Quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, app đỏ ở nhà"

Cập nhật: 14:13 | 24/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19, tại văn bản số 6837/VPCP-KGVX ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".

Trước đó, ngày 13/9 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 242/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo Thông báo số 242/TB-VPCP, trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.

Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trước mắt, chỉ đạo kết nối, liên thông ngay các cơ sở dữ liệu phát sinh từ các ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng (hiện do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý) và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý để phục vụ phòng, chống dịch.

Đồng thời, chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống COVID - PcCOVID).

0724-quy-dinh-ve-app-di-duong
Quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".

Bộ Y tế chỉ đạo toàn hệ thống y tế thực hiện cập nhật, kết nối thông tin cần thiết cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19… Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu về Bảo hiểm Y tế.

Bộ Công an, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ các thông tin cần thiết cho công tác phòng chống dịch trong cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới (PcCovid).

Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 736.972 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.489 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 732.492 ca, trong đó có 500.680 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hiện có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn. Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (362.493), Bình Dương (193.235), Đồng Nai (43.925), Long An (31.425), Tiền Giang (13.643).

Nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, TPHCM đã đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân nhằm tăng cường sự bảo vệ chống lại dịch bệnh. Đồng thời căn cứ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1, Thành phố sẽ cho phép người tiêm mũi 1 bằng loại vắc xin AstraZeneca, sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer sau thời gian tối thiểu là 06 tuần.

Tại Hà Nội, sáng ngày 24/9, 85 công dân ngõ 328-330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội) đã được đón trở về sau thời gian cách ly tập trung hơn 20 ngày. Các chuyến xe buýt đưa gần các công dân từ khu cách ly tại huyện Thạch Thất trở về trung tâm TP. Hà Nội. Đây là những người hết cách ly, được xét nghiệm đủ 3 lần âm tính và chủ động được về nơi ở đã đăng ký.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Liên Thành

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm