Phiên giao dịch ngày 12/10/2020: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 20:05 | 11/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 12/10/2020, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GEX

Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX – sàn HOSE) hoàn thành việc chào mua công khai 94,61 triệu cổ phiếu từ ngày 2/10/2020, nâng tỷ lệ sở hữu tại VGC từ 24,96% lên 46,15%. Công ty sẽ tiếp tục mua thêm để nâng sở hữu lên 51% theo mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thương niên 2020.

Bên cạnh đó, Công ty - nhóm công ty cũng thực hiện mua và trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Khu Công nghiệp dầu khí Long Sơn - PXL với tỷ lệ sở hữu đạt 21,07 triệu cổ phần, tương đương 25,52% vốn điều lệ của PXL.

Trong kế hoạch phát triển, PXL sẽ phát hành thêm cổ phần cho GEX để tăng tỷ lệ sở hữu đến 65%, nguồn vốn phát hành dùng để phát triển Khu công nghiệp Long Sơn 800ha tại Long Sơn - Bà Rịa Vũng Tàu.

Về việc thoái vốn tại lĩnh vực Logistics trong nửa đầu năm 2020, Công ty đã thực hiện thoái toàn bộ vốn ở công ty TNHH Logistics, theo đó công ty đã chuyển nhượng toàn bộ danh mục các cổ phiếu trong mảng logistics gồm CTCP Sotrans, Tổng CTCP đường sông, CTCP vận tải đa phương thức, công ty cũng thực hiện thoái vốn tại CTCP Cảng Đồng Nai (PDN) và CTCP MHC (MHC). Giá trị gốc của khoản đầu tư là 1.452 tỷ đồng, lợi nhuận thu được từ chuyển nhượng là 231 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cơ bản ổn định trong 6 tháng đầu năm với doanh thu đạt 7,312 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỷ đồng lần lượt bằng 103% và 91% cùng kỳ năm trước.

Công ty đã thực hiên thoái vốn tại lĩnh vực Logistics và hiện tại đang đẩy mạnh chào mua công khai cổ phần của Tổng công ty Viglacera (VGC) cho mục tiêu sở hữu chi phối tại VGC.

Định giá cổ phiếu ở mức 29.000 đồng/cổ phần, đồng thời, chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu GEX tại mức giá hiện tại với khả năng tăng giá 23% trong 12 tháng tới.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCI

SZL - Triển vọng lợi nhuận đến từ cho thuê các nhà máy xây sẵn (RBF)

Phân tích:

CTCP Sonadezi Long Thành (mã: SZL) là công ty con của Tập đoàn Sonadezi (mã: SNZ) thuộc sở hữu của Nhà nước, một chủ đầu tư BĐS khu công nghiệp (KCN) và nhà ở tại miền Nam.

Tăng trưởng trong mảng cho thuê RBF là yếu tố hỗ trợ trung hạn được dẫn dắt từ dòng ốn FDI đầu tư tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng logistics cải thiện, các thỏa thuận thương mại ưu đãi, các công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc và Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu từ các cở sở sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai và các tỉnh thành khác tại TP HCM. SZL có vị thế tốt để ghi nhận tăng trưởng mảng cho thuê RBF tại KCN Long Thành khi được hỗ trợ bởi các tuyến kết nối vận tải và kì vọng việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị mua cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

Chuỗi cung ứng Dệt – Nhuộm – May tạo lợi thế giúp CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành công (TCM – sàn HOSE) ổn định nguồn cung nguyên liệu, khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may.

TCM sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh gồm sợi, dệt, đan, nhuộm, may và phân phối, giúp TCM tự chủ nguồn cung vải và ổn định biên lợi nhuận. Tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là điểm vượt trội của TCM so với các doanh nghiệp khác trong ngành khi “điểm nghẽn” của ngành là 70% vải nguyên liệu phục vụ cho sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu.

Năm 2020, TCM đang đầu tư xây dựng nhà máy may tại Vĩnh Long. Bên cạnh đó, TCM có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong giai đoạn 2021 – 2022.

Chiến lược tập trung công tác nghiên cứu phát triển (R&BD) nâng cao giá trị chuỗi cung ứng. Nhằm bắt kịp xu hướng thời trang thế giới và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, TCM đã hợp tác với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) gia tăng công tác R&BD, để phát triển các loại vải có tính năng nổi trội, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm của TCM.

Hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA.

