Thị trường chứng khoán ngày 5/3/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:40 | 05/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Dòng tiền điều hướng sang HNX, UPCoM trong cơn bĩ cực tại sàn HOSE; Chứng khoán không phải là cuộc chơi, “sàn diễn” của người giàu; Viglacera Hạ Long I có khả năng hủy niêm yết, cổ phiếu giảm sàn 7 phiên; Điều gì khiến cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh?... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 5/3/2021.

Chứng khoán không phải là cuộc chơi, “sàn diễn” của người giàu: Dư luận và giới đầu tư chứng khoán khá bất ngờ trước thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đang lên phương án nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn này từ 100 lên 1.000 đơn vị nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh. Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), câu chuyện nghẽn lệnh gây cản trở việc giao dịch chứng khoán thời gian gần đây chính là vấn đề cốt lõi mà nhiều lãnh đạo và nhà quản lý đặt ra. Ông Kỳ nhấn mạnh, mọi chính sách đưa ra nhất thiết phải hướng đến mục đích chung; chứng khoán không phải là cuộc chơi, “sàn diễn” của người giàu. Đây là vấn đề cốt lõi và cơ bản mà lãnh đạo sàn HOSE cần nghiên cứu... Xem chi tiết tại đây

Điều gì khiến cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh? Chỉ trong 2 tháng đầu năm, cổ phiếu của Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) liên tục phá đỉnh và trở thành tâm điểm của giới đầu tư. Mã này tăng 31,8%, từ 59.100 đồng/cp (31/12/2020) lên 77.900 đồng/cp kết phiên 2/3, cao hơn so với mức 11,3% của VN30. Đánh giá trong tổng thể dài hạn, FPT đã tăng trưởng giá trị trong 7 tháng liên tiếp. Đây cũng được xem là giai đoạn tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu này trong nhiều năm gần đây. Nhờ vào chuỗi tăng giá bền bỉ mà các nhà đầu tư dài hạn đã gặt hái được rất nhiều thành quả to lớn. Điển hình là với những ai nắm giữ mã cổ phiếu này kể từ đầu năm 2017 đến thời điểm hiện tại sẽ có gấp gần 4 lần tài khoản từ vùng giá điều chỉnh (20.000 đồng/cp). Độ "hot" của cổ phiếu này có thể được giải thích qua cơ cấu cổ đông và triển vọng kinh doanh tích cực của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.

2354-thong-tin
Hình minh họa

Thanh khoản tháng 2 tiếp tục ở mức cao với 13.880 tỷ đồng/phiên: Theo thông tin từ Sở GDCK Tp.HCM, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2021, các chỉ số chứng khoán đều ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số VN-Index đạt 1168,47 điểm, tăng 10,59%; VNAllshare đạt 1124,14 điểm, tăng 10,76%; VN30 đạt 1173,60 điểm, tăng 11,95% so với cuối tháng 1/2021. Trong tháng 2/2021, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng đạt trên 8,3 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 208,29 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản thị trường giảm so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 13,88 nghìn tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 554 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giảm 17,34% về giá trị và 25% về khối lượng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, thanh khoản thị trường tháng 2/2021 ghi nhận sự tăng trưởng cao với KLGD bình quân phiên tăng 129,4% và GTGD bình quân phiên tăng hơn 204%.

Vingroup đầu tư công ty con tại Singapore: Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa quyết định tham gia đầu tư vào công ty Fiscus Consultancy có trụ sở tại Singapore. Công ty được thành lập ngày 19/1/2015. Hoạt động chính của Fiscus là dịch vụ tài chính. Vingroup sẽ đầu tư trên 50% vốn điều lệ của Fiscus nhưng không quá 65%. Tại ngày 31/12/2020, Vingroup có 105 công ty con. Trong đó, nhiều công ty có trụ sở ở nước ngoài như Tây Ban Nha, Đức, Ý, Pháp, Australia, Hong Kong, Singapore...

Dòng tiền điều hướng sang HNX, UPCoM trong cơn bĩ cực tại sàn HOSE: Phiên giao dịch chiều 4/3, khi sàn HOSE tắc nghẽn lệnh và chỉ có thể giao dịch trong khoảng 15 phút đầu phiên, dòng tiền đã tìm đến các cổ phiếu trên HNX và UPCoM. Hệ quả là, thanh khoản trên sàn HNX và thị trường UPCoM tăng đột biến so với mức bình quân 1 tuần hay 1 tháng trước đó.

Lợi nhuận của PNJ có thể vượt 1.330 tỷ đồng nhờ sức bật mảng bán lẻ: Trong báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của PNJ ước đạt 19.829 tỷ đồng và 1.338 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 25% so với kết quả năm 2020. BSC kỳ vọng SSSG (tốc độ tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng) năm 2021 sẽ tăng trưởng 10% - 12% nhờ sức tiêu thụ tăng lên khi thu nhập khả dụng phục hồi. BSC nhận định tăng trưởng doanh thu bán lẻ PNJ sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong năm 2021.

TKV vượt 15% kế hoạch than nguyên khai sản xuất trong tháng 2: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt nam (Vinacomin, Mã: TKV) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng 2 với sản lượng than nguyên khai sản xuất tháng đạt 2,1 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch tháng; sản lượng than tiêu thụ ghi nhận 2.960 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch. Tập đoàn cho biết, tháng 2/2021, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dragon Capital đã nắm hơn 10% vốn KBC: Amersham Industries Limited đã mua thêm 1 triệu cổ phiếu Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) trong ngày 2/2. Giao dịch giúp nhóm Dragon Capital tăng nắm giữ lên hơn 47 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ hơn 10%. Nhóm quỹ ngoại đã liên tục gom cổ phiếu khu công nghiệp này từ đầu năm và trở thành cổ đông lớn kể từ 19/1 với gần 24 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng khối lượng mua thêm từ đó đến nay hơn 23 triệu đơn vị.

Viglacera Hạ Long I có khả năng hủy niêm yết, cổ phiếu giảm sàn 7 phiên: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo cổ phiếu Viglacera Hạ Long I (HNX: HLY) có khả năng bị hủy bỏ niêm yết do số lỗ lũy kế đã vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại báo cáo tài chính năm 2020, được kiểm toán bởi công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC. Sở sẽ xem xét ban hành quyết định hủy bỏ niêm yết cổ phiếu HLY. Trên thị trường, cổ phiếu HLY chỉ có 8 phiên có phát sinh giao dịch từ đầu năm đến nay. Hiện cổ phiếu đang giảm sàn về 23.900 đồng/cp, đây là phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp của của cổ phiếu, tương đương mất hơn phân nửa giá trị vốn hóa.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 229 tỷ đồng trên HoSE: Trong phiên 4/3, khối ngoại bán ròng trên hai sàn HoSE và HNX trong khi mua ròng trở lại tại UPCoM. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 39,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.375 tỷ đồng, trong khi bán ra 40,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.574 tỷ đồng. Tổng khối lượng án ròng ở mức 1,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 199,3 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 229 tỷ đồng, giảm 51% so với giá trị bán ròng của phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 4 triệu cổ phiếu. Như vậy, dòng vốn ngoại sàn này đã bán ròng trong 10 phiên liên tiếp với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 5/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 5/3/2021, ...

Nhận định chứng khoán ngày 5/3/2021: Lấy lại đà tăng

Thị trường chứng khoán Việt tiếp tục gặp khó khi tiếp cận mốc cao lịch sử. Sau ít phút giằng co vào đầu phiên sáng ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 4/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như HBC, KBC, SSB, BBS, PVM… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Tân An