Phải chăng lợi nhuận ngân hàng "miễn nhiễm" với COVID-19?

Cập nhật: 09:37 | 20/10/2020 Theo dõi KTCK trên

3/4 quãng đường năm 2020 đã đi qua, kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng đang dần hé lộ, bước đầu có nhiều con số khả quan hơn dự tính dù cho bóng ma đại dịch COVID-19 vẫn đang còn là mối nguy.

3527-loinhuannh
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Lợi nhuận bất chấp tăng mạnh

Nếu như kết thúc quý I/2020, những tác động của Covid-19 chưa thực sự ngấm vào kết quả kinh doanh của các nhà băng do dịch bắt đầu diễn biến phức tạp từ tuần thứ hai của tháng 3, thì đến quý II, quý III mọi chuyện đã khác, đặc biệt khi Việt Nam bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Hàng loạt gói lãi suất cho vay ưu đãi, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán, nợ xấu tăng lên cùng yêu cầu trích lập dự phòng là những yếu tố được dự báo sẽ kéo mạnh lợi nhuận của các ngân hàng trong mùa dịch.

Dù vậy, kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm từ những thành viên đầu tiên vừa công bố lại cho thấy một bức tranh vẫn khá khả quan.

Thông tin mới nhất từ LienVietPostBank cho biết, tính đến 30/9/2020, vốn điều lệ của ngân hàng đã là 9.769 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 214 nghìn tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 175 nghìn tỷ đồng và cho vay thị trường 1 đạt 160 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đến hết quý III/2020, lợi nhuận lũy kế của ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm 2020 khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng.

Một thành viên khác là TPBank cũng đạt kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm.

Theo một số thông tin vừa cập nhật, kết thúc quý III, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, so với cuối quý III năm 2019, chi phí hoạt động chỉ tăng 19,64%, thấp hơn tốc độ tăng doanh thu của ngân hàng, và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) cũng đã giảm đáng kể.

Kết quả trên đã mang lại cho TPBank 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 74,33% kết hoạch cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2019, đạt trên 193 nghìn tỷ đồng. Tổng huy động tăng 25,24%, đạt 173.445 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt trên 124 nghìn tỷ đồng, nằm trong giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Còn tại VIB, theo số liệu mới cập nhật, lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. ROE bình quân đạt 29%, thuộc nhóm cao nhất ngành.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 213 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt trên 151 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao gần gấp 3 lần so với trung bình ngành.

Tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 2%, giảm so với quý II. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, với việc quản trị rủi ro chặt chẽ, linh hoạt, ngân hàng đã duy trì các chỉ số rủi ro và các hệ số an toàn ở mức thận trọng, tỷ lệ an toàn vốn Basel II trên 9,5%, so với mức tối thiểu 8% do NHNN quy định, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 77% so với mức trần 85% và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 32% so với trần 40%.

Áp lực vẫn còn chờ ở phía trước?

Như trên, những con số lợi nhuận đầu tiên được công bố cho thấy một tín hiệu khá khả quan. Dù vậy, theo giới chuyên gia, trong những tháng còn lại của năm 2020, các ngân hàng sẽ còn gặp không ít khó khăn, áp lực.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, dịch bệnh khiến sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao dẫn đến nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm. Điều này khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Cập nhật con số mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 30/9, tín dụng toàn ngành mới chỉ tăng 6,09% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 9,4%.

Ông Lực nhận định cả năm nay tín dụng sẽ tăng 8-9% và năm 2021, con số này có thể là 9-10%.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, chất lượng tài sản ngân hàng đang xấu đi, nợ xấu, theo đó sẽ tăng.

Viện nghiên cứu BIDV ước tính nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn.

Tựu chung các yếu tố trên sẽ khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm. Bởi, khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.

Bên cạnh đó, các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận trong tương lai. Bởi lẽ, hiện vẫn chưa có đánh giá chung về các khoản vay được giãn, hoãn có khả năng trở lại được nợ nhóm 1 (không phải nợ xấu) như thế nào, mà ở đây hầu hết các ngân hàng vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng.

Tiên tệ thế giới sẽ ra sao khi đồng nhân dân tệ kĩ thuật số ra đời?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang ráo riết thử nghiệm đồng nhân dân tệ kĩ thuật số (DCEP) để ...

Cổ phiếu ACB tăng mạnh trước thời điểm chào sàn HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu ACB ...

Vốn thừa ngân hàng ngày càng tăng

Trạng thái dư thừa vốn của hệ thống đang được thể hiện rõ nhất tại hai phương diện gồm lãi suất liên ngân hàng và ...

Anh Khôi