Phiên giao dịch ngày 24/9/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:00 | 23/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 24/9/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Nhận định chứng khoán ngày 24/9/2021: Vận động tích lũy quanh ngưỡng 1.350 điểm

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h00’ hôm nay 23/9/2021

Công ty chứng khoán MB – MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 46.900 đồng/cp

Trong 6T2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE - Mã: GVR) đạt tổng doanh thu thuần 10.544 tỷ đồng (+76,8% YoY), nhờ vào việc mảng cao su tăng trưởng mạnh gấp 2 lần cùng kỳ đạt xấp xỉ 7.700 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng sản xuất và chế biến gỗ cũng ghi nhận 1.966 tỷ đồng (+46,0% YoY). Mảng BĐS KCN ghi nhận mức tăng giảm -23,1% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 311 tỷ đồng. LN gộp đạt 3.025 tỷ đồng (+155,2% YoY), biên lợi nhuận tăng đáng kể lên mức 28,7% so với mức chỉ 20,3% so với 6T2020. Điều này đạt được nhờ vào biên lợi nhuận gộp của mảng cao su tăng mạnh lên mức 30% so với chỉ khoảng 16,4% trong nửa đầu năm 2020 đến từ giá cao su tăng cao trong nửa đầu năm 2021. Mảng BĐS KCN vẫn duy trì được vị thể mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao nhất với biên lợi nhuận đạt 68,8%, trong khi đó mảng gỗ cũng ghi nhận mức biên lợi nhuận giảm nhẹ.

GVR cũng ghi nhận hơn 200 tỷ lợi nhuận từ hoạt động của các công ty liên kết, và hơn 324 tỷ đồng lợi nhuận khác chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý cây cao su cũng như tiền đền bù (+87% so với cùng kỳ). Chi phí bán hàng và chi phí QLDN đều ghi nhận giảm đáng kể. Tỷ lệ chi phí bán hàng đạt 1,9% trong 6T2021 so với mức 2,1% cùng kỳ năm 2020, đồng thời chi phí QLDN cũng giảm từ mức 9,1% nửa năm 2020 xuống còn 8,4%. Điều này cho thấy hoạt động của GVR ngày càng hiệu quả khi dần chuyển sang các mảng kinh doanh có lợi nhuận tốt hơn.

3902-co-phieu-luu-y
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 46.900 đồng/cp. Hình minh họa

Hiện tại GVR đang quản lý tổng diện tích đất hơn 491.929 ha đất cả trong và ngoài nước, trong đó diện tích trong nước đạt hơn 342.364ha, hơn 149.564 ha tại Lào và Campuchia. Phần lớn quỹ đất đang quản lý của GVR nằm ở các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các KCN trong tương lai nhờ được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, GVR hiện đang đầu tư vào 7 công ty con quản lý các KCN với tổng diện tích quản lý lên tới hơn 6.000 ha đất KCN, mang về doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng. MBS kỳ vọng trong trung và dài hạn, GVR sẽ có kế hoạch cơ cấu chuyển mình trở thành một nhà phát triển BĐS KCN hàng đầu Việt Nam khi mà ngành cao su và các sản phẩm liền quan không mang lại tỷ suất sinh lợi tương xứng với lượng tài sản đang nắm giữ. Đây cũng là xu hướng chung của các công ty còn của GVR và đã cho thấy được hiệu quả như trường hợp của PHR.

MBS dự báo GVR sẽ tiến hành chuyển đổi toàn bộ diện tích 342.364 ha đất quản lý trong nước trong vòng 43 năm và trở thành công ty phát triển BĐS KCN lớn nhất cả nước. Diện tích đất còn lại tại Lào và Campuchia tiếp tục được sử dụng để duy trì phát triển mảng cao su.

Rủi ro đầu tư: Mảng cao su vẫn đang chiếm phần lớn giá trị tài sản với biên lợi nhuận thấp, ảnh hưởng chung tới khả năng sinh lợi của Tập đoàn; Việc chuyển đổi quỹ đất sang BĐS KCN có nhiều trở ngại đến từ việc sắp xếp, đền bù cho người nông dân cũng như chi phí chuyển đổi dự kiến sẽ tốn nhiều thời gian về thủ tục.

MBS dự phóng trong năm 2021, GVR sẽ đạt doanh thu thuần 23.239 tỷ đồng (+10% YoY), biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 23,9% so với năm 2020. LNTT đạt 5.471 tỷ đồng (-4,7% YoY) do trong năm 2020 ghi nhận khoản thu nhập tài chính bất thường từ việc thoái vốn.

MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu của GVR với giá mục tiêu 46.900 VNĐ/cp dựa trên phương pháp tổng giá trị từng phần (Sum of the parts-SOTP), trong đó mảng BĐS KCN được định giá theo phương pháp RNAV với giả định tốc độ tăng trưởng của việc chuyển đổi đất của GVR là 10%/năm cùng với giá bán tăng trưởng 5%/năm,; các mảng còn lại được định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF với tốc độ tăng trường (terminal growth rate) bằng 3%. Cả hai phương pháp đều sử dụng mức tỷ suất chiết khẩu WACC=9,5%.

Giá mục tiêu của cổ phiếu KBC nằm tại mức 57.900 đồng/cp

Trong Q2/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE - Mã: KBC) ghi nhận doanh thu ở mức gần 750 tỷ đồng, tăng 337,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 70,6 tỷ đồng, tăng 547,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm 66% về còn 59,8%. Chi phí tài chính tăng 229,9%, tương ứng tăng thêm 115,2 tỷ đồng lên 165,3 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 212,3%, tương ứng tăng thêm 91,7 tỷ đồng lên 134,9 tỷ đồng.

KBC cũng đã ra thông cáo giải trình nguyên nhân tăng đột biến khoản lợi nhuận quý 2 do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị. Như vậy, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, KBC ghi nhận tổng doanh thu đạt khoảng 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 278,4% và 647,1% so với 1H2020.

Trong năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp hoàn thành được 39,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong 1H2021, tổng tài sản của KBC tăng 16,6% so với đầu năm lên 27.732.3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho đạt 11.623 tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.635,3 tỷ đồng, chiếm 31,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.195,1 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản.

Luận điểm đầu tư:

Hưởng lợi từ xu hướng thu hút FDI của Việt Nam và chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi TQ nhờ vị thế lớn trong ngành BĐS KCN. MBS kì vọng KBC sẽ hưởng lợi từ nguồn FDI lớn vào Việt Nam và làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi TQ dựa vào kinh nghiệm hợp tác với các đối tác lớn như Samsung, LG, Heesung Electronics...

Một trong những nhà phát triển BĐS KCN lớn nhất Việt Nam. KBC đang quản lý một diện tích BĐS KCN lớn, hơn 4.713 ha, tập trung chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam với nhiều Khu công nghiệp (KCN) có lợi thế cạnh tranh thu hút được đối tác nước nước ngoài như KCN Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Tràng Duệ (Hải Phòng),… Ngoài ra cũng có những KCN lớn ở HCM như Tân Phú Trung, hiện đang là 1 trong những KCN lớn có tỷ lệ lấp đầy cao nhất khu vực miền Nam.

Những đại dự án như KCN Tràng Duệ hay KĐT Tràng Cát sẽ đem lại nguồn thu lớn. KCN Tràng Duệ III (687ha) nhận phê duyệt quan trọng sau 3.5 năm và dự án KĐT Tràng Cát gần như hoàn tất việc đền bù và nộp tiền sử dụng đất và được chính quyền Thành Phố Hải Phòng bàn giao hiện trạng đất trên thực địa cho Công ty để làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án để đưa vào vận hành khai thác kinh doanh. Những dự án này dự kiến sẽ đem lại nguồn thu cực lớn cho KBC trong 10 năm tới.

Rủi ro đầu tư:

Việc các KCN của KBC bắt đầu được lấp đầy và tiến trình mở rộng quỹ đất được dự báo sẽ có nhiều khó khăn do giá đất tăng nhanh, ảnh hưởng đến lợi suất của các dự án trong tương lai.

Việc chuyển dịch của các nhà sản xuất ra khỏi TQ vẫn chưa có dấu hiệu quá rõ ràng, cùng với diễn biến dịch phức tạp diễn ra từ Q2/2021 đã làm giảm đi sức hút FDI của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến nhu cầu thuê đất BĐS KCN trong tương lai.

MBS dự phóng doanh thu của KBC đạt mức 6.757 tỷ đồng (+214,2% YoY), LNST đạt 2.166 tỷ đồng (+577,4% YoY). Trong đó, mảng cho thuê đất KCN ghi nhận hơn 1.319 tỷ đồng, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu và KCN Tân Phú Trung; mảng BĐS thương mại ghi nhận doanh thu lớn từ KĐT Phúc Ninh và KĐT Tràng Duệ đang hiện hữu. Biên LN gộp cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 59,4%. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN được kỳ vọng ở mức lần lượt là 3,2% và 8,6%.

