Thị trường hồ tiêu tháng 7/2021: Xuất khẩu hạt tiêu chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Cập nhật: 16:00 | 23/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Hiện nay, Việt Nam, Brazil và Indonesia đang là ba thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới.

Giá gas hôm nay 23/8/2021: Khởi sắc ngày đầu tuần

Giá thép hôm nay 23/8/2021: Tăng cao trên Sàn Thượng Hải

Thị trường gạo Việt Nam liên tục chạm đáy vì dịch bệnh Covid-19

I – Thị trường hồ tiêu thế giới

1. Sản xuất

Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), hiện tại, nguồn cung hồ tiêu giảm do diện tích sản xuất hồ tiêu toàn cầu giảm. Điều này đã đẩy giá hồ tiêu tăng cao bởi nhu cầu tiêu dùng không hề giảm theo nguồn cung. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã gây bất lợi cho cây hồ tiêu phát triển, bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn diễn ra trên cây tiêu, chăm sóc hồ tiêu ngày càng khó khăn hơn đã khiến cho năng suất hồ tiêu giảm.

Hiện nay, Việt Nam, Brazil và Indonesia đang là 3 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới.

Trong đó, Việt Nam đứng đầu với 180,2 nghìn tấn trong 7 tháng đầu năm, vượt trội so với 51,7 nghìn tấn của Brazil – thị trường xuất khẩu tiêu lớn thứ hai thế giới; Còn lượng tiêu xuất khẩu của Indonesia trong 6 tháng đầu năm đạt 20,8 nghìn tấn.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu hạt tiêu của cả 3 nhà cung cấp trên đều giảm lần lượt là Việt Nam giảm 2,3%, Brazil giảm 9,6% và Indonesia giảm 1,9%.

Dịch COVID-19 bùng phát tại các nước xuất khẩu, nguồn cung sụt giảm do thời tiết và tình trạng thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển tăng cao hiện là những vấn đề chung ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam, Indonesia và Brazil từ đầu năm 2021 đến nay.

2547-thitruonghotieu
Ảnh minh họa

2. Tiêu thụ

Theo số liệu từ Ủy Ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ trong tháng 6 đạt 9,3 nghìn tấn, tăng 3,5% so với tháng 5; đưa tổng nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 6 tháng đầu năm lên mức 44,9 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm với 28,7 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 64% trong tổng khối lượng hạt tiêu nhập khẩu của Mỹ.

Brazil đứng thứ 2 về cung cấp hạt tiêu cho thị trường Mỹ với 6,1 nghìn tấn trong 6 tháng, giảm mạnh 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, lượng hạt tiêu của Mỹ nhập khẩu từ Indonesia tăng mạnh 53,3% trong nửa đầu năm (đạt 4,6 nghìn tấn); Ấn độ tăng 83% (đạt 3,8 nghìn tấn); Trung Quốc và Tây Ban Nha tăng 75,3% và 35,6%...

Số liệu của Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2019, nhập khẩu hạt tiêu của Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 10 nghìn tấn từ 90,6 nghìn tấn lên hơn 100 nghìn tấn.

Sang đến năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của EU có sự sụt giảm nhẹ do tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, sau khi giảm 2,3% trong năm 2020, nhập khẩu hạt tiêu của EU tiếp tục giảm 2,4% trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 39 nghìn tấn.

Hai thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho EU trong 5 tháng đầu năm là Việt Nam và Brazil với khối lượng đạt 11,5 nghìn tấn và 8,6 nghìn tấn, giảm 9,4% và 5,2% so với cùng kỳ.

Tổng cộng hai thị trường này chiếm hơn một nửa lượng tiêu nhập khẩu của EU, trong đó Việt Nam chiếm 29,6% và Brazil là 22,1%. Mặc dù giảm nhập khẩu trong thời gian gần đây nhưng EU vẫn là thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới và là đích đến nhiều tiềm năng của các nhà xuất khẩu tiêu.

3. Diễn biến giá

Trong tháng 7, giá tiêu đen tại Việt Nam, Ấn Độ và Brazil giảm lần lượt là 7,2%, 0,5% và 1,3%, trong khi giá tiêu đen của Malaysia và Indonesia tăng 12,2% và 0,6%. Sang đến đầu tháng 8, giá tiêu đen ghi nhận sự phục hồi tại Việt Nam và tiếp tục tăng tại Malaysia và Indonesia.

