Nới lỏng giãn cách xã hội, kinh tế tháng 10 dần hồi phục

Cập nhật: 08:25 | 01/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Tháng 10, doanh thu thương mại, dịch vụ đã tăng mạnh so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 59,8% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia nhận định: Giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế

Giải pháp nào đưa trái cây Việt vươn xa ra thị trường quốc tế?

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu: Cạnh tranh nội bộ, hạ giá bán để tăng thị phần

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 25,5% và giảm 6,8%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.300 tỷ đồng, gấp 2,1 lần tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch, lữ hành đạt 304 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 9 nhờ mở cửa trở lại nhưng chỉ bằng 68,8% cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 18.100 tỷ đồng, gấp 2,7 lần và tăng 35,7%. Trong tháng, khách quốc tế (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước tính đạt 11.000 lượt khách, tăng 38,9% so với tháng trước và giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước tính đạt 8.300 lượt khách, tăng 22,1% so với tháng trước và giảm 75,5% so với cùng kỳ năm trước.

5358-nenkinhte
Ảnh minh họa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước tính đạt 1.279 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 715 triệu USD, tăng 3,7% và tăng 58,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 564 triệu USD, tăng 2,1% và giảm 9,8%.

Hoạt động vận tải sau gần 3 tháng tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 14/10/2021 TP Hà Nội cho phép vận tải hành khách công cộng, taxi, xe công nghệ từng bước hoạt động trở lại đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 4,6 triệu lượt hành khách giảm 77,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 72,2 triệu tấn, tăng 29,5% so với tháng trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì. Trong tháng có 57 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 34 triệu USD. Bên cạnh đó, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 112,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 43 lượt, đạt 113 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2021, toàn TP thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 216.900 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán Trung ương giao (đạt 86,3% dự toán TP giao) và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 18.200 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán và tăng 26,4% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô là 1.400 tỷ đồng, tăng 12,4% và giảm 29,4%; thu nội địa là 197.300 tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao (đạt 85,2% dự toán TP giao) và tăng 7,7%.

Tính đến hết ngày 22/10/2021, TP đã chi ngân sách và huy động xã hội hoá hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí 1.994 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết 166/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân TP là 1.599 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 395 tỷ đồng…

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của TP. Trước đó, do chịu ảnh hưởng đợt dịch thứ tư, khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. GRDP quý III/2021 giảm 7,02% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung 9 tháng tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP đã tập trung chuyển trạng thái từ "không Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo. Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, DN.

Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch Covid-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của dịch, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, UBND TP đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh. Từ đó, làm cơ sở để Hà Nội phát triển kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Thu Uyên (Tổng hợp)