Với những dự phóng trên, MBS định giá cổ phiếu KBC với mức giá mục tiêu 57.900 VND/cp (+36,2% upside) dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền nhằm xác định RNAV cho các dự án của KBC. MBS sử dụng WACC=11,8% với beta=1,04 nhằm phản ảnh rủi ro mức giá của KBC đã có sự gia tăng đáng kể trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc KBC sử dụng vốn vay với chi phí khá cao ở mức trên 10% cũng khiến MBS xác định mức premium cho cổ phiếu này ở mức 11,7%.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC

Xem xét mua cổ phiếu VCS ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCP Vicostone (HNX - Mã: VCS) ghi nhận doanh thu trong Q2/2021 đạt 1.795 tỷ đồng, tăng 59% YoY, LNTT đạt 529 tỷ, tăng 74% YoY. Lũy kế 6T2021, doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng, tăng 35% YoY, LNTT đạt 965 tỷ, tăng 47% YoY. Như vậy, VCS đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch LNTT.

Doanh thu Q2/2021 VCS tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu sang thị trường Mỹ hồi phục sau COVID, đặc biệt là nhu cầu xây dựng ở đây hồi phục mạnh, giá bán trung bình của VSC sang thị trường này cũng tăng 20% so với đầu năm. Theo đó, biên lợi nhuận cải thiện 190bps YoY lên mức 33,7%. Ngoài ra, lợi nhuận VCS tăng mạnh còn nhờ chi phí lãi vay giảm 28% YoY và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 49% YoY.

Trong ngắn hạn, VCS sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao ở Mỹ. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất đá tấm mới đi vào vận hành từ đầu 2021 giúp tổng công suất VCS tăng thêm 20%. Gần đây, VCS cũng vừa tung ra sản phẩm mới - đá mỏng (Vicostone ultrathin), ở phân khúc cao cấp, hiện chỉ mới cung cấp cho thị trường Nhật Bản, FSC kỳ vọng VCS sẽ sớm đưa sản phẩm này sang thị trường Mỹ do xu hướng sử dụng vật liệu cao cấp đang duy trì ở Bắc Mỹ.

Trong dài hạn, VCS dự định sẽ nâng công suất thêm gần 80% cho giai đoạn 2021-2024. Hiện VCS đã tự chủ 95% nguồn nguyên liệu giúp ổn định biên lợi nhuận. Hiện Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm đá nhân tạo đến từ Trung Quốc (297% - 337%), Ấn Độ (3,19% - 5,15%) và Thổ Nhĩ Kỳ (5.17%). Do đó, FSC đánh giá triển vọng VCS trong dài hạn là khả quan.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, VCS đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 11,3x (tương ứng EPS TTM là 10.726 VNĐ). Mức Stock Rating của VCS ở mức 82 điểm cho nên FSC nâng mức đánh giá lên TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của VCS vượt mức kháng cự 127.50 và đạt mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng 151% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng lên mức 24,11% khi Sức mạnh giá trên 80 điểm.

Xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu TCM vẫn duy trì ở mức giảm

Mức Stock Rating của TCM (CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công – sàn HOSE) ở mức 83 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của TCM vẫn giao dịch gần vùng hỗ trợ 60.50 với KLGD vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục có chiều hướng giảm dần và đồ thị giá xuất hiện mô hình đảo chiều tăng giá Bullish Bat cho nên đồ thị giá chưa thể thủng ngưỡng hỗ trợ 60.50.

Xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn nên dừng bán và QUAN SÁT chờ điểm mua mới.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu LHG tiếp cận ngưỡng 59.000 đồng/cp

Cổ phiếu LHG (CTCP Long Hậu – sàn HOSE) đang kiểm tra lại ngưỡng đỉnh 52.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, cho thấy cổ phiếu đang hấp dẫn dòng tiền đầu tư.

Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 50.5, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 59.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 48.5.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhận định chứng khoán ngày 24/9/2021: Vận động tích lũy quanh ngưỡng 1.350 điểm

Thị trường duy trì tục xu hướng giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm trong phiên giao dịch hôm nay với dòng tiền đầu tư co ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h00’ hôm nay 23/9/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như MBB, VSC, VKC, L18, FHS, EPC… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán ...

Chứng khoán phiên chiều 23/9: Hàng loạt cổ phiếu chuyển đỏ, VN-Index may mắn giữ được sắc xanh

Đà tăng của VN-Index tiếp tục được nới rộng ngay khi bước sang phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên khi chỉ số gần tiếp cận ...

Tân An