Cụ thể, tính đến ngày 13/8, giá tiêu đen tại cảng Kuching của Malaysia đạt 5.830 USD/tấn, tăng 4,2% so với cuối tháng 7. Mức giá này đưa Malaysia trở thành nước có giá tiêu đen xuất khẩu cao nhất châu Á.

2550-thitruonghotieu2
Ảnh minh họa

Tương tự, giá tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cùng tăng 250 USD/tấn so với cuối tháng 7, dao động ở mức 4.050 - 4.150 USD/tấn. Giá tiêu đen xuất khẩu tại cảng Lampung ASTA của Indonesia cũng tăng nhẹ 0,5% lên mức 3.853 USD/tấn.

Ngược lại, giá tiêu đen của Ấn Độ giảm nhẹ 0,6% so với cuối tháng 7 xuống còn 5.560 USD/tấn, trong khi giá tiêu đen tại Brazil ổn định ở mức 3.950 USD/tấn. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại khu vực Đông Nam Á làm gián đoạn thu hoạch tại Indonesia cũng như hoạt động bán ra của Việt Nam và Malaysia.

Giá tiêu trắng trên thị trường quốc tế cũng đồng loạt tăng. Tại cảng Muntok của Indonesia, giá tiêu trắng xuất khẩu tính đến ngày 13/8 dao động ở mức 7.360 USD/tấn, tăng 3,2% so với cuối tháng 7. Tại Malaysia và Việt Nam, giá tiêu trắng xuất khẩu tăng 3,9 – 4,3% so với cuối tháng 7 lên mức 7.609 USD/tấn và 6.050 USD/tấn.

Giá tiêu trắng đồng loạt tăng do có rất ít nguyên liệu sản xuất được giao dịch trên thị trường. Việc chế biến tiêu trắng cũng đòi hỏi nhiều công đoạn và nhân công hơn trong khi tình hình dịch bệnh COVID - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

4. Dự báo

Theo nhận định của trang Peppertrade, tháng 8 và tháng 9 là khoảng thời gian gian hạt tiêu còn hàng ở cả ba quốc gia xuất khẩu chính là Việt Nam, Brazil và Indonesia. Nhưng nguồn cung có thể bị gián đoạn do dịch COVID-19 tại Việt Nam và Indonesia.

Về nhu cầu nhập khẩu, các nhà nhập khẩu EU được kỳ vọng sẽ trở lại đặt mua hàng sau kỳ nghỉ đối với hạt tiêu Indonesia và Brazil. Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ đặt các lô hàng vụ mùa mới đối với hạt tiêu Việt Nam và hàng quý IV từ Brazil.

II – Thị trường hồ tiêu Việt Nam

1. Sản xuất

Ghi nhận của Báo Gia Lai, nếu như ở thời điểm năm 2015, giá hồ tiêu tăng vượt đỉnh đạt tới 220 nghìn đồng/kg thì đến đầu tháng 4-2020, mặt hàng này rớt giá chạm đáy còn 34 nghìn đồng/kg. Qua theo dõi biểu đồ giá hồ tiêu từ đầu năm 2021 đến nay, một ngưỡng giá mới đang bắt đầu hình thành khi đạt trên 70.000 đồng/kg.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/8, giá hồ tiêu đạt 76.000 -77.000 đồng/kg và dao động chạm ngưỡng 80.000 đồng/kg. Tổng diện tích hồ tiêu của Gia Lai hiện khoảng 13.673 ha, trong đó có khoảng 12.582 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và suất đầu tư chăm sóc cho vườn cây giảm mạnh nên sản lượng niên vụ 2020-2021 thấp hơn so với trước.

Theo cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nếu như tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt cao nhất vào năm 2017 là 153 nghìn ha thì đến cuối năm 2020 còn lại 131,8 nghìn ha. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết bất lợi, suất đầu tư giảm mạnh dẫn đến sản lượng của niên vụ 2019-2020 chỉ 240 nghìn tấn; niên vụ 2020-2021 ước tính giảm tới 30% so với niên vụ trước.

