Thu hồi sản phẩm Bột ngũ cốc Aptamil dành cho trẻ chứa mẩu nhựa

Cập nhật: 10:17 | 03/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo mọi người về sản phẩm Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal 7+ months chứa mẩu nhựa nhỏ màu xanh lam đang bị thu hồi tại Anh.

Thu hồi hàng loạt giấy phép đăng ký lưu hành 20 loại thuốc tại Việt Nam

Thu hồi lô thuốc Sedtyl không đạt chất lượng trên toàn quốc

Hàng loạt thực phẩm chức năng thương hiệu Bảo Mỹ Xuân bị thu hồi và cấm lưu hành

Theo thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) thông báo Công ty Nutricia tại Anh đang thu hồi Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal cho trẻ từ 7 tháng tuổi (Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal 7+ months) vì có chứa những mẩu nhựa nhỏ màu xanh lam.

Sự có mặt của mẩu nhựa trong sản phẩm này sẽ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ. Cơ quan FSA đã ban hành Thông tin thu hồi về sản phẩm này.

Chi tiết về sản phẩm bị cảnh báo và thu hồi:

Tên sản phẩm: Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal 7+ months

Bao gói: 200g

Hạn sử dụng trước ngày 07/07/2021

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên và thông báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện có sản phẩm này để được xử lý và thu hồi kịp thời.

Hình ảnh của sản phẩm Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry đang được thu hồi:

1556-thuhoi312
Thu hồi sản phẩm Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal 7+ months

Về việc thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn được Tiến sỹ, Luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời như sau:

Theo Điều 55 Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2011), thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau: thực phẩm hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường; thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thực phẩm là sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành; thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh; thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định; thực phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Thực phẩm không bảo đảm an toàn bị thu hồi theo các hình thức: thu hồi tự nguyện do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự thực hiện hoặc thu hồi bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn. Thực phẩm không bảo đảm an toàn có thể bị xử lý theo các hình thức như khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn; chuyển mục đích sử dụng; tái xuất; hoặc tiêu hủy. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn có trách nhiệm công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi và chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Trong trường hợp quá thời hạn thu hồi mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thực hiện việc thu hồi thì bị cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp luật.

Tùy vào mức độ vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thời hạn hoàn thành việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn và xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền do pháp luật quy định. Trong trường hợp thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp tổ chức thu hồi, xử lý thực phẩm và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thanh toán chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm.

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm