Thị trường hồ tiêu quý III/2021: Giá tiêu tăng mạnh, kỳ vọng tăng cao vào cuối năm

Cập nhật: 11:22 | 28/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10, giá hồ tiêu thế giới và trong nước liên tục tăng cao do nguồn cung eo hẹp. Trong khi các thị trường lớn đẩy mạnh mua vào nhằm chuẩn bị nguồn hàng cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ Tết cuối năm.

Giá thép hôm nay 28/10/2021: Lao dốc không phanh

Giá cà phê hôm nay 28/10/2021: Đảo chiều giảm

Dự báo xuất khẩu cao su tiếp tục chậm lại trong những tháng cuối năm?

I – Thị trường hồ tiêu thế giới

1. Sản xuất

• Sản lượng hồ tiêu toàn cầu giảm 3,3%

Trong báo cáo quý II/2021 của Hiệp Hội Hồ tiêu Quốc Tế (IPC), IPC ước tính sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt 574.000 tấn trong năm 2021, giảm 3% so với năm trước.

Thương mại hồ tiêu toàn cầu chủ yếu được phân bổ bởi Việt Nam, Indonesia và Brazil. Trong đó, giá hồ tiêu chi phối chủ yếu bởi Việt Nam và Brazil.

Theo IPC, sản lượng toàn cầu giảm trong năm 2021 chủ yếu là do sản lượng của Việt Nam thu hẹp 8%, trong khi sản lượng của Indonesia tăng nhẹ 3% và Brazil giữ ổn định.

• Tình hình xuất khẩu của các nhà cung cấp lớn

Trong tháng 8 và tháng 9, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil và Indonesia tăng trở lại do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch mới, trong khi xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm nay đến nay, xuất khẩu của nước cung cấp hồ tiêu lớn nhất thế giới là Việt Nam, Brazil và Indonesia đều giảm lần lượt là 3,2%, 8,7% và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có Ấn Độ đạt mức tăng trường xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm nay, tăng 43% trong 7 tháng và đạt 13.414 tấn.

5622-hotieu
Ảnh minh họa

2. Tiêu thụ

Mỹ: Theo số liệu từ Ủy Ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nước này đã nhập khẩu 9.949 tấn hồ tiêu trong tháng 8, giảm 3,9% so với tháng trước nhưng tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam tăng 3% so với tháng trước và tăng mạnh 66,2% so với cùng kỳ, đạt 7.666 tấn. Hồ tiêu của Việt Nam chiếm tới 77,1% tổng khối lượng hồ tiêu nhập khẩu của thị trường Mỹ, tăng đáng kể so với tỷ trọng 72% của tháng 7 và 60% của tháng 8/2020. Điều này cho thấy hồ tiêu của Việt Nam đang ngày càng được các nhà nhập khẩu Mỹ ưa chuộng so với các nguồn cung khác.

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 65.210 tấn hồ tiêu, tăng 14,4% so với 8 tháng năm ngoái. Trong đó, Việt Nam cung cấp 43.799 tấn hồ tiêu cho thị trường này, tăng 16,9%. Ngoài ra, Mỹ cũng tăng mạnh lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc

Tuy nhiên, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh 26,2%, chỉ đạt 7.985 tấn.

Trung Quốc: Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong tháng 8 đã giảm trở lại sau khi tăng vào tháng trước với mức giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 910 tấn. Như vậy, nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong 8 tháng đã giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 10.401 tấn.

Trong đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ hầu hết các thị trường chính trong 8 tháng năm nay như: Indonesia giảm 22,1%, Việt Nam giảm 37,4%, Brazil giảm 4,4%, Malaysia giảm 31,8%.

Hàn Quốc: Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong 8 tháng đầu năm đạt 4.568 tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu hồ tiêu của Hàn Quốc từ Việt Nam trong 8 tháng đạt 4.151 tấn, giảm 2,3% về lượng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu của Hàn Quốc giảm mạnh, nên thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của nước này vẫn tăng từ 73,6% trong 8 tháng năm ngoái lên 90,88% trong 8 tháng năm nay.

Qua số liệu phân tích trên Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định, ngành hồ tiêu Việt Nam chiếm vị trí nhà cung cấp số 1 và quan trọng tại thị trường Hàn Quốc. Triển vọng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Hàn Quốc khả quan do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tương đối ổn định trong thời gian tới.

3. Diễn biến giá

Giá hồ tiêu thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong nửa đầu tháng 10 khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ hàng cho mùa lễ Tết cuối năm. Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, giá tiêu đen xuất khẩu tăng 50 USD/tấn trong nửa đầu tháng 10 lên mức 4.400 USD/tấn.

Tại cảng TP HCM, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l tăng 4,7 – 4,8% (200 USD/tấn) so với cuối tháng trước, đạt lần lượt 4.390 - 4.490 USD/tấn trong ngày 14/10. Giá tiêu đen xuất khẩu tại Brazil cũng 200 USD/tấn trong nửa đầu tháng 10 lên mức 4.200 USD/tấn.

Hiện Brazil vẫn đang cung cấp hồ tiêu với giá cạnh tranh nhất trên thị trường. Trong khi đó, giá tiêu đen tại cảng Kuching của Malaysia và Ấn Độ duy trì ở mức rất cao là 5.709 USD/tấn và 5.972 USD/tấn.

