Nỗi đau thầm lặng: Khắc sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Cập nhật: 09:33 | 23/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước hiện có 4.968 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trong tổng số 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Noi dau tham lang: Khac sau dao ly

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Vĩ tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Như một phần đền đáp sự hy sinh, đau thương, mất mát, tháng Bảy lại hướng về Ngày Thương binh, Liệt sỹ với các chính sách của Đảng và Nhà nước tới đời sống, tinh thần của những thương, bệnh binh, gia đình chính sách.

Đó là những hoạt động tri ân những người Mẹ Việt Nam đã hiến dâng con mình cho Tổ quốc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn."

Trung tuần tháng Bảy, đoàn cán bộ Văn phòng Chính phủ do Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Văn phòng Chính phủ Phạm Quang Tiến làm Trưởng đoàn đã đến thắp hương tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất tại Thái Nguyên và Sóc Sơn-Hà Nội.

Tại Thái Nguyên, đoàn đã đến thắp hương, tưởng nhớ mẹ Dương Thị Đào, ở xóm Nhân Minh, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, là mẹ của 2 liệt sỹ; mẹ Nguyễn Thị Lịch, ở tổ 6, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên, có 3 người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Tại Sóc Sơn, Hà Nội, đoàn thành kính dâng hương, tưởng nhớ các Mẹ: Nguyễn Thị Thiện (sinh năm 1918, mất năm 2010), ở xã Tiên Dược; Nguyễn Thị Khuy (sinh năm 1912, mất năm 2003), ở xã Hiền Ninh; Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1913, mất năm 1999), ở xã Mai Đình.

Đây là 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng do Văn phòng Chính phủ nhận phụng dưỡng từ năm 1999. Các Mẹ đều có con trai duy nhất đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông Phạm Quang Tiến cho biết, việc tri ân các cá nhân, gia đình chính sách có công với cách mạng là hoạt động thường niên của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ, thể hiện nghĩa tình, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn.”

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ sẽ luôn nỗ lực không ngừng để phát huy truyền thống cách mạng; thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, công tác thương binh liệt sỹ, bảo đảm chăm lo tốt các Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình có công với cách mạng.

Cùng thời gian này, đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã thăm hỏi, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố.

Đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Đồng, xã Lại Thượng, Thạch Thất, Hà Nội, bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội khẳng định: Tổ quốc và nhân dân luôn ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, người có công đã cống hiến tuổi xuân, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều bà, nhiều chị là vợ liệt sỹ, dù chồng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã vượt qua nỗi đau, tiếp tục nuôi con trưởng thành, bản thân sống có ích, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương.

Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc vào ngày 25/7.

Đây là lần đầu tiên sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức sự kiện có nghĩa quan trọng này.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước hiện có 4.968 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trong tổng số 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Các Mẹ đều đã "như chuối chín cây," nhiều địa phương hiện không còn Mẹ Việt Nam anh hùng.

"Sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chúng ta chưa từng tổ chức một cuộc gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng. Chương trình gặp mặt lần này có ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với người có công nói chung và Mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng," ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Cũng là tấm lòng trân trọng, biết ơn đối với các thế hệ đi trước, những hoạt động hỗ trợ xây dựng “Nhà Tình nghĩa,” thăm, tặng quà đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, nhất là với các trường hợp Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ đang được đẩy mạnh trên cả nước.

Như đầu tháng Bảy vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lạc, Ủy ban Nhân dân xã Bảo Toàn đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nông Thị Ban là mẹ của liệt sỹ Nông Văn Trường tại xóm Bản Rùng, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc.

Ngôi nhà tình nghĩa của gia đình mẹ Nông Thị Ban được xây dựng xong theo đúng thiết kế là nhà cấp bốn kiên cố, có tổng diện tích sử dụng là 90m2, với tổng kinh phí xây dựng là 220 triệu đồng.

Nói về hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực.

Qua đó, góp phần động viên, cải thiện cuộc sống đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng-an ninh trong tình hình mới.

Thời gian qua, toàn quân đã triển khai nhiều hoạt động rộng khắp, mang ý nghĩa thiết thực, như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ xây dựng “Nhà Tình nghĩa”; thăm, tặng quà đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; tặng sổ tiết kiệm; thăm viếng, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ quân nhân bị thương, gia đình quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sỹ tích cực đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ đối với các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và tặng quà thương binh, bệnh binh; đỡ đầu Làng Hữu Nghị, thuộc Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Tổ chức tiếp đón và tặng quà đoàn đại biểu người có công với cách mạng của các tỉnh, thành phố đến thăm Bộ Quốc phòng; các hoạt động về nguồn; gặp mặt, tuyên dương thương binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu...

Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm chính trị của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trách nhiệm chính trị cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sỹ toàn quân, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống các đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng.

Qua đó, làm sâu sắc thêm truyền thống, đạo lý nhân nghĩa “Uống nước nhớ nguồn,” “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong mỗi cán bộ, chiến sỹ - Thượng tướng Đỗ Căn cho hay.

Trái phiếu Chính phủ - công cụ hỗ trợ giảm lãi suất

Sử dụng trái phiếu Chính phủ (TPCP) sẽ làm tăng cung tiền cơ sở, giống như chiếc máy bơm làm cho hồ nước được lưu ...

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân không còn vất vả với thủ tục hành chính?

Đề xuất bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú, sổ hộ khẩu giấy thay bằng số định danh cá nhân cũng khiến không ...

Khó có thể hoành thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trong năm nay

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của dự án giải phóng mặt bằng sân bay ...

Hạnh Quỳnh

Theo vietnamplus.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm