Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2-2,5%

Cập nhật: 14:44 | 04/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Bất chấp sự tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn không rơi vào trình trạng suy thoái và vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm...

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng âm 4,9%, trong khi 2 tháng trước dự báo chỉ âm 3%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sụt giảm sản lượng nghiêm trọng, như Hoa Kỳ có thể âm 8%, khu vực Euro âm 10,2%...

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dường như năm 2020, mục tiêu cao nhất của hầu hết các nước có lẽ là chống suy thoái hoặc cố gắng duy trì mức tăng trưởng dương.

Không nằm ngoài vòng xoáy đó, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, có thể coi đây là một thành công nổi bật của Việt Nam. Không những vậy, theo một số chuyên gia kinh tế, nếu lấy kinh tế thế giới làm “hệ quy chiếu” thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một điều đáng mong đợi đối với nhiều nước.

GDP năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2-2,5%, năm 2021 là 6,7%
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ngày 4/9, chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2020, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, bàn định hướng phát triển những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Cụ thể trong 8 tháng, tình hình vẫn chưa hết khó khăn do dịch COVID-19 phát trở lại tại một số địa phương. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2020, sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.

Điểm đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng cao 15,3%; nhập khẩu đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng, bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn không rơi vào trình trạng suy thoái và giữ mức tăng trưởng dương trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm.

Đặc biệt, đối với ước thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Chỉnh phủ đã nhất quán trong quan điểm giữ ổn định kinh tế với 3 động lực tăng trưởng chủ yếu: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Chính phủ đã nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", kiên quyết phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm phụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Cụ thể, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 của Việt Nam đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

4252-kte
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội qua nhiều kỳ họp cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình phát triển, điển hình như việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình còn chậm; kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn; hạn chế trong việc kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu.

Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề còn bất cập trong xã hội như chênh lệch mức sống, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng không khí, xử lý rác thải,...

Liên quan đến dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới có dấu hiệu dịu lại, tuy nhiên vẫn đang có nhiều yếu tốt rủi ro tiềm tàng khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài sang năm 2021.

Bộ trưởng cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn thậm chí phải mất khoảng 2 - 4 năm (tuỳ vào mức độ tác động) để nền kinh tế có thể về như trạng thái trước đại dịch...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ước tính tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,7% với mục tiêu tổng quát: "Tập trung khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030; phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã đề xuất dự kiến xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng khoảng 12 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020 nhằm bảo đảm tính chặt chẽ hơn nữa giữa Kế hoạch hàng năm và Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), đồng thời dự kiến xây dựng 5 cân đối lớn phù hợp với định hướng xây dựng các cân đối lớn trong Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Kinh tế Việt Nam cần hợp lực cả chính sách phía cầu và phía cung

Để hỗ trợ cho các chính sách phía cầu, giảm áp lực lên lạm phát, Chính phủ cũng cần thúc đẩy cả những chính sách ...

Đi tìm động lực tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng thấp là một trong những dấu hiệu thể hiện sự trì trệ của nền kinh tế khi nhu cầu vay sụt ...

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8

Ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2020, đánh giá tình hình kinh ...

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm