Số phận của VN-Index nếu "tái chiếm" mốc 1.000 điểm

Cập nhật: 14:58 | 23/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Đến thời điểm này, VN-Index gần như đã thuận lợi lấy lại nnững điểm số đã mất trước khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều ý kiến nhận định, chỉ số có thể sớm quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm trong thời gian còn lại của năm 2020 bởi thị trường vẫn đang có các yếu tố hỗ trợ. Tuy nhiên, khả năng trụ vững của chỉ số tại mốc kháng cự này lại là điều chưa thể kiểm chứng.

Thị trường chứng khoán: Tháng 9, kỳ vọng vượt ngưỡng 900 điểm

Mốc 1.000 điểm trong tầm tay?

Yếu tố ngoại biên là xu hướng vượt đỉnh từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Thông tin tích cực từ vắc-xin phòng COVID-19 làm tăng thêm kỳ vọng về đà phục hồi kinh tế thế giới. Đặc biệt, các biện pháp nới lỏng tiền tệ chưa từng có của nhiều ngân hàng Trung ương cũng như chính sách kích thích kinh tế của các chính phủ nhằm giúp nền kinh tế vượt qua suy thoái tiếp tục tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán tăng điểm.

Tuần qua, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All Country Index, chỉ số S&P500 của thị trường Mỹ và chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đều tiến lên mức cao nhất mọi thời đại.

Trong khi đó, dòng vốn quốc tế có dấu hiệu quay trở lại với các thị trường chứng khoán châu Á, nhất là các thị trường Đông Nam Á. Dấu hiệu này trở nên rõ nét hơn sau thông tin tích cực về vắc-xin phòng COVID-19 và giá USD giảm.

Dòng vốn mới đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước không những hấp thụ lượng bán ròng của khối ngoại mà còn giúp thị trường tăng điểm và giao dịch sôi động, giá trị giao dịch tăng mạnh.

Kể từ đầu năm tới cuối tháng 10, trung bình mỗi tháng có khoảng 30.000 tài khoản chứng khoán mới được mở nâng tổng số lượng tài khoản lên 2,67 triệu, tương đương 2,8% dân số.

Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận qua từng năm.

Năm 2020, sau nửa đầu năm suy giảm vì COVID-19, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục rõ nét, kỳ vọng sự hồi phục này sẽ mạnh mẽ hơn trong quý cuối năm và tăng trưởng mạnh trong năm 2021.

Sau nhịp điều chỉnh cuối tháng 10, chỉ số VN- Index tăng trở lại áp sát mốc 1.000 điểm với sự đồng thuận của thanh khoản.

Với việc chỉ số VN-Index đang tiến sát mốc 1.000 điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhiều khả năng chỉ số sẽ sớm đạt mốc này nhưng để trụ vững sau đó thì cần thêm động lực như diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán toàn cầu được duy trì, đi kèm với sự tiến triển của vắc-xin phòng COVID-19 hay các gói hỗ trợ kinh tế của các nước…

Trong 1 tháng qua, VN-Index có những phiên biến động giật cục với biên độ rộng khiến không ít nhà đầu tư “thót tim”, lo ngại nguy cơ điều chỉnh, nhưng tính đến cuối tuần qua, chỉ số tiếp tục xu hướng đi lên, duy trì tháng thứ tư tăng điểm liên tiếp, đạt 983,2 điểm. Đóng góp lớn vào đà tăng của chỉ số đến từ các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, Vingroup, thực phẩm, thép…

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, không ít cổ phiếu lớn, chiếm tỷ trọng vốn hóa cao vẫn chưa trở lại mặt bằng giá cũ nên chỉ số chung chưa quay trở lại mốc 1.000 điểm.

Chẳng hạn, so với cùng kỳ, 2 cổ phiếu họ Vingoup là VHM và VRE đang có mức giá thấp hơn trên 20%; các mã PNJ, MWG, MBB hiện có mức giá thấp hơn trên dưới 10%...

Ở chiều ngược lại, HPG và CTG là 2 cổ phiếu có mức tăng giá và tỷ trọng ấn tượng nhất. Nhờ yếu tố tích cực từ nội tại doanh nghiệp cũng như ngành thép mà cổ phiếu HPG hiện có mức tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng vốn hóa trên HOSE nâng từ 1,7% lên 3,1%.

Trong khi đó, CTG là một trong những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh, mức tăng hơn 43% giúp tỷ trọng vốn hóa tăng từ 2,4% lên 3,5%. Yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu CTG bùng nổ là Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-NĐ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý cho CTG có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Dư địa tăng thu hẹp nhưng cơ hội vẫn còn

Không ít ý kiến nhận định, dư địa tăng của thị trường đang dần thu hẹp, song vẫn còn nhiều nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền.

Công ty Chứng khoán MB cho rằng, đà phục hồi kinh tế, triển vọng rõ ràng hơn về vắc-xin phòng COVID-19 và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Đây sẽ là những yếu tố tạo ra môi trường thuận lợi thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021.

Các ngành, các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế, các hiệp định thượng mại tự do, đẩy mạnh đầu tư công… như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, bán lẻ, thủy sản sẽ là địa chỉ hấp dẫn dòng tiền.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS, nhiều nhóm cổ phiếu gần như tăng giá liên tục từ tháng 4 đến nay, kể cả trong các đợt điều chỉnh, tích lũy của thị trường như HPG, ACB, VSC, HSG, DCM, DPM, DGC, DHC…

Thị trường có thể sẽ chứng kiến không ít cổ phiếu tiếp tục có diễn biến tăng giá, bởi giai đoạn hiện nay, các phương pháp định giá, tiêu chuẩn đánh giá thông thường về cổ phiếu… không thực sự được nhà đầu tư quan tâm hoặc mức định giá hợp lý được nhìn nhận cao hơn trước.

Điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là cổ phiếu nào đang tăng giá hoặc có triển vọng tăng giá để không bỏ lỡ cơ hội.

Ông Trần Đức Anh nhận định, dư địa tăng giá ở phần lớn các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô đã thu hẹp sau nhịp tăng mạnh và kéo dài vừa qua, nhưng đây vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, nhất là khi mức định giá của các cổ phiếu này nhìn chung vẫn ở vùng hấp dẫn.

“Tôi tiếp tục đặt kỳ vọng vào cổ phiếu ngành ngân hàng, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu xây dựng cùng một số ngành hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do và hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục khi vắc-xin phòng COVID-19 được đẩy nhanh triển khai như dệt may, cảng biển…”, ông Đức Anh chia sẻ.

Thực tế, trước mỗi cột mốc quan trọng của chỉ số, nhà đầu tư đều có sự thận trọng nhất định, có người kỳ vọng chỉ số sẽ vượt qua, nhưng có người cho rằng thị trường cần một vài nhịp tạo đà.

Gần đây, điểm số và thanh khoản thị trường tăng trở lại trước ngưỡng điểm 1.000, đặc biệt là thanh khoản cao kỷ lục so với các giai đoạn trước là dấu hiệu tích cực.

Sau khi liên tiếp đón nhận các thông tin tích cực trong nước và quốc tế, chỉ số VN-Index đang tiếp cận vùng 1.000 - 1.026 điểm, đây là vùng đỉnh thiết lập từ tháng 10/2018. Nếu vượt qua vùng đỉnh lịch sử này, thị trường liệu có giữ được phong độ?

Thách thức trước vùng kháng cự mạnh

Theo đó kết phiên giao dịch ngày 2011/2020, VN-Index tăng 6,74 điểm (0,69%) lên 990 điểm. Liệu chỉ số có thể bứt phá khỏi vùng kháng cự tâm lý 1.000 - 1.026 điểm, vốn không duy trì được lâu trong 3 lần kể từ năm 2018?

Sau 1.000 điểm, thị trường chứng khoán đi về đâu? ảnh 1

Diễn biến VN-Index và mức định giá P/E

Cụ thể, kể từ tháng 4/2018, khi thị trường bước vào giai đoạn giảm mạnh do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, VN-Index chưa từng vượt được vùng giá này.

Giai đoạn cuối năm 2019, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được những bước tiến quan trọng về thoả thuận giai đoạn 1, giúp chỉ số đạt 1.026 điểm, nhưng rồi nhanh chóng điều chỉnh giảm.

Trong vòng hơn 2 năm qua, VN-Index có 3 lần tiếp cận vùng đỉnh 1.000 điểm là tháng 10/2018, tháng 3/2019 và tháng 11/2019 nhưng đều không giữ được thành quả.

