Thị trường chứng khoán ngày 30/3/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:30 | 30/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Quốc tế Hoàng Gia đặt mục tiêu có lãi trong 2021; Dabaco khát vốn; SHB tăng trần phiên thứ hai liên tiếp, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch kể từ đầu năm;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 30/3/2021.

SHB tăng trần phiên thứ hai liên tiếp, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch kể từ đầu năm: Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiếp tục ghi nhận diễn biến giao dịch đáng chú ý trong ngày 29/3. Kết phiên buổi chiều, thị giá SHB tăng trần 9,7% lên 21.400 đồng/cp với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 55,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 1.159 tỷ đồng. Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của SHB. Trước đó, cổ phiếu này cũng tăng trần 9,6% trong ngày 26/3 với khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục gần 80 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.522 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, có tổng cộng hơn 1,94 tỷ cổ phiếu SHB được trao tay giữa các nhà đầu tư với giá trị đạt gần 33.833 tỷ đồng. Trong đó, hơn 91% được giao dịch thông qua hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn.

0618-thong-tin
Hình minh họa

Quốc tế Hoàng Gia đặt mục tiêu có lãi trong 2021: Ngày 29/03, HĐQT CTCP Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC) đã công bố Nghị quyết về việc thành lập bộ phận Kiểm toán nội bộ, ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ và thông qua chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021. Về kế hoạch kinh doanh 2021, HĐQT Công ty đề ra mục tiêu tổng doanh thu gần 10,4 triệu USD (xấp xỉ 238,2 tỷ đồng) và lãi sau thuế 505 ngàn USD (11,6 tỷ đồng). Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu RIC thu hút sự chú ý của người tham gia thị trường với những diễn biến giá lên xuống ngoạn mục vào thời gian gần đây. Trong hai phiên 26-29/03 vừa qua, cổ phiếu này đã tăng kịch trần sau chuỗi giảm sàn 15 phiên liên tiếp trước đó.

Dabaco khát vốn: Theo công bố của Dabaco, hiện doanh nghiệp đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản, gồm dự án nhà ở Huyền Quang 2, Khu đô thị phía Tây thị trấn Hồ, Khu đô thị Đền Đô, Khu đô thị Dabaco - Vạn An, Khu đô thị Dabaco - Đình Bảng, Cụm công nghiệp làng nghề Khúc Xuyên, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở và dịch vụ xã Nhân Thắng. Bất động sản ngốn tiền khá lớn trong dòng tiền lưu chuyển tại Dabaco. Ngoài chi hơn 148 tỷ đồng cho các dự án Lotus và chung cư Huyền Quang và trung tâm thương mại Đại Phúc, Dabaco còn chi 41 tỷ đồng cho các khoản chi phí xây dựng và các khoản bất động sản phải trả. Đồng thời, Công ty còn phải trả 161,3 tỷ đồng khoản tiền đặt cọc liên quan đến dự án Thuận Thành 2. Trong khi đó, Dabaco vẫn đang cần dòng tiền lớn để đầu tư nhà máy, kho nguyên liệu, cảng để khép kín chuỗi giá trị sản xuất như Nhà máy phân bón hữu cơ Việt Nhật, Nhà máy thủy sản Nutreco…

HUDLAND lên kế hoạch kinh doanh 2021 ‘ảm đạm’: Trái ngược với thị giá cổ phiếu đang leo thang, thiết lập mức kỷ lục trên thị trường sau 8 năm niêm yết trên sàn, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND (HNX: HLD) lại công bố kế hoạch kinh doanh khá "bèo bọt" khi doanh thu và lợi nhuận đồng loạt đi lùi so với thực hiện năm 2019. Cụ thể, HLD dự kiến đem về hơn 135 tỷ đồng tổng doanh thu và 13,7 tỷ đồng lãi sau thuế 2021, lần lượt giảm 30% và 82% so với thực hiện năm trước. Ngoài ra, HLD lên kế hoạch giá trị sản xuất và kinh doanh năm 2021 gần 59 tỷ đồng trong khi năm 2020 chỉ đạt 8,7 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị đầu tư phát triển dự kiến giảm xuống chỉ còn hơn 26 tỷ đồng.

