SCIC muốn thoái vốn tại nhóm nhiệt điện than

Cập nhật: 10:20 | 29/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn năm 2022 với 101 đơn vị, trong đó có những doanh nghiệp thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán như: Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCom: QTP), Nhiệt điện Hải Phòng (HNX: HTP), Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC), Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP), Nhựa Việt Nam (UpCom: VNP), Tổng công ty Licogi (UpCom: LIC)...

SCIC muốn thoái vốn tại nhóm nhiệt điện than
SCIC muốn thoái vốn tại nhóm nhiệt điện than. Hình minh họa

Danh sách thoái vốn năm 2022 của SCIC thiếu vắng nhiều “ông lớn”

Trong danh sách thoái vốn năm 2022 không có tên hàng loạt các doanh nghiệp lớn như Nhựa Tiền Phong (NTP), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP FPT (FPT), Sabeco (SAB), Vinatex (VGT).

Trong số những doanh nghiệp trên, Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong từng được Bộ Tài chính đề nghị SCIC tập trung thoái vốn vào cuối năm 2021.

Trước đó, tại báo cáo về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tình hình thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước 8 tháng năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) thuộc Bộ Tài chính cho biết đã xây dựng kế hoạch thoái vốn tại 6 doanh nghiệp trong năm 2022 gồm: Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.

Việc thoái vốn tại 6 doanh nghiệp sẽ giúp ngân sách thu về tối thiểu 30.000-40.000 tỉ đồng trong năm 2022. Nhưng nếu thương vụ thoái vốn tại Sabeco không thể diễn ra, ngân sách chỉ có thể thu về tối thiểu 10.000 tỉ đồng.

Về danh sách thoái vốn 2022, SCIC đã bán vốn thành công tại 17 đơn vị. Có một vài trường hợp đáng lưu ý như: Bán 28% vốn Công ty Xuất nhập khẩu An Giang và 49% vốn Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEJ), Khoáng sản Tuyên Quang.

Mới đây, SCIC tiếp tục triển khai thoái vốn tại Địa ốc Vĩnh Long, Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Tổng công ty Thăng Long, Vật liệu xây dựng Bến Tre. Trong đó, phiên đấu giá cổ phiếu Tổng công ty Thăng Long không thể xảy ra do không có nhà đầu tư quan tâm.

SCIC sẽ khởi động lại việc thoái vốn nhóm nhiệt điện than

Trong 3 doanh nghiệp nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Các doanh nghiệp này vốn nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC các năm trước ngoại trừ năm 2021 và cũng từng triển khai bán đấu giá nhưng không thành công.

Hình minh họa
SCIC sẽ khởi động lại việc thoái vốn nhóm nhiệt điện than. Hình minh họa

Về Nhiệt điện Hải Phòng, SCIC từng đăng ký bán 45 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn vào năm 2017 nhưng không bán được cổ phiếu nào, đến năm 2020 tiếp tục tổ chức bán đấu giá trên HNX nhưng hủy bỏ vì không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Tương tự, cuối năm 2019, SCIC công bố triển khai bán 11,4% vốn (51,4 triệu cổ phiếu) Nhiệt điện Quảng Ninh qua đấu giá tại HNX nhưng bị hủy bỏ vì không có nhà đầu tư đăng ký mua.

Việc đưa 3 doanh nghiệp nhiệt điện than trở lại danh sách thoái vốn năm nay cho thấy tổng công ty sẽ khởi động lại việc thoái vốn nhóm nhiệt điện than. Không chỉ SCIC mà REE Corporation (HoSE: REE) cũng không giấu kế hoạch thoái vốn khỏi lĩnh vực này để tập trung cho định hướng năng lượng sạch.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 vào cuối tháng 3, ông Huỳnh Thanh Hải, Tổng giám đốc REE cho biết, vì định hướng đầu tư năng lượng tái tạo, tập đoàn có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiệt điện và đã có lộ trình bán vốn Nhiệt điện Phả Lại.

Năm 2021, REE đã thoái vốn khỏi Nhiệt điện Quảng Ninh, tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,04% xuống 0,98%. Danh mục đầu tư lĩnh vực nhiệt điện than còn Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) với tỷ lệ sở hữu 29,5% và Nhiệt điện Phả Lại với tỷ lệ sở hữu 24,1%.