Trong đợt tăng giá tháng 11/2019, giá nhiều cổ phiếu bứt phá từ ngày 1/10 - 6/11/2019, đẩy định giá P/E của thị trường lên 16,5 lần. Các cổ phiếu trụ tác động tích cực tới thị trường là VHM, VCB, BID, VIC, VRE…

Hiện tại, những cổ phiếu trụ như VIC, VCB, VRE.. đều tiếp cận vùng đỉnh tháng 11/2019. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng như TCB, MBB, VPB tiếp cận vùng đỉnh; cổ phiếu bất động sản như VIC, VHM có giá thấp hơn; một số cổ phiếu khác có mức tăng nóng gần đây như BCM, GVR, MSN, CTG…, vượt vùng đỉnh cũ.

Sau 1.000 điểm, thị trường chứng khoán đi về đâu? ảnh 2

Chỉ số VN-Index có 3 lần không giữ được mốc 1.000 điểm trong 2 năm qua

Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán. Không ít người đã trải qua các diễn biến thăng trầm của thị trường trong lịch sử và học được bài học “thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thoả mãn”.

Năm nay, giai đoạn dịch COVID-19 mới bùng phát, nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn, sau đó thị trường tăng lên trong nghi ngờ về các gói kích thích, cũng như các biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vắc-xin có thể giải quyết được bài toán đại dịch và kinh tế toàn cầu sớm hồi phục. Sự hưng phấn của giới đầu tư có vẻ đang lấn át thông tin về các đợt lây nhiễm COVID-19 tiếp theo đang diễn ra trên diện rộng, từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á…, tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi.

Trong khi đó, vắc-xin được nhìn nhận phải có thêm thời gian để triển khai tiêm phòng trên thực tế và không thể cung cấp toàn bộ cho dân số trên thế giới ngay lập tức. Vì vậy, dịch bệnh nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng kéo dài tới các hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh…

Thâm hụt (Deficit) là gì? Các loại thâm hụt
Lịch sử có lặp lại với VN-Index trong lần chinh phục mốc 1.000 điểm lần này?

"Quá tam ba bận"...

Thông thường, thị trường sẽ phớt lờ thông tin tiêu cực trong giai đoạn sóng tăng nhưng sau đó sẽ quay trở lại phản ứng với thông tin này, nhất là khi có thêm thông tin tác động theo hướng bất lợi.

Đối với thị trường trong nước, động lực thúc đẩy thị trường từ các thông tin tốt về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, dòng tiền kỳ vọng từ câu chuyện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ thị trường cận biên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu có được duy trì trong ngắn hạn hay không là yếu tố mà các nhà đầu tư cần đánh giá, dù không ít yếu tố được nhận định sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn.

Lưu ý, trên sàn HOSE, kể từ đầu năm tới nay, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.210 triệu cổ phiếu, tương ứng rút ròng 13.819,3 tỷ đồng. Đây là mức rút ròng kỷ lục trong một năm của khối ngoại. Dòng vốn từ các nhà đầu tư cả cũ và mới trong nước đã hấp thụ hết lượng bán ra của khối ngoại.

Thách thức của thị trường chứng khoán còn đến từ một số cổ phiếu trụ gần đây có diễn biến đi ngang sau khi đạt vùng giá cao trong nhiều năm đã gián tiếp làm giảm động lực tăng của thị trường chung.

Xét về định giá, P/E bình quân của thị trường hiện ở mức 16,22 lần, gần với vùng đỉnh 1 năm trước là 16,5 lần.

Hiện chưa có cảnh báo về nguy cơ thị trường giảm sâu nên 2 kịch bản có khả năng sẽ xảy ra là chỉ số tiếp tục tăng điểm hoặc chững lại một thời gian nhằm tạo đà cho đợt tăng mới. Kỳ vọng, “quá tam ba bận”, VN-Index sẽ không thất bại quá 3 lần tại mốc 1.000 điểm.

Chứng khoán phiên sáng ngày 23/11: Thị trường thăng bằng lại sau nhịp rung lắc

Mặc dù thị trường diễn biến phân hóa khá mạnh nhưng giao dịch khởi sắc ở một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index trở ...

Thị trường chứng khoán ngày 23/11/2020: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Một Phó Tổng Giám đốc Hapaco mua hụt 2 triệu cổ phiếu HAP

Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hapaco (HOSE: HAP) - Vũ Xuân Thịnh vừa báo cáo mua bất thành 2 triệu cổ phiếu trong ...

Yến Thanh