Sóng gió dồn dập bủa vây Thuduc House

Cập nhật: 15:00 | 25/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đang trong giai đoạn “khủng hoảng chưa từng có” khi mà khó khăn chồng chất khó khăn dẫn đến tình hình hoạt động kinh doanh không khả quan như kỳ vọng.

Tập đoàn Viettel thu về 75 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức gần 40% của Viettel Post

Yeah1 (YEG): "Sự cố với YouTube" và cú trượt dài trong hoạt động kinh doanh

Sóng gió dồn dập bủa vây Thuduc House
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Mới nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu TDH của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) vào diện cảnh báo từ ngày 28/5.

Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm 363 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 143 tỷ đồng.

Thuduc House công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 sau kiểm toán với doanh thu thuần ghi nhận mức giảm 4 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt 1.961 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 300 tỷ đồng sau kiểm toán đã kéo lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng giảm từ mức âm 30 tỷ đồng xuống âm 363 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân dẫn đến việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao là vì xuất hiện khoản dự phòng phải thu gần 308 tỷ đồng liên quan tới việc truy thu và nộp chậm thuế.

4905-tdh
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC trước và sau kiểm toán năm 2020 của Thuduc House).

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, cổ phiếu TDH nhận đến 2 quyết định đưa vào diện cảnh báo của HOSE. Trước đó, cổ phiếu TDH đã nằm trong diện cảnh báo từ ngày 6/4 do thông tin về việc truy thuế ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty, HOSE xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

2020 – ‘Năm hạn’ của Thuduc House

"Thuduc House đã trải qua một năm 2020 với nhiều khó khăn chồng chất mà có thể xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt hơn 30 năm hoạt động của công ty. Trong năm 2020, khi tập thể Thuduc House phải dốc toàn bộ toàn bộ sức lực để gồng mình giải quyết, vượt qua những hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, chúng tôi lại phải tiếp tục đương đầu với việc Cục Thuế TP HCM truy thu số tiền thuế đã được hoàn từ hoạt động xuất nhập khẩu của công ty", Chủ tịch HĐQT Lê Chí Hiếu tâm sự với cổ đông trong báo cáo thường niên mới phát hành.

Cuối năm 2020, Thuduc House nhận "trát" truy thu thuế gần 400 tỷ đồng từ Cục Thuế TP HCM. Đến tháng 3, số tiền thuế Thuduc House phải nộp lên tới hơn 450 tỷ đồng do tính thêm tiền chậm nộp.

Số tiền phải nộp nêu trên đã tương đương với lợi nhuận của doanh nghiệp này trong 4 năm gần đây. Khoản tiền thuế này liên quan đến hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử của Thuduc House. Theo tiềm hiểu, dù có hoạt động lõi từ khi thành lập là bất động sản, nhưng từ năm 2015, công ty kinh doanh thêm trong mảng thương mại, xuất nhập khẩu với mục đích đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và tạo nguồn thu ổn định. Mảng kinh doanh này đóng góp khoảng 87% doanh thu và 37% lợi nhuận gộp trong năm 2019.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, Thu Duc House hạch toán khoản tạm nộp 396 tỷ đồng theo các quyết định truy thu thuế của Cục Thuế TP HCM nhưng cũng ghi nhận một khoản phải thu ngắn hạn khác tương ứng với số tiền nêu trên trong khi chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng. Đơn vị kiểm toán đã cho ý kiến ngoại trừ với khoản hạch toán này.

Việc nộp đủ số thuế theo quyết định truy thu vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng tạm thời giúp công ty được gỡ bỏ các biện pháp cưỡng chế, thoát khỏi tình trạng ngưng trệ hoạt động kinh doanh, trở lại trạng thái bình thường.

Lãnh đạo Thuduc House nhấn mạnh đơn kiện quyết định hành chính đang được TAND TP HCM xem xét giải quyết theo quy định. Công ty cũng đang trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước liên quan đến nội dung truy thu thuế và chưa có kết quả cuối cùng.

Án phạt với số tiền hàng trăm tỷ đồng trong những ngày cuối năm 2020 không phải là cái “hạn” duy nhất của Thuduc House trong năm qua. Kể từ khi trở thành công ty cổ phần những năm 2000, công ty chưa từng thua lỗ nhưng năm vừa qua là kỳ kinh doanh đầu tiên.

Cũng trong năm này, xuất hiện tin đồn M&A liên quan Thuduc House, công ty cũng bán đi một trong những tài sản giá trị nhiều tiềm năng.

Cụ thể, hồi giữa năm 2020, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, các cổ đông đặt ra nghi vấn xung quanh tin đồn nhóm cá nhân/tổ chức muốn thông qua việc mua cổ phần TDH trên sàn để tham gia vào HĐQT. Chủ tịch HĐQT Lê Chí Hiếu thừa nhận có nghe về tin đồn trên. Một trong các phương thức chống thâu tóm thù địch mà lãnh đạo công ty này đề cập là thực hiện các biện pháp để đối thủ nhận thấy không còn mục tiêu khi thực hiện M&A.

Thực tế, động thái mà Thuduc House thực hiện thời điểm đó là bán đứt 49% cổ phần còn lại tại Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức – đơn vị quản lý vận hành chợ đầu mối trên diện tích hơn 20 ha tại Thủ Đức thu về gần 88 tỷ đồng. Từ năm 2018, Thuduc House đã thoái 51% vốn công ty này, bên mua lại là cán bộ chủ chốt của chính Thuduc House.

TDH lao dốc, cổ đông tháo chạy

Trên sàn chứng khoán, sau các lùm xùm liên quan đến trốn thuế, cổ phiếu TDH giao dịch không mấy tích cực, lao dốc từ vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm xuống còn 7.040 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 25/5/2021.

Vốn hóa thị trường theo đó cũng giảm mạnh từ mức 1.344 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 800 tỷ đồng như hiện nay.

Trong bối cảnh đó, đầu tháng 4 vừa qua, Trưởng Ban kiểm soát của Thuduc House đã bán 40.000 cổ phiếu, tương đương hơn 90% tổng số cổ phần đang sở hữu tại công ty.

Vào cuối năm 2020, ông Lê Dã Hạc, con trai Chủ tịch Lê Chí Hiếu, cũng đã bán hết hơn 77.000 cổ phiếu. Vợ ông Hiếu cũng bán 500.000 đơn vị trên tổng số 627.000 cổ phần của mình.

5738-tdh-2
Diễn biến giá cổ phiếu TDH từ năm 2020 tới nay.

Quang Huy

Tin cũ hơn
Xem thêm