Thủ tướng: Cần tìm giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 20:13 | 26/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, chung tay tìm ra những giải pháp vừa chống dịch tốt, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng nay (26/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Hơn 1.200 doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã dự hội nghị tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. “Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Chúng ta đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới. Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

“Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng cho biết.

1719-thu-tuong-pham-minh-chinh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng và sẽ sớm ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, một cuộc trao đổi hay ngày một ngày hai không thể giải quyết được hết các vấn đề vướng mắc, vì vậy, dựa trên kinh nghiệm trong phòng chống dịch 2 năm qua, kinh nghiệm quốc tế, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lắng nghe ý kiến của nhau, chung tay tìm ra những giải pháp vừa chống dịch tốt, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm, đồng hành và những chỉ đạo, giải pháp, chính sách mà Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai như việc nhanh chóng ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Thủ tướng đã có 5 lần gặp mặt, mặt làm việc với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những tháng qua, do dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều khía cạnh như duy trì lực lượng lao động, giữ ổn định chuỗi giá trị và đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh thu.

Các doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhiều vấn đề vướng mắc như: kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa thông suốt, tiêm vaccine, nhập cảnh của chuyên gia; về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực; đề nghị nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc...

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, giải đáp một số kiến nghị, đề xuất.

Theo số liệu kinh tế-xã hội tháng 8/2021 do Tổng cục Thống kê công bố, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2020.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Thanh Bình

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm