Những nhân tố tạo dấu ấn trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV

Cập nhật: 10:01 | 18/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Mô hình tổ chức phù hợp; phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và mối quan hệ phối hợp công tác được chú trọng là những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.

Những nhân tố tạo dấu ấn trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Trong nhiệm kỳ khoá XIV, mô hình tổ chức của Quốc hội tiếp tục kế thừa Quốc hội khóa XIII, phát huy tốt vai trò của từng cơ quan trong bộ máy, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Theo đó, đại biểu Quốc hội khóa XIV cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng; thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp công dân; tích cực tham gia và thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.

Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, công tâm, cân nhắc thận trọng, phát huy cao độ trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong thảo luận, quyết định các nội dung quan trọng liên quan đến chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước.

Hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành xuất sắc vai trò cơ quan thường trực, giúp Quốc hội triển khai có hiệu quả các công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tạo nên thành công của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Có được kết quả này là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã một mặt tiếp tục phát huy kinh nghiệm của các khóa trước, mặt khác chú trọng, tập trung đổi mới, cải tiến về phương thức hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội dành thời gian thỏa đáng làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương để nắm rõ tình hình thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết và việc chuẩn bị các nội dung công việc, từ đó, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo; cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa khoa học, hợp lý hoạt động của các cơ quan của Quốc hội cũng như giám sát, hướng dẫn có hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương.

Với mô hình tổ chức có sự kế thừa, hoàn thiện hơn và phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội huy động tối đa trí tuệ tập thể, tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung theo quy định.

Các báo cáo thẩm tra thể hiện rõ chính kiến, mang tính phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất được nhiều phương án xử lý phù hợp. Hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình được đẩy mạnh, tập trung vào những vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm; hoạt động đối ngoại cũng được triển khai tích cực, có hiệu quả.

Các đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động một cách phù hợp, thực hiện tốt công tác phối hợp tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra trong nhiệm kỳ, nhất là vào thời điểm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động có bước tiến đột phá, kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tất cả 11 kỳ họp đã diễn ra dân chủ, công khai; hiệu quả được nâng lên, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng thông qua những cải tiến nổi bật như: Giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận, “hỏi nhanh, đáp gọn”, ban hành Nghị quyết kỳ họp, triển khai nhiều phần mềm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động điều hành, thảo luận, tranh luận, cung cấp thông tin,...

Có thể khẳng định, các kỳ họp không chỉ là nơi các đạo luật, quyết sách quan trọng được xem xét kịp thời, thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân mà còn là nơi phản chiếu đầy đủ, sát thực, rõ nét đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và là nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động hoàn toàn vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc.

Trong mọi mặt hoạt động, nhận thức được mối liên hệ khăng khít với cử tri, nhân dân vừa là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới, Quốc hội đã luôn coi trọng, đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động, hình thức, cách thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, trách nhiệm cao, dưới nhiều hình thức (định kỳ, chuyên đề,…) và linh hoạt trong những lúc tình hình khó khăn do dịch bệnh, thiên tai (trực tuyến). Các cuộc tiếp xúc cử tri có sự đổi mới về cách thức thực hiện, thu hút được sự tham dự đông đảo của cử tri cũng như thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở.

Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện một cách kịp thời, phản ánh đầy đủ những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội; các kiến nghị đều được chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên.

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân, theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã có nhiều cố gắng và chuyển biến tích cực. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã nỗ lực, từng bước nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, góp phần thúc đẩy giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Mối quan hệ công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã được chú trọng, tăng cường, toàn diện, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả và có chiều sâu.

Những đổi mới trong cách thức làm việc giữa các cơ quan đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ công tác trên mọi lĩnh vực hoạt động, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ mỗi bên, hướng tới mục tiêu chung phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Thắng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 14/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với ...

Cả nước có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xem xét thông qua Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu ...

Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước

Trả lời báo chí tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho ...

Theo baochinhphu.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm