu năm

Cập nhật: 08:56 | 31/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng vẫn tăng cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại 5 tháng ươc tính nhập siêu 369 triệu USD.

4709-nhyp-s
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 đạt 262,23 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD - tăng 30,7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như điện thoại và linh kiện 21,9 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD; máy móc thiết bị đtạ 14,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 6,6 tỷ USD,…

Trong 5 tháng qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất hàng hóa của Việt Nam với 37,6% tăng gần 50% so với cùng kỳ. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 20,1 tỷ USD; EU 16,1 tỷ USD; ASEAN 11,5 tỷ USD;…

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch đạt được trong 5 tháng là 131,31 tỷ Usd, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Có nhiều mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn như điện tử, máy tính và linh kiện 27,4 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 18,7 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 7,5 tỷ USD; sắt thép 4,6 tỷ USD;…

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc 20,9 tỷ USD; ASEAN 18,1 tỷ USD; Hoa Kỳ 6,4 tỷ USD;…

Như vậy, ước tính 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD.

Như kinhtechungkhoan.vn đã thông tin mới đây, mức thâm hụt 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5/2021 đã đưa cán cân thương mại của cả nước tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2021 nghiêng về hướng nhập siêu với 350 triệu USD…

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng lớn

Đáng chú ý, thâm hụt thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay có sự tác động không nhỏ từ việc nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tăng mạnh.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 33,9 tỷ USD - tăng hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 20 tỷ USD so với năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 16 tỷ USD.

Theo đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2021 lên mức cao kỷ lục 17,6 tỷ USD - tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2020 và hơn 665% so với cùng kỳ năm 2019.

5312-ndh

Kim ngạch xuất nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020 và 2019 (Đơn vị: Tỷ USD)

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng qua, các mặt hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng được nhập về nhiều nhất, với kim ngạch đạt 7,45 tỷ USD - tăng gần 3 tỷ USD so với năm trước. Đứng thứ 2 là máy vi tính, linh kiện đạt kim ngạch hơn 6,3 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Đây là một trong hai mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất của Việt Nam từ Trung Quốc, khiến thâm hụt thương mại với nước này vẫn là con số hàng chục tỷ USD.

Theo số liệu của Hải quan, nhiều mặt hàng từ Trung Quốc gần đây có kim ngạch nhập khẩu cao bất thường trong đó thủy sản - vốn ít được nhập từ Trung Quốc - đạt hơn 60 triệu USD kim ngạch - tăng hơn 22,7 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Một mặt hàng khác là hóa chất khi 4 tháng qua kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này ở Việt Nam gần 800 triệu USD, tăng gần 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập gần 870 triệu USD các sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc dù các sản phẩm này bị Việt Nam đánh thuế cao trên 74%.

4 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập trên 920 triệu USD sản phẩm sắt thép từ Trung Quốc, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và gần 400 triệu USD so với 4 tháng đầu năm 2019.

Hiện Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá rất cao đối với nhiều loại thép thành phẩm, tôm mạ màu từ Trung Quốc. Những mặt hàng này thuộc danh mục hạn chế nhập khẩu do bán phá giá hoặc mặt hàng xung đột với hàng hóa sản xuất trong nước.

Đáng chú ý, trong số các nguyên liệu phục vụ sản xuất, các sản phẩm như vải các loại, nguyên liệu dệt may, da giày nhập từ Trung Quốc có tốc độ tăng kinh ngạc.

Hết 4 tháng, kim ngạch nhập vải các loại từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 2,68 tỷ USD - tăng hơn 680 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng nguyên liệu dệt may, da giày có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD - tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ các năm 2020 và 2019. Mức tăng các loại nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may, da giày cho thấy sự hồi phục của doanh nghiệp dệt may, da giày trong bối cảnh đại dịch tác động mạnh đến các đơn hàng. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu lớn cũng minh chứng cho sự phụ thuộc ngày càng nặng nề vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện các sản phẩm linh kiện cho điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị vẫn chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chiếm 80% kim ngạch và ngày càng tăng.

Với sản phẩm máy vi tính, linh kiện, điện thoại và linh kiện, Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc là điều dễ hiểu vì hầu hết các tập đoàn lớn có mặt tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic hay Foxconn đều có nhà máy sản xuất nguyên liệu, linh kiện cỡ lớn tại Trung Quốc.

Đối với các sản phẩm máy móc, Việt Nam chủ yếu nhập máy gia công ở Trung Quốc hoặc sản phẩm thuộc vòng đời thứ 3 hoặc thứ 4. Trong khi đó, các sản phẩm máy móc vòng đời 1 hoặc 2 Việt Nam rất ít nhập khẩu từ EU, Mỹ hoặc Nhật do giá cả đắt đỏ và khó tiếp cận được do sở hữu trí tuệ cao.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…cũng đang là rào cản đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước; đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

CPI tháng 5/2021 tăng 0,16%

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với ...

Giá thép tăng và tác động (bài 3): Nhiều chỉ tiêu kinh tế có thể biến động

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm doanh nghiệp thép, giá thép tăng cũng tác động lớn đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực ...

Việt Nam tiếp tục nhập siêu 1,9 tỷ USD nửa đầu tháng 5/2021

Theo báo cáo được Tổng cục Hải quan chiều 19/5, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 ...

Văn Thắng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm