Thuế, phí vẫn “đè nặng” nhà đầu tư chứng khoán

Cập nhật: 08:00 | 02/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư chứng khoán đang bị thiệt thòi khi so với các kênh đối trọng (gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản…) thì đầu tư chứng khoán có chi phí vốn cao hơn do phải chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau. Những lo nghĩ trên càng gia tăng trong bối cảnh nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra từ năm 2020, đặc biệt là từ tháng 4/2021 đến nay.

Lỗ vẫn phải chịu thuế, phí

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong 5 tháng đầu năm, số thu thuế từ chứng khoán tăng tới 320% so với cùng kỳ. Đây là kết quả khi thị trường chứng khoán (TTCK) suốt từ đầu năm tới nay vô cùng sôi động với sự tham gia của lượng nhà đầu tư kỷ lục, giá trị giao dịch cũng ở mức cao nhất lịch sử.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK Việt Nam đạt 26.178 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 16% so với tháng 4/2021. Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 5, giá trị giao dịch bình quân ở mức 21.214 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 185,9% so với mức bình quân cả năm 2020.

4721-ckhoancovid
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam chịu những ảnh hưởng trái chiều từ dịch Covid-19.

Con số thuế thu từ chứng khoán bất ngờ tăng mạnh là một tín hiệu tích cực với ngân sách nhà nước cũng như TTCK, tuy nhiên nó cũng đặt vấn đề phải chăng thuế, phí vẫn là một “gánh nặng” với các nhà đầu tư chứng khoán.

Anh Nguyễn Văn Thông, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ, hiện nay, khi giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải chịu ít nhất 3 loại thuế, phí. Trong đó, 2 lần phí giao dịch khi mua và khi bán (dao động từ khoảng 0,15 – 0,25% giá trị giao dịch) và thuế thu nhập cá nhân ở mức 0,1% giá trị giao dịch khi bán cổ phiếu.

“Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua đi bán lại nhiều thì khoản thuế, phí này không hề nhỏ, nếu lãi thì không sao, nhiều khi chứng khoán giảm, nhà đầu tư lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp thuế, phí. Đó là chưa kể, bán xong chứng khoán rồi nhưng tiền phải 2 hôm mới về tài khoản, muốn rút tiền ngay hoặc mua bán tiếp thì phải trả phí ứng tiền…” – anh Thông nói.

Không chỉ vậy, điều khiến nhà đầu tư băn khoăn nữa là khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân thêm tới 5% nữa.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, khi bán đi, dù lỗ hay lãi chúng tôi cũng tiếp tục phải nộp thuế thêm 5%” – chị Đinh Thị Thùy Liên, một nhà đầu tư khác cho hay.

Không chỉ vậy, chị Liên còn đặt vấn đề thuế chồng thuế khi thu thuế cổ tức bằng cổ phiếu. “Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì phần lợi nhuận đã bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Phần lợi nhuận còn lại chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu tiếp tục bị đánh thuế 5%. Khi cổ đông bán cổ phiếu lại phải chịu thêm 0,1% thuế nữa. Như vậy là cùng một khoản tiền phải chịu 3 lần thuế. Chúng tôi rất mong nhà nước xem xét giảm bớt các loại thuế, phí để nhà đầu tư đỡ thiệt thòi, qua đó thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán” – chị Liên kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, hiện nay chi phí vốn của nhà đầu tư trên thị TTCK đang tăng cao hơn so với mức trước đó (do bị đánh thêm thuế khi được trả cổ tức bằng cổ phiếu) cũng như so với thị trường thế giới hiện nay và các kênh đầu tư khác.

“Nhà đầu tư bất động sản có một mức thuế cố định, người gửi tiết kiệm có lãi suất thì không phải chịu thuế TNCN, trong khi nhà đầu tư chứng khoán đang phải chịu nhiều loại thuế, phí, bất kể là lời hay lỗ. Chưa kể nhà đầu tư giao dịch càng nhiều thì lại càng tốn chi phí nhiều” – ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng, hiện nay một số người cho rằng nhà đầu tư không nên lướt sóng để giảm chi phí thuế, phí, nhưng với một thị trường cận biên như Việt Nam thì không thể không lướt sóng được.

“TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu cơ, chưa phải thị trường đầu tư. Do đó nhà đầu tư phải ra, vào hợp lý, bởi nếu mua nắm giữ thì cũng có thể gặp rủi ro khi thị trường đi xuống. Bài học là trong cuộc khủng hoảng hổi tháng 3/2020, đã có những quỹ đầu tư nước ngoài phải rời khỏi thị trường Việt Nam” – ông Nguyễn Thế Minh nêu quan điểm.

Giảm thuế phí hỗ trợ nhà đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam chịu những ảnh hưởng trái chiều từ dịch Covid-19. Thị trường có những giai đoạn giảm mạnh nhưng sau đó lại cực kỳ hưng phấn nhờ dòng tiền đang thiếu kênh đầu tư hấp dẫn đổ vào.

Tuy nhiên, “điểm trừ” của thị trường là hệ thống công nghệ của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư khiến tình trạng quá tải, nghẽn lệnh xảy ra triển miên. Nhiều nhà đầu tư bức xúc vì thiệt hại do lỗi từ hệ thống và các CTCK, trong khi chưa thấy động thái chia sẻ, hỗ trợ rõ ràng từ phía HoSE và các CTCK.

Ông Nguyễn Chí Thành – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, khi dịch vụ cung cấp chưa ổn thì lẽ ra HoSE cần phải có động thái rõ ràng hơn với nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư giao dịch thì phải nộp khoản phí, trong đó có khoản phí nộp về HoSE do các CTCK thu hộ. Nếu thị trường tốt thì không sao, nhưng tình trạng không tốt xảy ra đã lâu, thì nên chăng Sở có thể miễn giảm phí đó để nhà đầu tư thấy được sự cầu thị, hỗ trợ thiết thực đối với họ” – ông Thành kiến nghị.

Về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết, cơ quan quản lý thực ra đã có những nỗ lực chia sẻ với nhà đầu tư. Cụ thể, trong bối cảnh TTCK lao dốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/03/2020, giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với nhiều loại dịch vụ chứng khoán. Đến nay, các chính sách ưu đãi về phí tại Thông tư này đã được gia hạn 2 lần, thời gian miễn, giảm sẽ kéo dài đến hết năm 2021.

“Đời tôi làm công chức chưa bao giờ chứng kiến 1 Thông tư của Bộ Tài chính mà từ lúc trình đến khi có quyết định chỉ trong vòng 3 ngày. Các loại phí tại Thông tư được giảm tới 20/22 loại phí, mức giảm khá mạnh. Trong đó, phí giao dịch chứng khoán tại các Sở đã giảm 10%” – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, đây là nỗ lực khá nhiều, khá mạnh của cơ quan quản lý. Trên nền đó, các CTCK sẽ có dư địa giảm phí cho nhà đầu tư. “Cơ quan quản lý sẽ không trực tiếp giảm phí cho nhà đầu tư được, nhưng qua các cơ chế, chính sách đó, chúng tôi đã tạo điều kiện cho các CTCK giảm phí giao dịch. Các CTCK cũng đã có nhiều động thái hưởng ứng, nhiều CTCK đã giảm phí cho nhà đầu tư về bằng 0” – Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ngọc Lan