Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

Cập nhật: 16:32 | 14/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các thành phố lớn về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng: Các DNNN phải góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai các cam kết tại COP26

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị nhằm tập trung phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; đánh giá thực trạng, hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản. Theo Thủ tướng, những gì làm tốt thì phát huy.

Trong quá trình đó có điều chỉnh, rà soát những gì chưa được, những gì nổi lên chưa phản ánh đúng tình hình, đúng thị trường thì phải chấn chỉnh. Chúng ta cũng cần tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế, đề ra giải pháp tốt hơn; các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Hội nghị này là cần thiết để chúng ta đánh giá chính xác, khách quan, khoa học, thực tiễn. Thủ tướng tin tưởng, các ý kiến đóng góp sôi nổi, trách nhiệm, khoa học, sát thực tế.

Thủ tướng nêu rõ, đánh giá nền tảng để yên tâm làm những việc cần phải làm. Nền tảng đó là, trong điều kiện khó khăn, tình hình thế giới và khu vực phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt; vấn đề lạm phát; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh, tăng cao như giá xăng dầu; sự điều chỉnh chính sách của một số nước về chính sách tiền tệ; các chính sách khác như chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của các nước trên thế giới cũng tác động đến Việt Nam.

Sau 2 năm chống dịch, nguồn lực của thế giới cũng giảm sút. Đó còn là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng về thị trường, lao động, chính sách cấm vận trên thế giới ảnh hưởng trong nước, thí dụ như làm giá logistics, vận chuyển tăng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. (Ảnh: Trần Hải)

Ở Việt Nam, độ mở của nền kinh tế rất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu bằng GDP, có thể vượt 200%, một tác động nhỏ bên ngoài ảnh hưởng lớn thị trường trong nước. Tuy nhiên, nền tảng chúng ta được giữ vững, đó là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân được giữ vững.

Hoạt động đối ngoại, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hoà bình, hợp tác, sự phát triển của khu vực và trên thế giới. Do đó, đường lối đối ngoại của Việt Nam được cộng đồng quốc tế hết sức ủng hộ.

Chúng ta đạt được tăng trưởng tương đối cao so khu vực và trên thế giới: lạm phát được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; 5 cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm cân đối năng lượng, phục hồi thị trường lao động). Dựa trên những nền tảng quan trọng để chúng ta phát huy, truyền cảm hứng, tạo động lực cho tất cả các ngành, các cấp; chúng ta cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội mà phải điều hành nền kinh tế khéo léo.

Mục tiêu cao nhất của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng theo mục tiêu mà Quốc hội giao, bảo đảm các cân đối lớn; kết hợp hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn linh hoạt; chính sách tài khóa nới lỏng, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Cùng với đó là chính sách kiểm soát giá. Chúng ta cũng phải phát triển thị trường vốn lành mạnh, an toàn, bền vững.

Hiện nay, Hội nghị này tiếp tục nhằm làm thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đóng góp quan trọng cho ổn định vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian hội nghị có hạn, nội dung quan trọng, có ảnh hưởng, lan tỏa lớn, sự chuẩn bị chưa phải kỹ càng, do đó Thủ tướng mong đại biểu với kinh nghiệm, trí tuệ đóng góp cho báo cáo trung tâm, gợi ý, đề xuất cho Chính phủ để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững trong tương lai, khắc phục các hạn chế, bất cập.

Tinh thần là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự nhưng phải xử lý những người làm sai, không đúng luật để bảo vệ những người làm đúng, những người chân chính, qua đó phát triển đất nước. Quá trình này cần phải có tư duy, phương pháp luận để sát thực tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, thực tế, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

* Theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, thị trường bất động sản có những đóng góp hết sức quan trọng trong toàn nền kinh tế. Theo thống kê, đóng góp của góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11% (trong đó, đóng góp của ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%).

Trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định.

Sang đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Về nguồn cung bất động sản: đối với nguồn cung nhà ở thương mại, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm 2020, 2021, nguồn cung nhà ở thương mại trong 6 tháng đầu năm 2022 rất hạn chế. Trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 172 dự án với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 60% số dự án và 42% số lượng căn so với năm 2020 (288 dự án với quy mô 57.149 căn).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới và hoàn thành vẫn hạn chế, chưa cho thấy sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại. Tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong 6 tháng đầu năm tổng hợp sơ bộ khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: tính tổng số dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai từ trước đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 279 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.400.000m2; đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng): 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, với tổng diện tích khoảng 18.840.000m2.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000m2 sàn xây dựng, trong đó: Tính riêng dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Hoàn thành việc đầu tư xây dựng 12 dự án, quy mô xây dựng khoảng 5.480 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 274.000m2. Tính riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Hoàn thành việc đầu tư xây dựng 1 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ, với tổng diện tích 21.500m2.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2. Kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 nêu trên còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, công nhân các khu công nghiệp.

Về lượng giao dịch bất động sản: trong năm 2021, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ các dự án khoảng 110.000 giao dịch (gần tương đương lượng giao dịch năm 2020 là khoảng 115.000 giao dịch), nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so cùng kỳ năm 2021.

Về giá giao dịch bất động sản: trong năm 2021, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm, trong đó: giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 đến 7%. Giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 đến 20%; giá đất nền tăng 20 đến 30% so thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại nhiều địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II...

Thanh Giang

Theo nhandan.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm