Quý III thành công của doanh nghiệp ngành thép: Nam Kim lãi gấp 13 lần cùng kỳ

Cập nhật: 11:06 | 06/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Năm 2020 là năm khá đặc biệt khi hầu hết các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19. Ngành thép cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất khi hàng loạt dự án bị đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động. Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sút mạnh so với cùng kỳ vẫn có những gương mặt kịp thời báo lãi tăng mạnh nhờ khả năng thích ứng linh hoạt...

0337-thepp
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo báo cáo ngành thép mới nhất từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các mảng tôn mạ và ống thép đã ghi nhận tăng trưởng về sản lượng bán hàng trong 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước trong khi các mảng thép còn lại tăng trưởng âm.

Chi tiết, tiêu thụ thép xây dựng giảm 2,5% do mức tăng trưởng chậm hơn của ngành xây dựng. Các hoạt động xây dựng chững lại trong giai đoạn dịch bùng phát đã khiến tăng trưởng của ngành xây dựng đã giảm từ 8,3% trong 9 tháng đầu năm 2019 về 5%. Ngược lại, sản lượng bán hàng của mảng tôn mạ đã tăng 4,6% nhờ sản lượng xuất khẩu tăng mạnh 11,2%. Tiêu thụ ống thép cũng tăng trưởng nhẹ 2,4% nhờ nhu cầu từ thị trường nội địa.

Tiêu thụ thép trong quý III/2020 đã phục hồi mạnh trong cả 3 mảng thép chính, bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép. Tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã được đẩy mạnh trong quý. Điều này đã ảnh hưởng tích cực lên nhu cầu thép xây dựng.

Ngành thép phục hồi mạnh trong quý 3 với giá trị xuất khẩu tăng hơn 65%, doanh nghiệp đồng loạt báo lãi lớn - Ảnh 1.

Tiêu thụ thép trong 9 tháng đầu năm 2020

Trong mảng tôn mạ, sản lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy tổng tiêu thụ sản phẩm này. Các nhà sản xuất Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 530 nghìn tấn trong quý III, tăng 75,6% so với quý liền trước và 65,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, tiêu thụ tôn mạ đã tăng mạnh 15,2%, từ 952 nghìn tấn trong quý III/2019 lên 1.100 nghìn tấn trong quý III/2020 trong đó EVFTA và CPTPP đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn.

Với mảng ống thép, sản lượng bán hàng đã tăng đáng kể 11% so với quý liền trước và 24% so với trong quý III/2019. Nhu cầu tốt từ các hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp đã hỗ trợ tiêu thụ ống thép.

Ngành thép phục hồi mạnh trong quý 3 với giá trị xuất khẩu tăng hơn 65%, doanh nghiệp đồng loạt báo lãi lớn - Ảnh 2.

Xuất khẩu thép trong 9 tháng đầu năm 2020

Không có doanh nghiệp báo lỗ

Về kết quả kinh doanh quý III/2020, ngoại trừ Dana Ý (DNY) chưa công bố báo cáo tài chính quý III, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép trên sàn đều không ghi nhận lỗ trong quý dù vẫn tồn tại những doanh nghiệp vừa vặn thoát lỗ như Tisco (TIS) - lãi sau thuế vài trăm triệu đồng hay Phương Anh (PAS) – một cái tên mới trên sàn với khoản lãi sau thuế xấp xỉ 2 tỷ đồng trong quý III.

Nhìn lại quý III năm ngoái, có không ít doanh nghiệp lỗ lớn, điển hình như Pomina (POM) lỗ 119 tỷ đồng; Thép Việt Ý (VIS) lỗ hơn 75 tỷ đồng; Thép Tiến Lên (TLH) lỗ hơn 8 tỷ đồng; Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) lỗ hơn 3 tỷ đồng hay Thép Dana Ý lỗ gần 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong quý III năm nay, rất nhiều doanh nghiệp ngành thép ghi nhận kết quả kinh doanh quý tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó khá bất ngờ khi Thép Nam Kim (NKG) chiếm vị trí quán quân.

Cụ thể trong quý III/2020, Thép Nam Kim báo lãi sau thuế 82,6 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó doanh thu chỉ tăng trưởng 10% lên mức 3.376 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận tăng trưởng mạnh là do chi phí giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng.

Kết quả khả quan quý III cũng giúp Thép Nam Kim ghi nhận lãi sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 141 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2019.

Cùng với NKG, những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý III vừa qua phải kể đến Thép Hòa Phát (HPG), Hoa Sen Group (HSG), SMC và ống thép Việt Đức VG Pipe (VGS). Tuy nhiên cả Hòa Phát và Hoa Sen đều là những doanh nghiệp đa ngành nghề. Đối với Hoa Sen Group, giai đoạn từ 1/7 - 30/9 vừa qua cũng là quý II trong năm tài chính của công ty.

Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình từ lỗ quý III năm ngoái sang lãi cùng kỳ năm nay. Trong số đó, Pomina là cái tên đáng nhắc đến nhất. Sau 6 quý thua lỗ triền miên Pomina đã có lãi trở lại với số lãi sau thuế 16 tỷ đồng.

Pomina cho biết, công ty đang triển khai dự án lò cao, dự kiến quý IV/2020 sẽ đi vào hoạt động nên hiện nay chi phí lãi vay tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Trước đó 2 quý đầu năm, Pomina đã liên tục báo lỗ nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Pomina đạt 7.275 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm 20,5% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 128 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 251 tỷ đồng.

Thép Tiến Lên (TLH) cũng báo lãi gần 12,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 9 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, do chi phí giá vốn được tiết giảm so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp khác là Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận số lãi sau thuế quý III/2020 gần 27 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 75 tỷ đồng. Tương tự, Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) lãi sau thuế quý gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Trong khi đó, những doanh nghiệp có lợi nhuận quý giảm sút so với cùng kỳ có thể kể đến như Tổng Công ty Thép Việt Nam VnSteel (TVN) với số lãi 27 tỷ đồng, bằng 1/3 lợi nhuận đạt được quý III năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận giảm sút của VnSteel phần lớn đến từ kết quả kinh doanh sụt giảm. Cụ thể, doanh thu cả quý III của công ty đạt 7.458 tỷ đồng, giảm hơn 44%. Trong khi đó, các công ty liên doanh liên kết của TVN mang về số lỗ 61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi đến 85 tỷ đồng.

Nếu so sánh kết quả kinh doanh quý III/2020 so với 2 quý đầu năm, Hòa Phát, Hoa Sen Group, SMC và VGS đều có sự tăng trưởng đều đặn theo từng quý kể từ đầu năm.

Theo quan điểm SSI Research, ngành thép sẽ thay đổi cấu trúc ngành sau COVID-19, việc hợp nhất có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty dẫn đầu thị trường. Ngoài ta, các công ty có xu hướng đa dạng hóa hơn cơ sở thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.

Về triển vọng 6 tháng cuối năm 2020, ước tính nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4 - 5% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép).

Ngoài ra, SSI Research cũng cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc khi trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Bước sang năm 2021, ước tính nhu cầu sẽ tăng khoảng khoảng 3 - 5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020 nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và và dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo Hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021. Điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất của Việt Nam.

Nhóm Large Cap tăng cầm chừng, VN-Index chưa thể bứt lên

Mở cửa phiên giao dịch ngày 6/11, các chỉ số đồng loạt tăng giá song mức tăng không quá mạnh...

Tin tức doanh nghiệp niêm yết mới nhất ngày 6/11/2020

VCG đã thông qua kế hoạch mua lại tối đa 44,17 triệu cổ phiếu quỹ; Nam Việt dự kiến chi trả cổ tức đợt 2 ...

Vinaconex (VCG) lên kế hoạch mua hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX - Mã chứng khoán: VCG) thông qua kế hoạch mua cổ ...

Quân Vương

Tin cũ hơn
Xem thêm