Lãi sau thuế 2020 PVC giảm 16% sau kiểm toán: Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (HNX: PVC) ghi nhận khoản chênh lệch gần 16% giữa báo cáo kiểm toán và báo tự lập. Cụ thể, mục lãi sau thuế trong báo cáo kiểm toán 2020 của PVC ghi nhận gần 21 tỷ đồng trong khi ở báo cáo tự lập là gần 25 tỷ đồng. Giải trình cho mức chênh lệch trên, PVC cho biết nguyên nhân là do lãi sau thuế công ty mẹ giảm hơn 3,5 tỷ đồng sau khi ghi nhận thêm khoản chi phí tương ứng, đồng thời Tổng Công ty còn tính bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hơn 340 triệu đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sức phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á và lọt top 10 thế giới: Ghi nhận tại hội thảo "Thị trường Chứng khoán năm 2021 – Cơ hội và Thách thức" mới đây, các chuyên gia nhận định việc VN-Index vượt ngưỡng cản 1.200 điểm ngày 18/3 vừa qua không chỉ tạo ra tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh sàn HoSE vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng nghẽn lệnh. Điểm lại năm 2020, không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, TTCK Việt Nam cũng trải qua một năm đầy biến động. Sau những tháng đầu năm thị trường có sự sụt giảm nghiêm trọng và giảm xuống điểm đáy khi chỉ số VN-Index từ xấp xỉ 1.000 điểm (cuối năm 2019) xuống chỉ còn 659,21 điểm trong ngày 23/3/2020. Thì bước sang quý II/2020, cũng như một số TTCK lớn, Việt Nam đã có sự phục hồi bền vững và tăng trưởng mạnh mẽ. Với những tín hiệu tích cực từ kiểm soát dịch cũng như nền kinh tế, thống kê cho thấy, TTCK Việt Nam năm 2020 đã trở thành thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á và nằm trong top 10 TTCK có sức phục hồi tốt nhất trên thế giới.

Khối ngoại bán ròng 182 tỷ đồng trong phiên 29/3: Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Tính chung cả 3 sàn, khối ngoại mua vào 35,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.290 tỷ đồng, trong khi bán ra 36,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.472 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 646.256 cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là gần 182 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại giảm giá trị bán ròng 45% so với phiên trước xuống còn gần 156 tỷ đồng, tuy nhiên, nếu tính về khối lượng thì dòng vốn này mua ròng trở lại 376.600 cổ phiếu. Đáng chú ý, giá trị bán ròng thông qua khớp lệnh sàn HoSE phiên hôm nay chỉ còn 38,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại còn mua ròng 254 tỷ đồng trái phiếu VJC11912.

Tập đoàn PAN chuyển giao dịch sang HNX giảm tải cho HOSE: Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (Mã: PAN) vừa có nghị quyết hội đồng quản trị về việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Trước đó, 5 công ty thành viên của Tập đoàn PAN đã chuyển giao dịch sang HNX là CTCP Bibica (Mã: BBC); CTCP Giống cây trồng Miền Nam (Mã: SSC); CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT); CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFG); CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC). Phiên giao dịch hôm nay (29/3), hai cổ phiếu là BBC và SSC chính thức giao dịch tại sàn HNX.

Phiên giao dịch ngày 30/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 30/3/2021, ...

Nhận định chứng khoán ngày 30/3/2021: Đà tăng chưa thực sự vững chắc

Thị trường chứng khoán trong nước diễn biến tích cực ngay phiên giao dịch đầu tuần (29/03), trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 29/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như TCO, QBS, C32, ELC, CVT, KVC, CTC, GMA, PGB… được Tạp chí điện tử Kinh ...

Tân An