Tương lai "u ám" của điện than

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE, những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vào cuối năm nay đã thể hiện quyết tâm của quốc gia về tăng trưởng kinh tế bền vững - gắn sự phát triển kinh tế - xã hội với các công nghệ và sáng kiến xanh, trong nỗ lực chung với hơn 150 quốc gia nhằm giữ mức nóng lên toàn cầu không quá 1,5 độ C theo Hiệp ước Khí hậu Glasgow. Theo đó, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 2021-2030 (Quy hoạch Điện VIII) tầm nhìn đến 2045 đang trong quá trình lập dự thảo trình Chính phủ xem xét cũng ưu tiên phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Ông Đinh Quốc Lâm, Chủ tịch EVNGENCO 3 (HoSE: PGV) cho rằng, với bản chất điện mặt trời, điện gió phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên thì điện khí và điện than vẫn có vai trò quan trọng trong hệ thống điện. Song, việc Việt Nam triển khai thực hiện cam kết COP26 sẽ khiến huy động điện than giảm dần trong tương lai, còn điện khí chuyển hướng sử dụng các loại khí hydrogen trộn khí giúp tỷ lệ giảm phát thải CO2 giảm xuống.

Trong cơ cấu hệ thống điện của công ty mẹ EVNGENCO 3, điện khí chiếm 45%, điện than chiếm 43% và thủy điện chiến 11% tổng sản lượng. Do vậy, tổng công ty có kế hoạch đầu tư các nguồn điện mới như tuabin khí chu trình hỗn hợp sử dụng LNG, thủy điện, điện gió trên bờ/ngoài khơi… trong giai đoạn 2022-2025 với quy mô khoảng 2.500 MW.

Báo cáo của EVN, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng điện huy động từ nhiệt điện than đạt 48,12 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 44,2%; thủy điện 30,5 tỷ kWh, chiếm 28%; tuabin khí 12,97 tỷ kWh, chiếm gần 12% và năng lượng tái tạo 16,18 tỷ kWh, chiếm 14,8%.

Nhìn chung, nhiệt điện than vẫn đang đóng góp tỷ trọng huy động điện lớn nhất nhưng giảm dần từ trên 50% năm 2020 xuống 46% năm 2021. Trong khi, năng lượng tái tạo tăng tỷ trọng huy động từ 4,3% lên 11,5%.

Giá than tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp

Bên cạnh xu hướng giảm dần huy động để bảo vệ môi trường thì nhiệt điện than hơn 1 năm nay còn bị ảnh hưởng bởi giá than tăng cao và khan hiếm, nguồn cung trong nước từ Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc không đáp ứng đủ nhu cầu, các nhà máy phải nhập khẩu với giá cao.

Theo Trading Economics, trong 5 tháng đầu năm 2022, giá than thế giới tăng 171%, từ 157,5 USD/tấn lên 427 USD/tấn và đang duy trì ở vùng đỉnh lịch sử. Nguyên nhân chính dẫn tới giá than tiếp tục tăng vọt, dù trong năm 2021 đã có mức tăng hơn 2 lần, là do xung đột Nga - Ukraine khiến thế giới lo lắng về một cuộc khủng hoảng năng lượng trên diện rộng.

Trong khi đó, kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng từ than, dù tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Grasgow tháng 11/2021, ít nhất 23 quốc gia đã cam kết loại bỏ dần điện than.

SCIC muốn thoái vốn tại nhóm nhiệt điện than

Diễn biến giá than thế giới trong 1 năm qua (Đơn vị: USD/tấn). Nguồn: Trading Economics

Với diễn biến hiện tại, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg dự báo, than có thể duy trì ở mặt bằng giá cao trong thời gian tới, nhất là khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.

Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than tại Việt Nam có đặc điểm chung là chi phí sản xuất chủ yếu đến từ chi phí nguyên liệu và chi phí khấu hao. Chi phí than chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 90% trong cơ cấu chi phí nguyên liệu, vì vậy giá nguyên liệu tăng khiến các nhà máy nhiệt điện trở nên kém cạnh tranh so với các nguồn điện khác.

