Thị trường chứng khoán năm 2022: 3 vấn đề - 5 nhiệm vụ trọng tâm

Cập nhật: 17:28 | 31/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Ngày 30/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

1408-yy-ban-chyng-khoan
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Về phía UBCKNN có Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN và Ban Lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBCKNN, Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), cùng toàn thể công chức, viên chức UBCKNN.

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Lãnh đạo UBCKNN, Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN trình bày báo cáo tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của UBCKNN năm 2021 và chương trình công tác năm 2022.

Năm 2021 là một năm đầy biến động, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt những thành quả nhất định. VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới ngày 25/11 khi chạm mốc 1.500,81 điểm.

Tính đến ngày 28/12, VN-Index đạt 1.494,39 điểm - tăng 35,4% so với cuối năm 2020; HNX-Index đạt mức 458,05 điểm - tăng 125,5% so với cuối năm 2020.

Mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng - tăng 46% so với cuối năm 2020 - tương đương 122,8% GDP năm 2020.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020.

Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong 11 tháng đầu năm đạt 444.941 tỷ đồng - tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng.

Năm 2021, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Chỉ riêng trong 11 tháng qua, đã có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của Nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

3913-tai-khoyn-ck
Lũy kế đến ngày 30/11, Việt Nam có 4.083.325 tài khoản giao dịch chứng khoán - tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020.

Thị trường chứng khoán phái sinh đón nhận thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Nếu trong năm 2020 chỉ có 18 hợp đồng của sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm thì sang năm 2021, sự có mặt của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đánh dấu sự quan tâm của nhà đầu tư đối với sản phẩm mới khi 1.172 hợp đồng của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm được giao dịch trong 3 tháng đầu sau khi niêm yết, OI có thời điểm lên tới 149 hợp đồng.

Thị trường trái phiếu niêm yết duy trì ổn định, quy mô niêm yết đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020, tronng đó quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 1,48 triệu tỷ đồng, chiếm 98,3% quy mô toàn thị trường. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11,25 nghìn tỷ đồng tăng 9,7% so với năm 2020, trong đó giao dịch repos chiếm 34% tổng giá trị toàn thị trường.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết và đại chúng quy mô vốn hóa lớn được cải thiện đáng kể mặc dù đã chậm lại trong quý III dưới ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần của các công ty tăng 15,7% và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 33,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, trong năm 2021 UBCKNN đã hoàn thiện khung pháp lý và chính sách điều hành, phát triển thị trường, theo đó UBCKNN đã trình Bộ ban hành 03 Thông tư hướng dẫn, bao gồm Thông tư số 51/2021/TT-BTC ngày 30/06/2021 về việc hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, các nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài; Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/07/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường chứng khoán phái sinh và giao dịch các loại chứng khoán khác và Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12/07/2021 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời, Ủy ban cũng đang trình Bộ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hoạt động tái cấu trúc, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán tiếp tục được triển khai. Trong năm 2021, UBCKNN đã thực hiện kiểm tra 07 công ty chứng khoán theo chương trình kiểm tra định kỳ năm 2021 và kiểm tra 09 công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Về hoạt động quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, trong năm 2021 UBCKNN đã cấp phép tăng vốn điều lệ của 03 công ty quản lý quỹ và giải thể 01 quỹ. UBCKNN cũng tiếp tục thực hiện công tác tái cấu trúc khối các công ty quản lý quỹ, tăng cường công tác giám sát kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty quản lý quỹ. Song song với công tác cấp phép, UBCKNN đã tích cực thực hiện công tác tái cấu trúc, góp phần đảm bảo thị trường có các tổ chức tài chính hoạt động hiệu quả, thị trường phát triển bền vững. Hoạt động của công ty quản lý quỹ trong năm 2021 được duy trì ổn định, có sự tăng trưởng cả quy mô và kết quả hoạt động kinh doanh.

Về công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, xem xét hoạt động kiểm toán: trong năm 2021, UBCKNN đã thực hiện công tác thẩm định, xem xét 487 hồ sơ các loại liên quan đến chào bán, phát hành chứng khoán. Tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán đạt hơn 16.330 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị hơn 177 nghìn tỷ đồng. Về hoạt động giám sát công ty đại chúng, UBCKNN đã chủ trì, phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp rà soát, phân loại và đôn đốc các Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch UPCOM theo quy định tại Thông tư số 32. Về hoạt động kiểm toán, UBCKNN đã chấp thuận 33 công ty kiểm toán được thực hiện kiểm toán.

