Tập đoàn Hà Đô vay hàng ngàn tỷ đồng lãi suất trên dưới 10%, cho vay lại 0%, nợ xấu và khó đòi tăng nhanh

Cập nhật: 00:00 | 19/09/2019 Theo dõi KTCK trên

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô, mã chứng khoán HDG) đang là một trong những doanh nghiệp bất động sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất làng địa ốc. Doanh nghiệp này đang nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư cổ phiếu khi lợi nhuận tăng đột biến. Tuy nhiên, cùng với lợi nhuận là sự gia tăng của nợ xấu và khó đòi.

Đi vay lãi suất cao, cho vay lại 0%

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô mới công bố Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2019.

Lợi nhuận sau thuế (chưa phân phối) 6 tháng đầu 2019 của Hà Đô đạt tới 694 tỷ đồng, báo cáo cho kỳ kế toán 1/1/2019 là 820 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Hà Đô đang lộ ra vấn đề không hề nhỏ về hoạt động tài chính. Theo đó, Hà Đô đã mang hàng loạt dự án quan trọng đi cầm cố, khiến nợ phải trả cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, doanh nghiệp này lại mang hàng trăm tỷ đồng cho vay và gánh khoản nợ xấu lên đến hàng chục tỷ đồng.

tap doan ha do vay hang hang ty dong lai suat tren duoi 10 cho vay lai 0 no xau va kho doi tang nhanh
Đáng chú ý, kể từ ngày 18/4/2019, Tập đoàn Hà Đô có thêm các Thành viên HĐQT là: ông Hoàng Đình Hùng, Ngô Xuân Quyền, trong khi đó các ông Lê Thanh Hiền, Chế Đình Tương, Nguyễn Văn Đông thôi thành viên kể từ thời điểm này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 (đã soát xét), ngày 29/8 của Tập đoàn Hà Đô, trong số hơn 10 ngàn tỷ đồng nợ phải trả thì có 6.317 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, 4.164 tỷ đồng nợ dài hạn.

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Đô đã phải chi 96 tỷ đồng để trả lãi vay. Con số này cùng kỳ năm ngoái là 43,8 tỷ đồng.

Hà Đô cũng phải chi tới 24 tỷ đồng cho môi giới và quảng cáo.

Điều khó hiểu là trong khi Hà Đô phải vay hàng ngàn tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 9-10,4%/năm thì Công ty này lại cho công ty An Lạc vay hơn 300 tỷ đồng lãi suất 4,5%-9,3%/năm, cá biệt Công ty 756 còn vay 117 tỷ đồng của Hà Đô với lãi suất 0%.

Con số kể trên cho thấy, Hà Đô Group đã phải vay nợ rất nhiều để có tiền rót cho các dự án. Thế nhưng, doanh nghiệp này lại có cách cho vay khá khó hiểu. Trong đó, mối quan hệ nợ vay và các quan hệ khác với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc là ví dụ.

Tại thời điểm cuối năm 2018, Hà Đô Group không nắm giữ cổ phần tại Công ty An Lạc sau khi chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần tại An Lạc có giá trị ghi sổ 12 tỷ đồng với giá 20,176 tỷ đồng.

tap doan ha do vay hang hang ty dong lai suat tren duoi 10 cho vay lai 0 no xau va kho doi tang nhanh
Một dự án bất động sản của Tập đoàn Hà Đô.

Do 12 tỷ đồng tương ứng 7% vốn nên giá trị ghi sổ của An Lạc là hơn 171 tỷ đồng. Công ty An Lạc có giá trị ghi sổ hơn 171 tỷ đồng nhưng Hà Đô từng cho An Lạc vay số tiền lớn hơn giá trị ghi sổ rất nhiều.

Tại thời điểm 31/12/2018, khi Hà Đô Group đã bán xong cổ toàn bộ cổ phần của An Lạc, Hà Đô vẫn tồn tại khoản phải thu về cho vay ngắn hạn trị giá gần 229 tỷ đồng tại An Lạc. Điều đáng nói, các khoản vay này không có tài sản đảm bảo với lãi suất từ 4,5% tới 9,3%/năm. Cả gốc và lãi sẽ được trả vào ngày đáo hạn quy định tại từng thỏa thuận vay. Có thể thấy, điều kiện vay mà Hà Đô dành cho An Lạc là rất tốt.