Được biết, nhiều năm về trước, giá than trong nước bán cho các nhà máy điện được trợ giá, khiến giá than thấp hơn so với giá than quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế trợ giá này đã bị cắt giảm trong những năm gần đây nên giá than trong nước có xu hướng tiệm cận với giá than quốc tế. Ngoài ra, sản lượng than trong nước không đủ cung cấp cho tất cả các nhà máy điện nên nhiều nhà máy phải sử dụng than nhập khẩu hoặc than hỗn hợp.

Ngoài giá than tăng cao, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than còn gặp khó khăn khi các tổ chức quốc tế không hỗ trợ vay vốn để phát triển dự án nhiệt điện than do lo ngại ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các ngân hàng đầu tư lớn tại châu Âu, Nhật Bản… đi đầu trong xu hướng hạn chế cấp vốn tài trợ dự án nhiệt điện than để hướng tới phát triển năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Xu hướng này ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện mới.

Bối cảnh này cũng khiến cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhiệt điện than giảm dần thời gian qua. Trong năm 2021, lợi nhuận Nhiệt điện Phả Lại giảm 79% so với 2020, Nhiệt điện Hải Phòng giảm 69%, Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 56%...Quý I/2022, trong khi lợi nhuận Phả Lại tiếp tục giảm 42% so với cùng kỳ năm trước thì Hải Phòng và Quảng Ninh tăng trưởng trở lại.

Rủi ro lỗ tỷ giá đối với dư nợ bằng USD

Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đã trả hết nợ vay bằng ngoại tệ nên không chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên dư nợ vay. Nhưng các doanh nghiệp nhiệt điện mới vận hành nhà máy như HND và QTP có dư nợ vay lớn, đặc biệt bằng USD, nên USD mạnh lên đang là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Tính tới 31/3/2022, HND có 1.959,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 21,1% tổng nguồn vốn. Công ty không thuyết minh chi tiết gốc ngoại tệ. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2021, HND có 1.957,3 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, 1.895,4 tỷ đồng vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc bằng USD, đáo hạn năm 2024; 61,99 tỷ đồng vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản bằng JPY.

Tại QTP, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tính đến 31/3/2022 là 2.158,3 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng nguồn vốn. Công ty không thuyết minh chi tiết gốc khoản vay. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2021, QTP có 2.154,5 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, Công ty vay 1.499,4 tỷ đồng bằng USD, chiếm 69,6% tổng dư nợ, đây là khoản nhận nợ lại khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Như vậy, cả HND và QTP đang có nợ vay chủ yếu bằng USD và ở giai đoạn đầu thanh toán gốc, lãi vay.

Thực tế, chỉ số USD (Dollar Index) liên tục tăng từ tháng 5/2021 đến nay. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, Dollar Index tăng 6,3%, từ 96 điểm lên 102,02 điểm. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch nâng lãi suất từ mức 0,75 - 1%/năm hiện tại lên 2,5 - 2,75%/năm vào cuối năm nay, USD có khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác.

Về tỷ giá USD/VND, theo Investing, trong 5 tháng đầu năm 2022, mức tăng là 1,6%, chủ yếu diễn ra trong 2 tháng gần đây. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với áp lực nợ vay, lãi vay ngày một lớn đối với các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ mà không có thu nhập ngoại tệ đối ứng như nhóm nhiệt điện than.

Nhìn chung, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than đang chịu hai sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và rủi ro ghi nhận lỗ tỷ giá đối với dư nợ bằng USD trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Tổ chức trong nước bán ròng gần nghìn tỷ phiên 28/6, cá nhân chuyển hướng gom vào

Phiên hôm qua 28/6, tổ chức trong nước bán ròng với giá trị đột biến lên tới 979,5 tỷ đồng. Top bán ròng có FPT, ...

Tin tức chứng khoán 9h00' hôm nay 29/6/2022: DBD, SRA, DP1, G36, OCB

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán mới ...

Chứng khoán phiên sáng 29/6: VN-Index mở cửa rơi theo chứng khoán Mỹ

Pha giảm điểm mạnh của chứng khoán Mỹ đêm qua có vẻ đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường Việt Nam trong sáng nay. ...

Quỳnh Nga

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm