SCIC 'miệt mài' triệt thoái vốn khỏi Viwaseen

Cập nhật: 16:52 | 08/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Cách đây không lâu, phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 23/9/2022 của SCIC cũng đã phải hủy bỏ, do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần Viwaseen.

SCIC 'miệt mài' triệt thoái vốn khỏi Viwaseen
Viwaseen sở hữu quỹ đất lớn ở trung tâm TP. Hà Nội.

Mặc dù đã kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen, UPCoM: VIW), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) không nhận được đơn đăng ký mua từ nhà đầu tư nào.

Do đó, phiên đấu giá cổ phiếu VIW đã không đủ điều kiện để tổ chức.

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 11/11 tới, SCIC sẽ tiến hành đấu giá trọn lô gần 56,95 triệu cổ phần đang sở hữu tại Viwaseen, tương đương 98% vốn điều lệ. Giá khởi điểm SCIC đưa ra gần 1.349 tỷ đồng (tương đương 23.683 đồng/cổ phần), cao hơn 40% so với thị giá hiện tại.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên SCIC tổ chức bán vốn tại Viwaseen. Trước đó, phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 23/9/2022 cũng đã phải hủy bỏ, do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Nhiều người cho rằng, mức giá khởi điểm quá cao là nguyên nhân khiến lô cổ phần Viwaseen không có sức hấp dẫn. Về giá trị nội tại, Viwaseen là doanh nghiệp có bề dày truyền thống, ra đời từ năm 1975, đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, loại hình hoạt động.

Tuy nhiên, các năm trở lại đây (2018-2021), tình hình kinh doanh của Viwaseen không thực sự hiệu quả, doanh thu có xu hướng sụt giảm, và lợi nhuận biến động khá mạnh theo đồ thị hình sin.

Sang năm 2022, giai đoạn SCIC quyết liệt bán vốn Viwaseen, kết quả kinh doanh mới có sự khởi sắc đáng khích lệ. Theo đó, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu của Viwaseen đạt 703 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 6,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ đồng.

Tuy vậy, với kế hoạch doanh thu 1.445 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng, Viwaseen sẽ phải rất nỗ lực trong quý cuối năm để có thể "cán đích".

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Viwaseen đạt 2.219 tỷ đồng, gần như không đổi so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ 160 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; 640 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho và 729 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn...

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Viwaseen thời điểm cuối quý III là 1.488 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay là 512 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (328 tỷ đồng). Cùng lúc này, doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 22 tỷ đồng.

Trong bản công bố thông tin của đợt đấu giá, bên cạnh các căn cứ pháp lý là các nghị định của Chính phủ, SCIC nêu thêm một căn cứ để định giá cao cho lô cổ phần nói trên là chứng thư thẩm định giá tại thời điểm 30/6/2021 do Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC phát hành ngày 25/5/2022.

Mặc dù không được xem là một căn cứ để định giá, nhưng phía Viwaseen và đơn vị tư vấn cho đợt chào bán cổ phần là CTCK MB cho rằng, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Viwaseen có tiềm năng và cơ hội phát triển tốt trong tương lai.

Cụ thể, nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên, các dự án bất động sản đô thị, nghỉ dưỡng xuất hiện ngày càng nhiều dẫn tới nhu cầu đầu tư hệ thống cấp thoát nước kèm theo. Bên cạnh đó, giá bán trung bình nước sạch sẽ tăng 3 - 5% tùy thuộc mỗi địa phương.

Tuy nhiên, giới đầu tư đồn đoán, sức hấp dẫn của Viwaseen đến từ quỹ đất rộng lớn, có vị trí đắc địa trung tâm TP. Hà Nội. Đơn cử, khu đất 52 - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) có diện tích 1.282 m2 đang làm trụ sở, văn phòng của Viwaseen, nhưng đã có dự án xây dựng tòa nhà văn phòng mới, đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư...

Thanh Phong

Tin cũ hơn
Xem thêm