Phiên giao dịch ngày 22/2/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:00 | 21/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 22/2/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 34.328 VNĐ

Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE - Mã: ACB) đã công bố KQKD hợp nhất năm 2020 chưa kiểm toán mạnh mẽ - LNTT tăng mạnh 27,7% YoY đạt 9.596 tỷ đồng, mặc dù vượt trước ước tính của BVSC là 8.952 tỷ (+19,1% YoY). KQKD Quý 4/ 2020 tăng mạnh như quan điểm của BVSC - LNTT Quý 4/ 2020 tăng trưởng mạnh 63% YoY đạt 3.185 tỷ. Các động lực chính: 1) NII mở rộng nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM; 2) Lợi nhuận đáng kể từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư & kinh doanh banca mạnh mẽ; 3) Hệ số CIR thấp ở mức 41,9%. ROA và ROE năm 2020 duy trì ở mức cao là 1,9% và 24,3%.

Tại ngân hàng mẹ, tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2020 là 15,7% đạt 308 nghìn tỷ, trong đó tỷ trọng cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên 93%. Tiền gửi của khách hàng tăng 14,5% đạt 335 nghìn tỷ. ACB đã mở rộng thị phần trên cả thị trường tín dụng lên 3,4% và huy động lên 3,5% nhờ tăng trưởng cao hơn ngành (Tăng trưởng tín dụng/ huy động toàn ngành lần lượt là 12,1% / 13,3%). Tỷ lệ LDR theo quy định ổn định ở mức thấp là 79%.

Các sáng kiến “Employee banking” và dịch vụ giao dịch khối doanh nghiệp lớn tiếp tục hiệu quả với CASA mở rộng lên 22,4% so với 19,1% năm 2019.

Bảng cân đối kế toán lành mạnh. Nợ xấu cuối năm 2020 là 0,59% (-25 bps QoQ; +5 bps YoY). Nợ nhóm 2 giảm còn 0,2% (-8 bps QoQ và YoY). Tỷ lệ LLRC ở mức lành mạnh là 154%; Hệ số CAR (Basel II) ổn định ở mức 10,7%.

Chúng tôi hiện dự báo LNTT năm 2021 là 10.838 tỷ (+12,9% YoY) trong cập nhật gần đây nhất. Tại thời điểm hiện tại, ACB vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021; nhưng ngân hàng chia sẻ rằng (1) NHNN đã cấp hạn mức tín dụng ban đầu là 3,5% cho Quý 1/ 2021, mà ACB sẽ tận dụng hết để tạo nguồn thu lãi cho các quý tiếp theo; (2) Khoản upfront lớn sẽ được phân bổ bằng nhau trong 15 năm tới, mà chúng tôi đã giả định là sẽ phân bổ đồng đều trong khoảng thời gian 5 năm; và (3) Chính sách cổ tức tiền mặt vẫn chưa rõ ràng, điều này phụ thuộc vào khuyến nghị của NHNN và ban lãnh đạo ACB.

BVSC hiện khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 34.328 VNĐ/cp (23% upside); BVSC sẽ đánh giá chi tiết hơn khi ACB công bố BCTCHN năm 2020.

ACB giao dịch ở mức P/B năm 2021 là 1,39x và P/E là 6,96x với ROE năm 2021 là 20,26%. BVSC ưa thích ACB nhờ tỷ lệ cho vay bán lẻ lợi suất cao, đệm KQKD và vốn tốt từ khoản upfront fee; Chất lượng tài sản tốt; và khả năng giao dịch ký quỹ và đưa vào nhiều chỉ số ETF vẫn là catalyst mà nhà đầu tư cần lưu ý trong thời gian tới.

Phiên giao dịch ngày 22/2/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý
Hình minh họa

Công ty chứng khoán Mirae Asset

Khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 124.100 đồng

Đại dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam từ cuối tháng 1/2021 với 721 trường hợp nhiễm bệnh chỉ trong 2 tuần lễ. Sự kiện này làm tăng khả năng chính phủ sẽ tái áp dụng các biện pháp cách ly xã hội trên diện rộng vì đại dịch có thể kéo dài hơn so với dự kiến.

Theo đó, Mirae Asset giảm dự phóng tốc độ tăng trưởng doanh thu nội địa của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) năm 2021 xuống 3,5% so với mức 8,8% trong dự báo trước đó.

Doanh thu xuất khẩu trực tiếp của Vinamilk được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 15% nhờ sự phát triển của thị trường Trung Đông và thị trường mới là Philippines.

Mirae Asset cho rằng doanh thu của các công ty con tại nước ngoài sẽ đi ngang trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch tại Mỹ các nơi khác trên thế giới. Doanh thu của CTCP GTNFoods (Mã: GTN) được kỳ vọng sẽ tăng 11,6% so với cùng kỳ nhờ nâng cấp dây truyền sản xuất sữa hộp 180ml.

Kết quả, doanh thu hợp nhất 2021 của Vinamilk được kỳ vọng tăng 4,4% lên mức 62.238 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp 2021 của Vinamilk được dự báo giảm nhẹ 0,1 điểm % xuống 46,3% do giá sữa bột nguyên liệu tăng cao.

Biên lợi nhuận ròng trong kỳ dự báo giảm 0,2 điểm % dẫn đến lợi nhuận ròng 2021 hợp nhất chỉ tăng 3,4% so cùng kỳ, đạt 11.613 tỷ động (thấp hơn 5,9% so với dự báo trước). Mirae Asset kỳ vọng EPS pha loãng năm 2021 của Vinamilk đạt 5.489 đồng.

