Phiên giao dịch ngày 21/3/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 20/03/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 21/3/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MCH với giá mục tiêu 157.200 đồng/cổ phiếu

CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM - Mã: MCH) ghi nhận DT thuần đạt 27.774 tỷ đồng (+19,0% svck) trong 2021 chủ yếu nhờ ngành gia vị tăng 18,8% svck và thực phẩm tiện lợi (TPTL) tăng 27,3% svck. VND cho rằng MCH đạt KQKD ấn tượng nhờ 1) nhu cầu dự trữ thực phẩm trong năm tăng cao và 2) độ phủ sóng sản phẩm của MCH mở rộng nhờ tích hợp với hệ thống siêu thị Winmart, theo đó doanh số qua kênh siêu thị Winmart đã tăng 80% svck. Bên cạnh đó, biên LN gộp của MCH gần như đi ngang ở mức 42,5% nhờ tỷ trọng đóng góp từ các sản phẩm cao cấp gia tăng đã bù đắp cho chi phí đầu vào cao hơn trong mảng TPTL. Do đó, LN ròng tăng lên 5.442 tỷ đồng (+20,4% svck), hoàn thành 107,3% dự phóng cả năm VND.

VND khá thận trọng với kế hoạch doanh thu 34.000-40.000 tỷ đồng (tăng 21,0%-42,4% svck) trong năm 2022 của MCH khi cho rằng sản lượng bán mảng thực phẩm tiện lợi sẽ thấp hơn năm 2021 do các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng. VND kỳ vọng doanh thu của MCH đạt 31.515 tỷ đồng trong 2022 (thấp hơn 7,3% so với kế hoạch) nhờ 1) mở rộng danh mục sản phẩm cao cấp với giá bán cao hơn, 2) tăng điểm bán hàng thông qua hệ thống cửa hàng Winmart và 3) mở rộng danh mục nước giải khát với hương vị và nhận diện mới. Nhìn chung, VND dự báo MCH sẽ duy trì mức tăng trưởng doanh thu và LN ròng lần lượt là 13,5%/8,9% svck và 12,2%/11,4% svck trong 2022-23.

Phiên giao dịch ngày 21/3/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
VND duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MCH với giá mục tiêu 157.200 đồng/cổ phiếu

VND cho rằng giá nông sản thế giới tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào trong mảng thực phẩm tiện lợi. Tuy nhiên, biên LN gộp mảng này sẽ được bảo toàn nhờ khả năng tăng giá và nâng cấp sản phẩm. Bên cạnh đó, biên LN gộp của các mảng khác không bị ảnh hưởng lớn khi giá nông sản tăng. Do đó, VND nâng dự phóng biên LN gộp lên 0,5đ/0,2đ % trong 2022-23 do tác động của chi phí đầu vào lên biên LN gộp năm 2021 thấp hơn so với dự kiến, giúp LN ròng tăng 6,7%/8,0% so với dự phóng trước đó.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn 157.200 đồng/cp. VND nâng giá mục tiêu nhờ 1) chuyển mô hình DCF sang 2022, 2) nâng dự phóng EPS 2022-23 lên 6,7% / 8,0%. Tiềm năng tăng giá bao gồm 1) nhu cầu thực phẩm tiện lợi cao hơn dự kiến và 2) giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm: 1) Dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến và 2) giá nguyên liệu đầu vào cao hơn dự kiến.

Nâng đánh giá lên khả quan cho cổ phiếu NVL với giá mục tiêu 89.000 đồng/cổ phiếu

Doanh thu (DT) thuần năm 2021 của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE - Mã: NVL) tăng 196,5% svck lên 14.903 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 54,2% kế hoạch năm 2021 của NVL và đạt 91,6% dự phóng của VND nhờ việc bàn giao mạnh mẽ tại NovaHills Mũi Né, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City và Saigon Royal. Tuy nhiên, khoản lãi đột biến từ thoái vốn trong năm 2020 đã làm giảm đáng kể DT tài chính 2021 so với năm trước. Theo đó, LN ròng 2021 giảm 17,6% svck xuống 3.230 tỷ đồng, hoàn thành 78,9% dự phóng cả năm của VND.

Lũy kế cả năm 2021, số lượng và doanh số ký bán mới ghi nhận lần lượt là 6.613 căn (+30,1% svck) và 3.677 triệu USD (~84,5 nghìn tỷ đồng, +100,8% svck). VND cho rằng tăng trưởng doanh số kỳ bán mới tiếp tục khả quan trong năm 2022, đạt 93,5 nghìn tỷ đồng (+10,7% svck) cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS nghỉ dưỡng nhờ sự bao phủ của vaccine. Doanh thu chưa ghi nhận tính đến cuối Q4/21 đạt 7,8 tỷ USD (+70% svck), có thể mang lại mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2022-24.

Theo DKRA, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel tăng mạnh trong năm 2021, gấp hơn 6,4 lần so với năm 2020, chủ yếu đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Bình Thuận, Đồng Nai… với tỷ lệ lấp đầy 58 -71% và giá đất tăng 5-10% svck. Sở hữu quỹ đất rộng 10.600ha với hơn 80% là bất động sản nghỉ dưỡng khiến NVL hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của thị trường BĐS này.

Theo đó, VND nâng đánh giá lên Khả quan với giá mục tiêu 89.000 đồng/cổ phiếu.VND áp dụng phương pháp DCF để tính toán giá trị của các dự án đang phát triển và đánh giá lại danh mục quỹ đất trong tương lai trong báo cáo cập nhật này. Giá mục tiêu dựa trên RNAV mới của VND là 89.000 đồng, điều này dẫn đến việc VND nâng đánh giá lên Khả quan đối với cổ phiếu NVL. Điều này cũng phản ánh triển vọng tích cực đối với NVL trong năm 2022-23.

