300 tỷ đồng trái phiếu mới phát hành được 1 năm

CTCP Tập đoàn GELEX (Mã: GEX) vừa công bố thông tin hoàn tất mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào ngày 19/5/2022.

Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 19/5/2021, có lãi suất cố định là 8,5%/năm, kỳ hạn 3 năm và thời gian đáo hạn là ngày 19/5/2022. Giá mua lại mỗi trái phiếu bằng mệnh giá trái phiếu (100 triệu đồng/trái phiếu) cộng với tiền lãi trái phiếu tính theo số ngày thực tế.

1029-nguyen-van-tuan
GELEX (GEX) của ông Nguyễn Văn Tuấn mua lại trước hạn 300 tỷ đồng trái phiếu

Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phần GEX tại Tập đoàn GELEX và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL tại CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Tổng giá trị tài sản bảo đảm được xác định khi phát hành là 460 tỷ đồng. Định kỳ ba tháng một lần, tài sản bảo đảm được định giá lại.

Tính tới thời điểm 31/3/2022, tổng nợ vay tài chính của GELEX ở mức 22.775 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, trong đó 65,8% là nợ dài hạn. Dư nợ trái phiếu xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, nợ ngân hàng 15.657 tỷ đồng và vay bên khác 131 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, quý I vừa qua, GELEX đạt 8.645 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 684 tỷ đồng.

Mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm nay của GELEX là 36.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 2.618 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, doanh nghiệp đạt 24% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận cả năm với 901 tỷ đồng lãi trước thuế.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu GEX dừng tại mức giá 21.700 đồng/cp, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu năm.

Doanh nghiệp đua nhau tất toán sớm trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, trong quý đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 138.809 tỷ đồng, chủ yếu phát hành trong tháng 1, trước thời điểm Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực. Còn trong tháng 2 và tháng 3, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm dần.

Cũng trong quý I/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là hai nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%.

Đến tháng 4, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm mạnh, chỉ đạt mức khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm sâu 33% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành chiếm 63,4% còn trái phiếu của nhóm bất động sản đảo chiều sụt giảm, chỉ chiếm tỷ trọng 11,6%.

1051-tan-hoang-minh
Các lô trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ do thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành

Đáng chú ý, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn. Nếu như cả quý I/2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỷ đồng thì tính đến cuối tháng 4, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I/2022.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn đã tiến hành mua lại trái phiếu trong tháng vừa qua. Đáng kể như An Phát Finance tất toán sớm toàn bộ các trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng vào ngày 25/4. Đây là 7 lô trái phiếu có kỳ hạn có thời điểm đáo hạn sớm nhất từ tháng 8 và trễ nhất là tháng 10/2024.

Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Chứng khoán MB mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10.

Ngân hàng TPBank cũng tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Ngân hàng MSB mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Đồng thời, sau Chỉ thị số 01/CT-BTC của Bộ Tài chính cuối tháng 4, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới.

Tính cho 2 tuần đầu tháng 5, khối lượng phát hành trái phiếu tiếp tục giảm, chỉ đạt 5.200 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.