Đối với định giá và khuyến nghị mua cổ phiếu, Mirae Asset duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng cùng giá mục tiêu 124.100 đồng cho cổ phiếu VNM.

Mirae Asset giảm dự báo tăng trưởng doanh thu của Vinamilk năm 2021 so với báo cáo được phát hành trong tháng 11/2020, tuy nhiên Mirae Asset tin rằng Vinamilk sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn sau năm 2022. Giá mục tiêu được xác định bằng phương pháp FCFF trên cơ sở tin tưởng vào khả năng phát triển ổn định của doanh nghiệp trong dài hạn.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - YSVN

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu CTR

Tổng CTCP Công trình Viettel (UpCOM – Mã: CTR) ghi nhận doanh thu trong Q4/2020 đạt 2.124 tỷ đồng, tăng 55% YoY, LNST đạt 105,5 tỷ, tăng 87% YoY. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu đạt 6.360 tỷ đồng, tăng 26% YoY, LNST đạt 174 tỷ, tăng 51% YoY. Như vậy, CTR đã hoàn thành 106% kế hoạch doanh thu và 138% kế hoạch LNST.

Doanh thu 2020 của CTR tăng mạnh ở cả 3 mảng chiếm tỷ trọng cao: Giải pháp tích hợp và bán hàng thương mại (+120% YoY), Vận hành khai thác nhà trạm (+14% YoY), Hợp đồng xây lắp (+5,5% YoY). Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ mức 5,8% của 2019 lên 7,4% trong 2020. Với lợi thế công ty mẹ là Tập đoàn Viettel dẫn đầu ngành viễn thông với 54% thị phần trong nước, CTR đang tăng trưởng theo đà phát triển của ngành công nghệ - viễn thông trong xu hướng đô thị hóa và số hóa.

Trong 2021, CTR sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này. Việc thúc đẩy triển khai 5G tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu hạ tầng lớn về viễn thông, chúng tôi đánh giá CTR và Viettel sẽ hưởng lợi lớn từ kế hoạch này. Ngoài ra, thông tin Viettel dự kiến sẽ thoái vốn 7,75 triệu cổ phiếu CTR, tương đương với 11% tỷ lệ sở hữu sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu.

Trong dài hạn, CTR đặt mục tiêu chuyển dịch từ đơn vị xây lắp và vận hành khai thác viễn thông thành nhà đầu tư và cho thuê hạ tầng viễn thông số một Việt Nam vào năm 2025, tăng trưởng doanh thu bình quân 2020-2025 là hơn 50%. Chúng tôi đánh giá với sự hỗ trợ của công ty mẹ, đây là điều khả thi khi mà ở bước đầu Viettel đang dự kiến chuyển giao 10.000 trong số 40.000 trạm viễn thông hiện có sang CTR trong giai đoạn 2021- 2025. Ngoài ra, CTR còn hưởng lợi từ tiềm năng ngành viễn thông trong nước trong khi tỷ lệ thâm nhập towerco của Việt Nam chỉ mới 12% trong khi của Trung Quốc là 100%, Thái Lan (30%) và trung bình toàn cầu là 85%.

Ở mức giá hiện tại, CTR đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 21,4x (tương ứng EPS TTM là 3.875 VNĐ).

Mức Stock Rating của CTR ở mức 91 điểm, trong đó điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 80 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Với mức tăng trưởng mạnh trong quý 4/2020, chúng tôi dự báo điểm cơ bản sẽ cải thiện đáng kể. Đồ thị giá của CTR có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn của CTR cũng được nâng từ mức GIẢM lên TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHC

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) khi chúng tôi cho rằng mảng phi lê cá tra của VHC sẽ bước vào chu kỳ tăng mới sau 2 năm suy yếu trong khi mảng collagen và gelatin (C&G) vốn có biên lợi nhuận cao (chiếm 38% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021) có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, chúng tôi giảm giá mục tiêu 22% chủ yếu do mức điều chỉnh giảm 26% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 khi chúng tôi giảm dự phóng doanh số mảng C&G (trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu C&G) và dự phóng biên lợi nhuận gộp mảng phi lê (trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt kiểm soát thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và thiếu hụt container toàn cầu).

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng năm 2021 là 10,2 lần – cao hơn P/E trượt trung bình 5 năm là 7,3 lần. Chúng tôi cho rằng VHC nên được định giá lại do đóng góp lớn hiện tại của mảng C&G (so với không đóng góp trong năm 2017) và chúng tôi cho rằng mảng C&G sẽ có định giá cao hơn so với mảng xuất khẩu phi lê truyền thống của VHC.

Rủi ro: Các quy định nhập khẩu nghiêm ngặt của Trung Quốc kéo dài do lo ngại dịch COVID-19 lây lan từ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu; thị phần và biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến tại thị trường Mỹ do cạnh tranh từ các đối thủ mới; doanh số C&G thấp hơn dự kiến.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhận định chứng khoán ngày 22/2/2021: Các nhịp rung lắc còn tiếp diễn

Thị trường có sự phân hoá trong phiên cuối tuần khi chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,07%, ngược lại HNX-Index tăng 0,1% và ...

Tuần khai Xuân Tân Sửu, cổ phiếu dầu khí, ngân hàng tăng giá mạnh

Kết tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, VN-Index tăng mạnh nhờ sự giúp súc của nhóm cổ phiếu dầu khí ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 22-26/2/2021: Có thể rung lắc trong những phiên đầu tuần

Chỉ số VN-Index đã tăng gần 59 điểm trong 3 phiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điểm tích cực nữa ...

Tân An