Động lực tăng giá là 1) doanh số ký bán mới vượt kỳ vọng và 2) giải quyết nút thắt pháp lý. Rủi ro giảm giá có thể đến từ 1) những vướng mắc pháp lý kéo dài, 2) dịch bệnh phức tạp hơn ở các thành phố có dự án nghỉ dưỡng của NVL, và 3) rủi ro pha loãng từ trái phiếu chuyển đổi.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Các NĐT ngắn hạn có thể mua cổ phiếu DGW ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

Doanh thu 2021 của CTCP Thế Giới Số (HOSE - Mã: DGW) duy trì tăng trưởng nhờ mảng máy tính xách tay và máy tính bảng (+82% YoY) khả quan trong bối cảnh nhu cầu học và làm việc online tăng trưởng trong thời gian COVID, doanh thu nhóm điện thoại di động (+54% YoY), thiết bị văn phòng (+85% YoY), hàng tiêu dùng (+42% YoY). Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 7,2% (cùng kỳ 6,4%) và doanh thu tài chính tăng mạnh 118% YoY nhờ lãi tỷ giá và chiết khấu được hưởng từ nhà sản xuất.

DGW vừa công bố tài liệu cho ĐHCĐ thường niên sắp tới, công ty đặt kế hoạch 2022 với doanh thu 26.300 tỷ đồng (+27% YoY) và LNST 800 tỷ đồng (+22% YoY). Tuy DGW không còn là nhà phân phối độc quyền của Xiaomi tại Việt Nam, FSC vẫn đánh giá cao khả năng thực hiện kế hoạch 2022 nhờ: 1) nhu cầu mạnh mẽ cho các sản phẩm ICT (lap top, điện thoại di động, thiết bị văn phòng) trong các năm tới; 2) kênh phân phối sẵn có mà DGW đã thành lập các năm qua; 3) tiềm năng mở rộng thị phần mạnh mẽ của Xiao mi và Apple tại Việt Nam; 4) danh mục phân phối ngày càng đa dạng của DGW (Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ hoàn thành 1 deal M&A trong 2022 để tiếp tục mở rộng danh mục phân phối sản phẩm).

Ngoài ra, DGW cũng sẽ trình ĐHCĐ thông qua: 1) kế hoạch chia cổ tức 90% cho năm 2021, trong đó, 10% tiền mặt và 90% cổ phiếu; 2) kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 10,000 đồng, tỷ lệ tối đa 2,5% tổng số cổ phiếu lưu hành. FSC đánh giá các kế hoạch này sẽ hỗ trợ tích cực cho thanh khoản của cổ phiếu DGW trong tương lai.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGW đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 15,1x (tương ứng EPS TTM là 7.475 đồng). Mức Stock Rating của DGW ở mức 85 điểm. cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của DGW đóng cửa tăng 7% và vượt lên trên đường trung bình 20 và 50 phiên với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức tối ưu 29,68% nếu Sức mạnh giá trên 80 điểm.

NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu FRT

Mức Stock Rating của FRT (CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Retail - Sàn HOSE) ở mức 98 điểm. Cho nên, FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của FRT đóng cửa tăng 7% và đồ thị giá tiếp tục xác lập mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng nhẹ so với KLGD trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá của FRT có dấu hiệu kết thúc giai đoạn tích lũy cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá của FRT đã đạt mức 99 điểm cho thấy dư địa tăng giá không còn nhiều và rủi ro mua mới tăng dần. FSC đã khuyến nghị mua cổ phiếu FRT vào phiên 25/02/2022 với lợi nhuận tạm tính là 55,44%. Cho nên, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ và hạn chế mua mới.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi cổ phiếu HQC tại ngưỡng 10.190 đồng/cổ phiếu

CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HOSE - Mã: HQC) có một phiên tăng điểm tốt khi hình thành mẫu hình nến Marubozu hoàn hảo cùng khối lượng tăng đột biến. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực.

Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 và MA50, MA20 vẫn đang ở dưới MA50 có xu hướng cắt lên. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 8.190 đồng/cổ phiếu, chốt lãi tại ngưỡng 10.190 đồng/cổ phiếu và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 7.500 đồng/cổ phiếu.

Cắt lỗ nếu cổ phiếu LIG giảm xuống dưới ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu

Công ty cổ phần Licogi 13 (HNX - Mã: LIG) có một phiên tăng điểm tốt khi hình thành mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo cùng khối lượng tăng đột biến. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực.

Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 và MA50, MA20 vẫn đang ở dưới MA50 và M100 nhưng đang có xu hướng cắt lên. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 16.000 đồng/cổ phiếu, chốt lãi tại ngưỡng 22.000 đồng/cổ phiếu và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, nhiều mã tăng hơn 50% tuần qua

Tuần giao dịch tương đối khó khăn của thị trường, khi thanh khoản suy yếu mạnh, nhiều nhóm ngành chịu áp lực lớn như dầu ...

Cổ phiếu XMD ngắt mạch 25 phiên “leo trần” bằng phiên “đáp sàn”

Từ một cổ phiếu “chết lâm sàng” với thị giá 1.900 đồng/cp, XMD của CTCP Xuân Mai - Đạo Tú (sàn UPCoM) gây sốc trên ...

Những điều nên biết trước khi đón “sóng” thoái vốn năm 2022

Làn sóng thoái vốn dự kiến sẽ diễn ra sôi nổi trong các năm tới khi Nhà nước đã lỡ hẹn một loạt thương vụ ...

Thiện Nhân