Định giá & khuyến nghị: Chúng tôi ước tính doanh thu thuần của TCM năm 2020 đạt 3.618 tỷ đồng (giảm 0,7% so với năm ngoái), hoàn thành 95,7% kế hoạch đặt ra và lợi nhuận sau thuế ước đạt 203 tỷ đồng (giảm 6,2%) với biên lãi gộp ở mức 15,9%.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TCM khoảng 26.800 đồng/cổ phiếu (+11% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu SAB nằm tại mức 212.5

Cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn vẫn đang ở trong trạng thái đi ngang tích lũy tại khu vực 185-195 trong 2 tháng trở lại đây.

Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng giảm dần. Các chỉ báo xu hướng hiện đang nghiêng về chiều hướng tích cực.

Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên đây có thể là tín hiệu khởi đầu cho một giai đoạn tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SAB nằm tại xung quanh giá 190. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 212.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 185 bị xuyên thủng.

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị mua dành cho BWE với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP

CTCP Nước Môi trường Bình Dương (BWE) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng 2020 với doanh thu tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,5 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 23%, đạt 387 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng kết quả tích cực này chủ yếu đến từ mức tăng sản lượng nước 8% và giá bán tăng khoảng 5%.

Trong quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 1,1 nghìn tỷ đồng (+70% so với quý III/2019) và 138 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), chủ yếu nhờ tăng trưởng sản lượng bán 7,8% và giá nước tăng 5%.

Lợi nhuận sau thuế của BWE trong 9 tháng 2020 là phù hợp với dự báo của chúng tôi, hoàn thành 74% dự báo lợi nhuận 2020 của chúng tôi.

BWE cũng công bố rằng Chủ tích HĐQT Nguyễn Văn Thiền đã mua 1,4 triệu cổ phiếu BWE (chiếm 97% tổng số cổ phiếu đăng ký): 800.000 cổ phiếu được mua thông qua đấu giá công khai và phần còn lại được giao dịch thỏa thuận.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho BWE với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 26,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,7%.

Khuyến nghị mua dành cho VTP với giá mục tiêu 112.600 đồng/CP

Trong hội nghị nhà đầu tư diễn ra hôm nay về kế hoạch thoái vốn tại VTP, Tập đoàn Viettel công bố sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại VTP từ khoảng 67% hiện tại còn khoảng 61% thông qua đấu giá công khai. Tập đoàn Viettel kỳ vọng HNX sẽ phê duyệt kế hoạch chi tiết vào giữa tháng 10 và phiên đấu giá sẽ được thực hiện vào đầu tháng 11.

Theo Tập đoàn Viettel, VTP là khoản đầu tư tốt với tiềm năng tăng trưởng cao và 1 trong 4 trụ cột chiến lược của tập đoàn, bao gồm (1) viễn thông, (2) logistics & thương mại, (3) dịch vụ công nghệ thông tin và kỹ thuật số, và (4) sản xuất công nghệ cao.

Do đó, Tập đoàn Viettel duy trì cổ phần đa số tại VTP ở thời điểm hiện tại, nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, Tập đoàn Viettel sẽ vẫn để ngõ khả năng thực hiện các đợt thoái vốn tiếp theo giai đoạn 2021- 2025.

Tập đoàn Viettel và VTP cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2025, cao hơn dự báo của chúng tôi là 1,1 nghìn tỷ đồng và tương ứng CAGR 26% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2019-2025.

Nhằm hoàn thành kế hoạch này, VTP có kế hoạch đầu tư 2 nghìn tỷ đồng vào khâu mid mile, đặc biệt là trung tâm fulfillment, nhà kho và công nghệ, và sẽ cung cấp thêm các dịch vụ chuỗi cung ứng.

Đối với kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm 2020, VTP hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cả năm, tương ứng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 16% trong 9 tháng đầu năm 2020, theo ban lãnh đạo. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng 21% trong 6 tháng đầu năm 2020 và dự báo của chúng tôi là 23% cho tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cả năm 2020.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VTP với giá mục tiêu 112.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 4%, bao gồm lợi suất cổ tức 1%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhận định chứng khoán tuần từ 12-16/10/2020: Bị chi phối bởi thông tin kết quả kinh doanh quý 3

Tuần qua, dù chịu nhiều áp lực nhưng VN- Index vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp và là tuần thứ 10 tăng ...

Cổ phiếu ngành nào hút tiền quý IV/2020?

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung ...

HOSE vừa nhận hồ sơ niêm yết của OCB

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng ...

Trang Nhi (t/h)