Bên cạnh đó, giá tiêu trắng tại cảng TP HCM cũng đã tăng 200 USD/tấn so với cuối tháng 9 lên 6.390 USD/tấn trong ngày giao dịch 14/10, mức cao nhất kể từ tháng 3/2018.

Tại Indonesia, giá tiêu trắng tăng 50 USD/tấn lên mức 7.211 USD/tấn. Đến thời điểm này, hầu hết khu vực sản xuất tại Indonesia đều đã kết thúc vụ thu hoạch. Riêng tại Malaysia, giá tiêu trắng ổn định ở mức 8.126 USD/tấn.

4. Dự báo

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành hồ tiêu, nhu cầu từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Đông tăng lên trong năm nay sau khi chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm ngoái.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu sản xuất như phân bón tăng chóng mặt trên 100% đang dẫn đến nhiều thách thức cho người dân trong việc chăm sóc cây tiêu. Điều này tạo cơ hội cho giá tiêu tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay cũng như đầu năm 2022.

5623-hotieu1
Ảnh minh họa

II – Thị trường hồ tiêu Việt Nam

1. Sản xuất

Theo số liệu ước tính của IPC, sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm 2021 là 220.000 tấn, giảm 8%, tương đương 20.000 tấn so với vụ năm ngoái. Năm 2020 thu hoạch hồ tiêu Việt Nam đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019.

Như vậy, sản lượng của Việt Nam giảm không nhiều so với ước tính giảm chỉ còn 180.000 tấn như dự báo trước đó của IPC nhưng đây đã là năm sụt giảm thứ 3 liên tiếp của ngành hồ tiêu Việt Nam.

2. Nhập khẩu

Trong 9 tháng, nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 20.790 tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 32,9% so với 9 tháng năm 2019.

Trong đó, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Indonesia và Brazil, hai nguồn cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho nước ta giảm lần lượt là 25,1% và 31,4%.

Ngược lại, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Campuchia tăng mạnh gấp 2 lần lên mức 5.354 tấn. Ngoài ra, nhập khẩu từ Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ cũng tăng dù khối lượng không nhiều.

Về doanh nghiệp nhập khẩu, Olam Việt Nam chiếm 45,5% tổng khối lượng hồ tiêu nhập khẩu của của cả nước trong 9 tháng qua với 9.469 tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lượng tiêu nhập khẩu của Harris Freeman cũng tăng 34%, đạt 1.914 tấn; Gia vị Sơn Hà tăng 111,6% lên 1.858 tấn.

3. Xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 15.336 tấn, trị giá đạt 61,8 triệu USD, giảm 13% về lượng và 7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 16% về lượng nhưng tăng 35,4% về trị giá.

5625-hotieuy
Ảnh minh họa

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu đạt 212.983 tấn với trị giá 719,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 3,2% tuy nhiên kim ngạch thu về tăng mạnh 47%.

Giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 9 tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2017 khi đạt bình quân 4.032 USD/tấn, tăng 7% so với tháng trước và tăng 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, giá xuất khẩu hồ tiêu trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng mạnh 51,9% (tương ứng 1.151 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 3.377 USD/tấn.

4. Diễn biến giá

Sau khi TP HCM và các tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã tích cực thu mua nguyên liệu thô, bù đắp lượng hàng tồn kho thiếu hụt trong hơn hai tháng bị phong tỏa để đáp ứng các đơn hàng cuối năm và các đơn hàng bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhờ đó, giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã tăng mạnh 8.000 – 8.500 đồng/kg chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10.

Cộng thêm mức tăng 3.000 – 3.500 đồng/kg đạt được trong tháng 9 trước đó thì giá hồ tiêu trong nước sau một tháng rưỡi trở lại đây đã tăng 11.500 – 12.000 đồng/kg, tương ứng tăng 15 – 16% lên ngưỡng gần 90.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 4 năm qua.

Tính đến ngày 15/10, giá tiêu đen cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 89.500 đồng/kg.

Giá tiêu đen được thu mua tại tỉnh Bình Phước có giá 88.500 đồng/kg, tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là 87.000 đồng/kg, tại Gia Lai và Đồng Nai ở mức 86.000 - 87.000 đồng/kg.

Với đà tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, hiện giá tiêu trong nước đã cao hơn 62,3 – 66%, tương ứng tăng 33.000 – 35.000 đồng/kg so với đầu năm nay và tăng 80 – 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

5. Dự báo

Với những yếu tố đó, giá hồ tiêu được cho là sẽ còn tiếp tục tăng và kỳ vọng có thể chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg vào cuối năm nay.

Theo đánh giá của giới quan sát, sức mua từ các nước nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi… vẫn rất lớn do lượng đơn hàng trong quý 4 tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu cuối năm.

Trong khi đó, nguồn cung xuất khẩu của Việt Nam không còn nhiều do năm nay hồ tiêu bị mất mùa khiến sản lượng giảm. Ngoài ra, lượng hàng nhập khẩu cũng giảm đáng kể bởi nguồn cung từ các quốc gia sản xuất chính không dồi dào như những năm trước.

Đợt tăng giá lần này được đánh giá là gần giống với đợt tăng giá diễn ra vào tháng 3 năm nay, khi đó giá tiêu tăng 22.000 – 24.000 đồng/kg chỉ trong một thời gian ngắn.

Trước đà tăng giá mạnh trong thời gian qua, ở một số tỉnh trồng tiêu trọng điểm đang xôn xao việc tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm