Thủ tướng chỉ thị gấp về phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Cập nhật: 15:13 | 05/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Đẩy mạnh phục hồi sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh trong tình hình mới

Giá than cốc tăng vọt lên 410 USD/tấn, cao gấp 3 lần kể từ đầu năm 2020

Xử lý kiến nghị về gia hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Là ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt nền kinh tế, tuy nhiên, quý III/2021, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý III giảm 3,5% (trong quý I tăng 6,29%, quý II tăng 11,18%). Tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài như TP Hồ Chí Minh, quý III chỉ số IIP giảm tới 47,1%, 9 tháng giảm 13%, kéo GDP quý III của TP giảm trên 20%.

Chỉ số này trong 9 tháng và quý III của Bến Tre lần lượt âm 11,2% và âm 44,8%; của Cần Thơ lần lượt âm 9,8% và âm 41,9%; của Vĩnh Long lần lượt âm 4,5% và 36,8%; của Đồng Tháp lần lượt âm 9,9% và âm 34,1%. Số liệu sơ bộ cho thấy hầu hầu hết tỉnh trong khu vực Nam Bộ đều có quý III tăng trưởng âm sâu.

1206-sanxuat
Ảnh minh họa

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Tại hội nghị trực tuyến với các DN sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và UBND 28 tỉnh, TP, các bộ, cơ quan T.Ư, các DN đã có phản ánh và kiến nghị về các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất...

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn phải sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Các tỉnh, thành phố với trách nhiệm là cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp, khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể, để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo vừa duy trì sản xuất vừa an toàn phòng chống dịch.

Kịp thời tiêm vắc xin cho người lao động, xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết phục vụ đời sống người lao động, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, thống nhất phương án di chuyển của người lao động và các địa phương, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quy định điều kiện sản xuất, cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp bị nhiễm Covid-19, quy định về biện pháp cách ly người tiếp xúc gần.

Phân bổ kịp thời vắc xin cho địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm tập thể, cá nhân trong trường hợp không thực hiện đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng về lưu thông hàng hóa, vận chuyển.

Đồng thời, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn kịp thời về thủ tục đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi cho chuyên gia, người lao động nước ngoài được nhập cảnh, thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế; hướng dẫn các chính sách miễn giảm thuế, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng…

Các chuyên gia cho rằng, từ tháng 10/2021, nếu việc kiểm soát dịch bệnh tiếp tục khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021... Bên cạnh khó khăn về tài chính, thời gian tới, các DN sẽ phải gặp thách thức lớn về lao động. Các mô hình "3 tại chỗ", "4 tại chỗ" chắc chắn không thể giúp DN phục hồi…

Và việc Chính phủ gấp rút ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoài việc yêu cầu bộ, ngành liên quan, các tỉnh, TP, với trách nhiệm là cơ quan quản lý trực tiếp DN, khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, Chính phủ cần tiếp tục gói hỗ trợ cho DN, phục hồi sản xuất, kinh doanh như giãn giảm thuế, hỗ trợ người lao động…

Hạ Vy

Tin cũ hơn
Xem thêm