Về công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm UBCKNN đã tăng cường triển khai các đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch bất thường, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là giao dịch có dấu hiệu thao túng. Trong năm 2021, UBCKNN đã triển khai 01 đoàn thanh tra định kỳ, 06 đoàn kiểm tra định kỳ và 31 đoàn kiểm tra đột xuất.

5 nhiệm vụ trọng tâm đối với UBCKNN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà TTCK đã đạt được trong năm 2021. Thứ trưởng nhấn mạnh trong năm qua UBCKNN đã thể hiện được vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động thị trường, đã chủ động đề xuất, báo cáo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những giải pháp giúp giữ thị trường hoạt động ổn định, bền vững. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của UBCKNN trong việc phối hợp hiệu quả với các đơn vị thuộc Bộ với các SGDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua.

Về các nhiệm vụ và giải pháp UBCKNN đề ra trong năm 2022, Thứ trưởng đề nghị UBCKNN tập trung, nỗ lực hơn nữa để tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tổ chức đẩy mạnh thực hiện phổ biến Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn luật được ban hành đến rộng rãi công chúng đầu tư, tăng cường công tác đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư. Đây là nhiệm vụ tiên quyết trong việc thực hiện hiệu quả Luật Chứng khoán năm 2019, vừa là giải pháp trung và dài hạn để phát triển TTCK bền vững, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường.

Thứ hai, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển Thị trường Chứng khoán – thị trường vốn về dài hạn.

Thứ ba, chỉ đạo HOSE và các đơn vị thụ hưởng sớm hoàn thành đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Thứ tư, tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là trong hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán.

3 vấn đề băn khoăn

Chia sẻ về thị trường chứng khoán năm 2022 tại tọa đàm mới đây, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đã nêu ra 3 vấn đề đáng quan ngại nhất.

2735-tryn-vyn-dyng
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thứ nhất, ông Dũng khá quan ngại đối với lạm phát khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ dần hiện hữu tại ngân hàng trung ương các nước.

Hiện nay, nguy cơ lạm phát đến trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa nhiều nhưng gián tiếp thì nhiều rồi. Chẳng hạn như giá dầu, giá vận chuyển… khiến chi phí doanh nghiệp tăng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang chững lại.

Cụ thể, hơn 80% doanh nghiệp niêm yết vẫn có lãi, tuy nhiên trong quý II/2021, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 67%; đến quý III/2021 chỉ tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.

Thứ ba, là những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. "Tôi cũng lo lắng về dịch bệnh COVID-19 khi tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với biến chủng Omicron vừa xuất hiện tại Việt Nam", ông Dũng chia sẻ.

Sang năm 2022, với tư cách là cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, để góp phần phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán đã trình Bộ Tài chính về chiến lược phát triển 10 năm theo hướng đi vào chiều sâu. Trước đây, chúng ta hướng tới phát triển nhiều sản phẩm thì giờ chuyển sang tập trung về chất lượng, thể hiện bằng luật chứng khoán mới…

Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai không phụ thuộc chỉ số VN30. Nếu tập trung vào một sản phẩm, đôi khi có những cái bất thường. Hiện tại một số điểm bất thường đã xuất hiện trong phiên đáo hạn phái sinh", ông Dũng nói.

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022: Đi tìm ba chữ cái 'mang tiền về' năm tới

Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ tiếp tục đi lên với mức độ biến động cao với ...

Chứng khoán phiên chiều 31/12: VN-Index đóng cửa năm 2021 sát ngưỡng 1.500 điểm

Thị trường chứng khoán trong nước phiên giao dịch cuối năm (31/12/2021) đóng cửa với sắc xanh lan tỏa ở các chỉ số chính. Tính ...

1,5 triệu tài khoản chứng khoán mới gia nhập thị trường năm 2021

Dự kiến trong tháng cuối năm, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới sẽ tiếp tục duy trì trong ngưỡng 100.000 - 150.000 qua ...

Hồng Giang