2548-thitruonghotieu1
Ảnh minh họa

2. Nhập khẩu

Các doanh nghiệp chế biến hạt tiêu trong nước đã nhập khẩu gần 1,8 nghìn tấn hạt tiêu trong trong tháng 7, tăng 6,4% so với tháng trước. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm, lượng hạt tiêu nhập khẩu đạt 18,7 nghìn tấn, tăng 11,4% (tương ứng tăng 1,913 tấn) so với cùng kỳ năm 2020. Hạt tiêu được nhập khẩu chủ yếu từ ba nguồn cung chính là Indonesia, Brazil và Campuchia.

Trong đó, lượng hạt tiêu nhập khẩu từ Indonesia trong 7 tháng đạt hơn 6,7 nghìn tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ; từ Brazil đạt 5,4 nghìn tấn, giảm 10,9%; tiếp đến là Campuchia đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 96%.

3. Xuất khẩu

Xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 7 gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, trong khi tình trạng thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển tăng cao tiếp tục là trở ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7 đạt 26,3 nghìn tấn, trị giá 95,12 triệu USD, giảm 20,56% về lượng và 19,9% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng mạnh 46,3% về lượng và tăng tới 112% về trị giá.

Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đạt 180,2 nghìn tấn, trị giá 591,5 triệu USD, giảm 2,33 % (4.307 tấn) về lượng song nhờ giá tăng cao nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng mạnh 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 7 đạt 3.612 USD/tấn, tăng nhẹ 0,9% so với tháng 6 và tăng 44,9% (1.119 USD/tấn) so với tháng 7/2020. Bình quân 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu hạt tiêu của nước ta đạt 3.282 USD/tấn, tăng 51,3% (1.113 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, xuất hạt tiêu sang các thị trường chủ lực như: Mỹ, UAE, Ấn Độ, Pakistan… đều giảm so với tháng trước nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 38,9 nghìn tấn, trị giá 138,5 triệu USD, tăng khá mạnh 15,3% về lượng và 65,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm 21,6% tổng khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước ta.

Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường lớn thứ hai là UAE cũng tăng mạnh 74,6% về lượng và 185% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11,6 nghìn tấn, trị giá 39,8 triệu USD. Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trong 7 tháng đầu năm nay như: Ấn Độ tăng 2,6%, Pakistan tăng 12,9%, Đức tăng 3,6%, Hà Lan tăng 7,4%...

Trong khi đó, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Ai Cập, Philippines, Thái Lan… lại giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

4. Diễn biến giá

Thị trường tiêu nội địa nhìn chung khá trầm lắng trong tháng 7 do dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Việc thực hiện giãn cách xã hội khiến các hoạt động giao dịch có phần chậm lại, giá tiêu đen theo đó giảm 1.500 – 3.000 đồng/kg, từ 74.000 – 76.500 đồng/kg của đầu tháng xuống còn 71.000 – 75.000 đồng/kg vào cuối tháng.

Thị trường có phần sôi động hơn trong nửa đầu tháng 8 khi các công ty xuất khẩu, đại lý tích cực gom hàng đẩy giá tăng lên. Bên cạnh đó, giao dịch cũng thuận lợi hơn khi một số địa phương ở Tây Nguyên nới lỏng giãn cách xã hội.

Vì vậy, giá tiêu đen tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tăng từ 4.000 – 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7, lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg trong ngày 14/8. Đồng thời, mức giá này cũng cao hơn 43,4 – 45,9% (23.000 – 25.000 đồng/kg) so với đầu năm nay.

5. Dự báo

Từ đầu tháng 8, nhu cầu hạt tiêu từ Trung Quốc, Mỹ, EU và các nước Trung Đông có xu hướng tăng lên. Giá cước vận tải biển tiếp tục tăng, đặc biệt đối với các tuyến đi Mỹ, nhưng nhu cầu từ thị trường này vẫn ở mức cao đối với các đơn hàng giao ngay và cả nhu cầu đặt hàng cho năm 2022.

Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục mua vào trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 để chuẩn bị cho lễ Quốc khánh của nước này (ngày 1/10).

Tuy nhiên, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 1-2 tháng tới có nhiều hạn chế do dịch COVID-19 tại trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển phía Nam cùng giá cước tàu biển vẫn duy trì ở mức cao vẫn sẽ là trở ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu. Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa nhập khẩu do lo ngại dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường này.

Trong khi đó, giá hạt tiêu cũng được nhận định là sẽ ổn định và khó có thể tăng mạnh do nguồn cung cải thiện khi Indonesia, Malaysia và Brazil bước vào vụ thu hoạch trong tháng 8 và tháng 9.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm