Thị trường thép tháng 8/2021: Nhu cầu thép dự kiến sẽ giảm nhẹ

Cập nhật: 10:20 | 21/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 161,6 triệu tấn vào tháng 7, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu thép được dự báo giảm và cuối cùng sẽ tự cân bằng cho sự gia tăng bất thường của giá cả. Tuy nhiên, đây sẽ là một mức điều chỉnh chậm thay vì giảm mạnh.

Thị trường đường tháng 8/2021: Giá đường thô đạt đỉnh trong 4 năm qua

Thị trường hồ tiêu Việt Nam có thể bị lỡ nhịp tăng giá?

Xuất siêu hàng hóa sang thị trường CPTPP lao dốc

Thị trường thép thế giới

1. Sản lượng thép thế giới

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 161,6 triệu tấn vào tháng 7, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép thô đạt 1165,3 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, ghi nhận giảm nhẹ về sản lượng trong tháng 7, đạt 88,6 triệu tấn, tăng 8,4% so với tháng 7/2020. Các nước có sản lượng thép thô lớn khác phải kể đến như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc,…

2. Diễn biến xuất nhập khẩu

a. Tình hình xuất khẩu

Tại Thái Lan, theo số liệu từ Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản (JISF), xuất khẩu thép nước này đạt gần 3,058 triệu tấn trong tháng 7, giảm 1% so với tháng liền trước và tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 7 tháng đầu năm Nhật Bản đã xuất khẩu gần 20 triệu tấn thép, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật trong tháng 7 với lượng xuất khẩu đạt 628.840 tấn, tăng 22,7% so với tháng trước và tăng 308% so với cùng kỳ. Tiếp đó là Hàn Quốc với 479.238 tấn; Trung Quốc với 471.955 tấn...

Tại Mỹ, theo số liệu từ US International tradae commission, giá trị xuất khẩu sắt thép và các sản phẩm sắt thép của Mỹ trong tháng 7 đạt 1.421,25 triệu USD, tăng 4,38% so với tháng trước và tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước.

3107-thitruongthep
Ảnh minh họa

b. Tình hình nhập khẩu

Tại Nhật Bản, theo JIFS, Nhật Bản đã nhập khẩu 592.527 tấn thép trong tháng 7/2021, giảm nhẹ so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc tiếp tục là nước xuất khẩu nhiều sắt thép nhất sang Nhật với 235.758 tấn trong tháng 7.

Tại Mỹ, giá trị nhập khẩu sắt thép của Mỹ trong tháng 7 đạt gần 2.288,64 triệu USD, giảm 1,5% so tháng trước. Bất chấp hoạt động vận tải qua đường biển vẫn gặp nhiều thách thức, một số doanh nghiệp kinh doanh thép tại Mỹ vẫn lên kế hoạch gia tăng lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa.

Hãng S&P Global Platts cho biết, trong tuần này, các lô thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam đang được chào giá từ 1.500 USD/tấn theo điều kiện giao hàng DDP đến cảng Houston, giao hàng trong tháng 12/2022.

Theo điều kiện giao hàng DDP, đơn vị xuất khẩu sẽ phải giao hàng đến nơi nhập hàng theo quy định và phải chịu mọi cước phí liên quan đến vận chuyển, cũng như phải nộp mọi loại thuế khi hàng đến địa điểm giao hàng.

Ngay cả khi thép Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế cao và chi phí vận tải tăng cao thì các doanh nghiệp kinh doanh thép tại Hoa Kỳ vẫn có mức lợi nhuận hấp dẫn.

3. Diễn biến giá

Giá thép cuộn cán nóng trên thị trường kỳ hạn tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong những phiên giao dịch gần đây trong bối cảnh các nhà máy sản xuất thép tại nước này tăng giá chào bán đối với các lô hàng giao ngay lên mức trên 2.000 USD/tấn, theo Tạp chí Công thương.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts cho thấy giá thép cuộn cán nóng (HRC) trên thị trường giao ngay tại Mỹ hiện đạt 1.940 USD/tấn đối với các lô thép sản xuất vào tháng 10/2021. Tại khu vực phía Nam Mỹ, mức giá này đạt 1.960 USD/tấn và tại khu vực Bờ Tây thì giá lên tới 1.990 USD/tấn với điều kiện giao hàng tại xưởng.

Trong khi đó, giá thép cuộn cán nguội đối với các lô hàng sản xuất tháng 10/2021 đã lên tới 2.220 USD/tấn. Ngày 31/8, chỉ số giá thép Platts TSI US HRC đo lường biến động giá thép HRC đã đạt mức cao kỷ lục 1.942,25 USD/tấn, tăng 342% so với mức giá hồi tháng 8/2020, thời điểm nhu cầu sử dụng thép tại Mỹ bắt đầu phục hồi trở lại.

4. Dự báo

Đánh giá về triển vọng nhóm thép mới đây, Chứng khoán VCSC cho rằng dù giá thép cao mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà sản xuất thép trong ngắn hạn, nhưng đồng thời tạo ra áp lực kinh tế đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn. Có thể kể đến như ngành xây dựng, chế tạo máy móc và bất động sản cùng một số ngành khác cũng như các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của các Chính phủ trên toàn cầu.

Tình hình này sẽ dẫn đến nhu cầu thép giảm và cuối cùng sẽ tự cân bằng cho sự gia tăng bất thường của giá cả. Tuy nhiên, đây sẽ là một mức điều chỉnh chậm thay vì giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu thô cao hơn sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các công ty thép đảo chiều trong nửa cuối năm 2021.