Chưa hết, cũng tại thời điểm 31/12/2018, Hà Đô có khoản phải thu về cho vay dài hạn tại An Lạc lên đến 100 tỷ đồng. Khoản vay này không tính lãi. Như vậy, sau khi Hà Đô thoái vốn khỏi An Lạc, An Lạc vẫn nợ Hà Đô gần 329 tỷ đồng. Trong khi giá trị ghi sổ của An Lạc là khoảng 171 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, tại thời điểm 30/6/2019, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của An Lạc là 238,7 tỷ đồng, dài hạn là 100 tỷ đồng. Theo lý giải của Hà Đô thì khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty An Lạc không có tài sản đảm bảo, hưởng lãi suất 4,5%-9,3%/năm, cả gốc và lãi sẽ được trả vào ngày đáo hạn.

Ngoài ra, trong phần khoản thu khác, báo cáo tài chính của Tập đoàn Hà Đô cũng ghi nhận “phải thu lãi cho vay” từ Công ty CP An Lạc và một bên liên quan là 22 tỷ đồng.

tap doan ha do vay hang hang ty dong lai suat tren duoi 10 cho vay lai 0 no xau va kho doi tang nhanh
Từ trái qua phải Thiếu tướng Phạm Quang Xuân - Tư lệnh Binh chủng Công binh, Ông Nguyễn Trọng Thông Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Hà Đô, Ông Lê Trung Dũng- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV 756, Ông Lê Công Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội. Ảnh: Hado.com.vn

Ngoài An Lạc, báo cáo còn ghi nhận, Công ty TNHH MTV 756 hiện đang nợ ngắn hạn Tập đoàn Hà Đô là 117 tỷ đồng. Trước đó báo cáo ngày 1/1/2019 thì khoản vay này nằm trong danh mục “vay dài hạn”.

Theo lý giải của Hà Đô, khoản vay của Công ty TNHH MTV 756 để công ty này góp vốn điều lệ vào Công ty CP Hà Đô – 756 Sài Gòn. Khoản vay này không tính lãi và được đảm bảo bằng tất cả các quyền, quyền sở hữu và lợi ích của Công ty tại Công ty CP Hà Đô 756 Sài Gòn và toàn bộ quyền lợi phát sinh từ vốn góp.

Nợ xấu tăng chóng mặt

Hiện tại, nợ xấu của Hà Đô đang có xu hướng tăng. Nếu tại thời điểm cuối 2018, nợ xấu mà Hà Đô phải gánh “chỉ” là 13,5 tỷ đồng (trong đó, khoản có thể thu hồi được là 423 triệu đồng) thì tới cuối quý 2/2019, khoản phải thu ngắn hạn khó đòi (thời hạn từ dưới 2 năm đến trên 3 năm) đã lên đến hơn 21 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi được là 422 triệu đồng).

tap doan ha do vay hang hang ty dong lai suat tren duoi 10 cho vay lai 0 no xau va kho doi tang nhanh
Danh sách khoản vay của Tập đoàn Hà Đô, có những khoản vay chịu lãi suất tới 10,4%/năm.

Danh sách cụ thể của các khoản nợ quá hạn trong diện “nợ xấu và khó đòi” của Hà Đô đáng chú ý có cá nhân bà Nguyễn Thị Lan (nợ trên 3 năm) số tiền 3,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Việt (trên 3 năm) số tiền 3,4 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng An Dương (trên 3 năm ) số tiền 2,5 tỷ đồng, các khách hàng khác (trên 3 năm) số tiền 10,4 tỷ đồng…

Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc hoạt động từ ngày 2/4/2002 với ngành nghề chính là “xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng”. Chủ tịch Hội đồng quản trị của An Lạc là ông Nguyễn Trọng Thông. Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hà Đô cũng có tên Nguyễn Trọng Thông.

Ông Nguyễn Trọng Thông cũng có một chị gái tên Nguyễn Thị Xuân Lan. Bà Lan cũng là cổ đông của Hà Đô Group. Lượng cổ phiếu HDG thuộc sở hữu của bà Lan theo thị giá hiện tại có trị giá khoảng 24 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Thông nắm giữ gần 41,6 triệu cổ phiếu HDG của Hà Đô trị giá khoảng 1.493 tỷ đồng. Nhờ vậy, ông Thông đứng trong top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại. Ông Thông thậm chí còn giàu hơn cả ông Đặng Thành Tâm, ông Bùi Quang Ngọc trên sàn chứng khoán.

Minh Chính

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm