Phiên giao dịch ngày 28/7/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 27/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 28/7/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu VCB

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE - Mã: VCB) công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý II đạt 5,9 nghìn tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước do thu nhập lãi ròng và thu nhập ngoài lãi tăng, trong khi dự phòng giảm so với cùng kỳ.

 FSC duy trì khuyến nghị MUA đối với VCB.
FSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCB. Hình minh họa.

Trong nửa đầu năm 2022, PATMI đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hoàn thành 49% dự báo năm 2022 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Quan điểm chiến lược thận trọng của VCB được thể hiện thông qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành. Tỷ lệ LLR cao hàm ý rằng Ngân hàng có thể giảm/hoàn nhập dự phòng trong tương lai, giúp thúc đẩy lợi nhuận vào nửa cuối năm 2022 và những năm tới. Chất lượng tài sản vẫn ổn định. Tỷ lệ nợ xấu giảm, trong khi đó tỷ lệ LLR tăng.

Theo đó, FSC duy trì khuyến nghị MUA đối với VCB. VCB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E là 2,5x, cao hơn so với trung vị ngành là 1,3x. FSC vẫn xem VCB là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam, và FSC cho rằng, VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành.

Công ty chứng khoán FPT - FTS

Cân nhắc vị thế mua cổ phiếu VCI

Điểm nhấn kỹ thuật:

Ghi nhận tín hiệu tạo đáy nhờ lực cầu giá thấp, VCI (CTCP Chứng khoán Bản Việt – Sàn HOSE) mở ra khả năng đảo chiều xu hướng giảm trung hạn. Trên EOD, mô hình Double bottoms được để ngỏ sau 02 tháng biến động.

Đường giá phủ nhận kháng cự động EMA 60 phiên, RSI bứt phá kháng cự 55 kèm MACD nới rộng biên độ dương là bộ tín hiệu kích hoạt kỳ vọng cổ phiếu có thể hoàn thiện mô hình. Mục tiêu cho đà phục hồi ngắn hạn được xác định tại mức 48.000 đồng/cp, tương ứng mức Fibonacci retracement 38,2%.

Phân tích:

Theo quan sát, đường bình quân khối lượng 20 phiên của nhóm ngành chứng khoán vẫn đang duy trì đà tăng mở rộng từ trung tuần tháng 5/2022 đến nay.

Trong bối cảnh dòng tiền ngắn hạn vận động mạnh mẽ, tín hiệu cải thiện xu hướng và xung lực của VCI sau phiên giao dịch 20/7 được kỳ vọng giúp cổ phiếu thu hút dòng tiền và hoàn thiện mô hình đảo chiều dạng đáy kép sau 2 tháng biến động gần nhất. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc vị thế mua đối với cổ phiếu VCI cho tầm nhìn ngắn hạn.

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE - Mã: PVT) tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí, là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PVT được thành lập năm 2002 và sớm trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển của Việt Nam và có uy tín trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, công ty đang vận hành đội tàu khoảng 37 tàu với trọng tải hơn 1 triệu DWT để vận chuyển xăng dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và đặc biệt là dầu thô. PVT được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM ngày 27/11/2007.

Năm 2022, PHS kỳ vọng doanh thu của PVT sẽ đạt 9.200 tỷ đồng (tăng 24% so với năm trước) khi nhu cầu vận chuyển dầu thô, xăng dầu và hóa chất tiếp tục đà tăng theo sự phục hồi nhanh chóng của mức tiêu thụ các sản phẩm trên và sự hỗn loạn của ngành vận tải hàng hải trên toàn cầu giữa lúc căng thẳng ở Đông Âu hiện nay ngày càng nghiêm trọng.

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của PVT có thể đạt 1.000 tỷ đồng (tăng 19% cùng kỳ). Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động sẽ giảm do giá nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong năm. Do đó, PHS ước tính biên lợi nhuận mảng vận tải sẽ giảm 2 điểm phần trăm cùng kỳ xuống 15% vào năm 2022.

PHS cho rằng, yếu tố có lợi cho PVT bao gồm cước phí vận tải dầu tăng vọt trên toàn cầu trong bối cảnh xung đột vũ trang kéo dài ở Đông Âu và sự gia tăng của phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh cùng với tình trạng thiếu tàu do sự thay đổi trật tự các dòng chảy dầu và khí đốt của Nga (châu Âu sang châu Á). Tình hình này, theo PHS sẽ còn leo thang trong những tháng tới khi cái lạnh của mùa đông kéo đến các quốc gia phương Tây.

Bên cạnh đó, cước phí cao sẽ củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của PVT trên các tuyến vận tải quốc tế. PVT đang nhanh chóng mở rộng đội tàu để không chỉ nắm bắt được sự gia tăng mạnh nhu cầu quốc tế mà còn cả trong nước. Với vị thế dẫn đầu thị trường nội địa, công ty được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ nhiều dự án dầu khí quan trọng sắp đi vào hoạt động, đặc biệt là LNG Thị Vải vào năm 2022 và nhà máy lọc dầu Long Sơn năm 2023.

PVT cũng thực hiện kế hoạch trẻ hóa đội tàu đầy tham vọng, nhằm nâng cao biên lợi nhuận hoạt động và đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của công ty trong dài hạn. Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 32.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 68% giá thị trường hiện nay. Từ đó, PHS khuyến nghị mua cho cổ phiếu PVT.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

BMP - Biên lợi nhuận tăng dẫn dắt lợi nhuận quý 2/2022 tích cực

CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE - Mã: BMP) báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022 tích cực - phù hợp với kết quả sơ bộ được công bố trong buổi gặp gỡ NĐT diễn ra ngày 21/07/2022 - với doanh thu đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+7% YoY và + 15% QoQ) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 145 tỷ đồng (+247% YoY và +14% QoQ). Sản lượng bán ống nhựa quý 2/2022 của BMP tăng 17% QoQ từ mức thấp của quý 1/2022 đạt 26.400 tấn. Tuy nhiên, sản lượng bán quý 2/2022 giảm 13% YoY do hoạt động xây dựng trong nước phục hồi chậm sau dịch COVID-19.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của BMP tăng lên 25,1%, lần đầu tiên quay trở lại mức này từ quý 3/2020. Diễn biến biên lợi nhuận tích cực này là nhờ giá nhựa đầu vào điều chỉnh từ mức cao của năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng bán của BMP là 49.000 tấn (-12% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 273 tỷ đồng (+117% YoY). VCSC lưu ý rằng lợi nhuận của BMP trong 6 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng tiêu cực do giá nhựa nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Trong buổi gặp gỡ NĐT, ban lãnh đạo BMP cho biết dự báo lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ 1) sản lượng bán hàng cải thiện và 2) chi phí nhựa đầu vào giảm do giá nhựa toàn cầu đang điều chỉnh.

Do doanh thu và lợi nhuận trước thuế sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 của BMP đạt lần lượt 51% và 56% so với dự báo cả năm tương ứng của VCSC, VCSC nhận thấy có khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo của VCSC đối với BMP đã đưa ra trong Báo cáo cập nhật gần nhất, ngày 31/05/2022, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hóa chất Đức Giang (DGC) dự kiến lợi nhuận giảm 16% trong quý III/2022

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã chứng khoán: DGC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh quý III/2022, dự kiến quý III đã ...

Chứng khoán phiên chiều 27/7: Kéo mạnh cuối phiên, VN-Index có thêm gần 6 điểm

Nhờ llực nâng đỡ chủ yếu đến từ ngành ngân hàng (VCB, CTG, LPB), bất động sản (VIC, DXG, DIG), VN-Index đóng cửa tại mức ...

Khử trùng Việt Nam (VFG) chốt quyền trả cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền tỷ lệ 10%

CTCP Khử trùng Việt Nam - VFC (HNX - Mã: VFG) – đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE - Mã: PAN) thông ...

Thiện Nhân