Đối với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, Fitch Solutions dự báo sản lượng khai thác quặng sắt của nước này sẽ tăng lên từ 3 - 4 năm tới khi Trung Quốc chủ trương giảm sự lệ thuộc vào quặng sắt nhập khẩu từ Australia.

Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) dự báo giá quặng sắt tại Trung Quốc sẽ được giữ ổn định cho đến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, sau đó sẽ tiếp tục giảm về ngưỡng 100 USD/tấn trong năm 2022.

3108-thitruongthep1
Ảnh minh họa

Thị trường thép Việt Nam

1. Sản lượng và tiêu thụ thép Việt Nam

Trong tháng 8, tình hình sản xuất và bán hàng thép thành phẩm các loại của các thành viên Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đều giảm. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu, giảm 1,9% so với tháng 7/2021, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020; Bán hàng thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm lần lượt 9,4% so với tháng trước, và giảm 8% so với tháng 8/2020.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021, lần lượt đạt 29,2% và 25,1%.

Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 20,6 triệu tấn, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020; bán hàng thép các loại đạt hơn 18 triệu tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình, và công trình dân dụng tạm thời hoãn lại đặc biệt tại khu vực phía Nam. Các nhà thương mại cũng đang giảm hàng tồn kho để giảm bớt rủi ro và chi phí về tài chính.

Sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 8 có mức sản lượng tháng gần như thấp nhất trong 5 năm gần đây. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 8 đạt 713.964 tấn, giảm 2,06% so với tháng 7/2021 và giảm 8,1% so với cùng kỳ 2020; bán hàng đạt 559.482 tấn, giảm mạnh 29,31% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép xây dựng đạt 7.068.772 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 6.667.174 tấn, tương đương mức bán hàng cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.160.699 tấn, tăng 28% so với cùng kì năm 2020.

Tồn kho thời điểm 31/8/2021 là 799.954 tấn. Đây là mức tồn kho trung bình để gối đầu bán hàng trong các tháng tiếp theo. Sản lượng thép xây dựng bán ra trong 8 tháng 2021 không đổi so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khi nhiều tỉnh thành phố trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dẫn đến sản lượng bán hàng thép nội địa trong nước giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VSA, do quyết sách của Chính phủ Trung Quốc về môi trường, điều tiết hàng nhập khẩu có ảnh hưởng lớn đến khu vực Đông Nam Á, đã ảnh hưởng lớn đến lượng hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thép xây dựng tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.

2. Giá thép trong nước

Trong tháng 8, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới đến cuối tháng có tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá bán thép trong nước ổn định do trong nước nhu cầu thấp, ở mức bình quân khoảng 16.200 - 16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

Về giá nguyên vật liệu, giá phôi nhập khẩu giữ mức 674 USD/tấn cuối tháng 8 còn giá phôi nội địa giao dịch ở mức 14.500 đồng/kg đến 14.800 đồng/kg. Giá HRC ngày 8/9/2021 ở mức 870 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 47 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng.

Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép, v.v) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

3111-thitruongthep
Ảnh minh họa

3. Tình hình xuất nhập khẩu, tồn kho

a. Nhập khẩu

Theo số liệu của VSA, trong tháng 7, nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 932,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, giảm 17,03% về lượng và giảm 11,88% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 34,27% về lượng nhưng tăng 34,42% về giá trị.

7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 932,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, giảm 17,03% về lượng và giảm 11,88% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 34,27% về lượng nhưng tăng 34,42% về giá trị.

Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 4 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 49,87% tổng lượng thép nhập khẩu và 47,41% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam: Hàn Quốc (13,28%); Nhật Bản (13,22%); Đài Loan (8,72%), và các quốc gia khác.

b. Xuất khẩu

Tháng 7, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 1,148 triệu tấn, tăng 12,38% so với tháng trước và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 1.085 tỷ USD tăng 16,77% so với tháng 6 và tăng hơn 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 7,015 triệu tấn, với trị giá đạt 5,6 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu thép các loại sang Trung Quốc đạt 1,32 triệu tấn tương đương với trị giá 764 triệu USD, giảm 9,35% về lượng nhưng tăng 30,61% về trị giá so với cùng kỳ 2020, chiếm 18,85% tỷ trọng xuất khẩu thép 7 tháng năm 2021 của Việt Nam.

ASEAN, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn, tương đương với trị giá 1,8 triệu USD, tăng 6,23% về lượng xuất khẩu và tăng 48,18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

4. Dự báo

VSA cho biết bán hàng thép xây dựng tháng 9 sẽ có triển vọng hơn, một số tỉnh thành sẽ nới lỏng giãn cách sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Trong báo cáo triển vọng ngành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lo ngại nhu cầu thép xây dựng nội địa sẽ yếu trong ngắn hạn. Chỉ thị 16 chưa cho thấy khi nào sẽ thôi áp dụng tại miền Nam, nơi chiếm 34% sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và khiến sản lượng tiêu thụ thấp trong quý III.

Tiêu thụ có thể phục hồi trong quý IV nhờ yếu tố mùa vụ và các dự án bị hoãn lại trong quý III, tuy nhiên, vẫn phụ thuộc vào tình trạng dịch bệnh. Nhu cầu yếu cùng chi phí sản xuất tăng sẽ đặt áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép xây dựng trong những tháng cuối năm 2021.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm