Sóng cổ phiếu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên UpCOM

Cập nhật: 18:48 | 26/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Nhiều nhà đầu tư không quá quan tâm đến cổ phiếu sàn HOSE, HNX hay UpCOM, cũng như nhìn vào điểm số của VN-Index từng phiên mà thường nhìn vào dòng tiền và câu chuyện doanh nghiệp trong thời gian tới để mua bán cổ phiếu. Bởi vậy, không ít mã trên UpCOM dễ dàng nổi sóng, nhất là khi biên độ dao động giá lớn hơn nhiều 2 sàn niêm yết.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn, giá cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang ở vùng cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua, trên 23.000 đồng/cổ phiếu - vượt giá trúng đấu giá trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đầu năm 2018.

Giá tăng gần 30% sau 1 tháng nhưng không ít công ty chứng khoán vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên canh mua mã BSR với giá mục tiêu là “đầu 3” với kỳ vọng hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục có hiệu quả.

4345-upcom
Hình minh họa

Theo ghi nhận trong quý III/2021, BSR đạt 17.675 tỷ đồng doanh thu và 484 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 66.562 tỷ đồng doanh thu và 4.066 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi lợi nhuận cùng kỳ năm 2020 là con số âm.

Trên thị trường, giá dầu Brent đang được giao dịch trên ngưỡng 80 USD/thùng và dự kiến duy trì mức giá bình quân quanh vùng 75 - 80 USD/thùng trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 do nhu cầu sử dụng dầu tăng cao. Đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tốt đối với BSR.

Giá dầu thô ở mức cao sẽ giúp biên lợi nhuận của BSR cải thiện so với cùng kỳ năm trước và kéo theo giá các sản phẩm như dầu DO và xăng tăng giá. Thực tế, chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu (crack margin) của BSR có chuyển biến tích cực trong quý III/2021.

Yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty trong kỳ là nhu cầu tiêu thụ xuống mức rất thấp, nhưng đang từng bước được “hóa giải” khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại.

Bên cạnh các sản phẩm lọc hóa dầu như xăng dầu, các sản phẩm khác như LPG, hạt nhựa đều có xu hướng tăng giá mạnh trong thời gian qua, nhanh hơn tốc độ tăng của giá dầu thô. Điều này giúp BSR có thể cải thiện biên lợi nhuận trong thời gian tới, chưa kể Công ty còn hưởng lợi từ hàng tồn kho ước bằng sản lượng sản xuất trong 1 tháng.

Nếu như trước đây, BSR “kêu trời” vì hàng tồn kho cao, thì hiện nay, khi giá dầu lên, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trở lại, hàng tồn kho lại trở thành lợi thế, bởi giá thành thấp hơn đáng kể so với mức giá bán.

Dự phóng lợi nhuận quý IV/2021 của BSR có thể đạt gần 2.000 tỷ đồng nên cổ phiếu từng bước tăng giá và thu hút đầu tư, thanh khoản xấp xỉ 19 triệu đơn vị/phiên - tương đương với thanh khoản của nhiều mã bluechip trong VN30.

Bên cạnh BSR, một số mã có câu chuyện riêng như GHC của CTCP Thủy điện Gia Lai được nhiều nhà đầu tư canh mua dù giá đã tăng khá nóng thời gian qua. Đây là doanh nghiệp chủ công cả 3 lĩnh vực gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió đồng thời đang chuẩn bị kế hoạch chuyển cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE. Quý IV này, các khu công nghiệp khôi phục sản xuất, GHC có thêm 3 nhà máy điện gió đi vào hoạt động, sẽ đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho Công ty.

Trong khi đó, GHC chi trả cổ tức 35% bằng tiền mặt, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự phóng đạt hơn 6.000 đồng trong năm nay, số lượng cổ phiếu khá “cô đặc” khi lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông lớn nắm giữ trên 51%.

Theo đó, một số nhà đầu tư “mơ” về mức giá 5 - 6x đối với mã GHC (giá đóng cửa phiên cuối tuần qua là 38.000 đồng/cổ phiếu).

Đáng nói, dòng cổ phiếu thủy điện bất ngờ trở thành tâm điểm của nhà đầu tư trong tuần qua. Trên UpCOM có cổ phiếu NED của CTCP Đầu tư và Thủy điện Tây Bắc sau khi mã bắt đầu leo trần từ phiên đầu tuần. Được biết, NED quản lý gần 30 MW thủy điện ở Sơn La đồng thời đang đầu tư 2 khu công nghiệp tại Ninh Bình và Thanh Hóa có quy mô hơn 100 ha. Với giá trị sổ sách 10.600 đồng/cổ phiếu đồng thời có kế hoạch chia cổ tức năm 2022 là 20%, NED được “nhà tạo lập” chú ý và hướng dòng tiền vào cổ phiếu này.

Trên sàn HNX, các mã cổ phiếu thủy điện khác như SD9, S99 thu hút được dòng tiền và đều tăng giá trần trong các phiên cuối tuần.

Giờ đây, nhiều nhà đầu tư không quá quan tâm đến cổ phiếu sàn HOSE, HNX hay UpCOM, cũng như nhìn vào điểm số của VN-Index từng phiên, mà thường nhìn vào dòng tiền và câu chuyện doanh nghiệp trong thời gian tới để mua bán cổ phiếu. Bởi vậy, không ít mã trên UpCOM dễ dàng nổi sóng, nhất là khi biên độ dao động giá lớn hơn nhiều 2 sàn niêm yết.

Dù đầu tư trên sàn UpCOM không được cấp margin song không vì thế mà các nhà đầu tư ngán ngại, phần lớn họ đều là nhà đầu tư cá nhân năng động nên dễ dàng chuyển hướng mua bán khi thời thế thị trường thay đổi. Dòng tiền thông minh tìm đến UpCOM cũng không quá vu vơ như trước đây mà thường xem xét, phân tích khá kỹ lưỡng về các doanh nghiệp họ bỏ vốn đầu tư.

Tất nhiên, nhà đầu tư cũng phải lưu ý rằng, lợi nhuận lớn thì rủi ro sẽ cao hơn và mức độ biến động trên thị trường có biên độ giao dịch lớn lên tới 15% mỗi phiên như UpCOM là rất cân não.

Khi dòng tiền nóng rút khỏi một mã cổ phiếu mục tiêu mà không quay trở lại, khả năng hồi phục và lấy lại những gì đã mất ở những cổ phiếu này có thể sẽ khó khăn hơn nếu thực sự chuyển biến về giá không đến từ nội tại doanh nghiệp.

Văn Văn