Sẽ không có đợt nới room tín dụng dịp cuối năm?

Cập nhật: 10:32 | 02/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong bối cảnh các kênh dẫn vốn đều bị ngưng trệ, doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng khát vốn, nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kỳ vọng về đợt nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) lần nữa vào cuối năm nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để vực dậy thị trường trái phiếu

Cổ phiếu BID, VCB, CTG bị bán mạnh, thanh khoản toàn ngành ngân hàng bật tăng gấp đôi

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2022, rất nhiều đơn vị đang mong ngóng nhà điều hành xem xét nới thêm room tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn tại nhiều doanh nghiệp đang bị tắc nghẽn trầm trọng, có thể ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm nay cũng như cho giai đoạn tới, làm chậm lại đà phục hồi đang diễn biến khá thuận lợi trong thời gian gần đây.

nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kỳ vọng nới room tín dụng
Nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kỳ vọng nới room tín dụng

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có hai đợt nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Đợt nới room đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 9, với khoảng 18 ngân hàng thương mại được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 10, các ngân hàng VPBank, HDBank, MBBank và Vietcombank được thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, do đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế đến ngày 25/10 đã tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, tương ứng với mức tăng tuyệt đối hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, dư địa để nới thêm tăng trưởng tín dụng vẫn còn 2,5%, tương đương với số dư nợ có thể tăng thêm hơn 261.000 tỷ đồng. Con số này dù ít hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ hai tháng cuối năm của những năm trước, nhưng điều này cũng không có gì lạ khi đặc thù năm nay tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm.

Mới nhất, TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2% để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bất động sản.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đề nghị NHNN và Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Về khả năng NHNN nới thêm room tín dụng, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thời điểm này việc nới room không còn nhiều ý nghĩa.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh con số tăng trưởng tín dụng 14% năm nay là hợp lý, có thể xem xét mức tương đương trong năm 2023. Ông lý giải, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. NHNN phải cân đối các yếu tố trên, nên việc thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp. Trong dài hạn, khi hệ thống ngân hàng và các công cụ tiền tệ tốt hơn, biện pháp áp trần tín dụng có thể xem xét bỏ.

Sẽ không có đợt nới room tín dụng dịp cuối năm?

Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với nền tảng vĩ mô hiện nay việc nới thêm room tín dụng sẽ tương đối khó xảy ra, trừ khi lạm phát vẫn được giữ ở mức thấp, và NHNN có đủ nguồn dự trữ ngoại hối và công cụ để ổn định tỷ giá.

“Mục tiêu kiểm soát cung tiền, bảo vệ giá trị đồng nội tệ, đảm bảo ổn định tỷ giá, qua đó hạn chế các tác động từ lạm phát toàn cầu sẽ giới hạn khả năng nới trần tín dụng.”, TS. Trần Toàn Thắng nhận định.

Ông cho rằng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam là rất lớn, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn. Việc để đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước. Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ sẽ nghiêng theo giữ ổn định tỷ giá.

Ngoài ra, khi Fed tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để đảm bảo tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn. Việt Nam không thể cùng lúc ổn định lãi suất, tỷ giá và gia tăng tín dụng.

Vào hồi tháng 9, ở phiên thảo luận tổng thể thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NHNN đã nhấn mạnh rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay bởi vì nới thêm sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống và mặt bằng lãi suất cũng tăng.

Phó Thống đốc cũng thông tin rằng, hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức cao, khoảng 100% - nghĩa là đã dùng hết vốn huy động để cho vay. Nếu như nâng cao mức tăng trưởng tín dụng thêm vài phần trăm thì nguy cơ rất lớn sẽ có ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất cũng lập tức sẽ dâng lên.

Còn dưới góc nhìn của nhóm phân tích CTCK Chứng khoán SSI (SSI Research), NHNN sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng, nhằm có thể kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, đến từ một số yếu tố.

Thứ nhất, theo thông tin từ NHNN, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là 13% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các NHTM cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.

Thứ hai, hạn mức được phân bổ với tỷ lệ về các NHTM như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn dành cho NHNN. Cụ thể, nếu tỷ trọng nghiêng nhiều về các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì thông thường đây sẽ là những ngân hàng thận trọng và không gặp nhiều vấn đề cho thanh khoản thắt chặt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra.

Ngoài ra, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.

Hoàng Hà