Nhu cầu nhập khẩu gạo của EU tăng mạnh, nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt phát triển

Cập nhật: 10:02 | 29/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ Công Thương, châu Âu (EU) không tự túc được hoàn toàn gạo. Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2030, khoảng 250.000 tấn.

Giá xăng dầu hôm nay 29/4/2022: Tiếp tục tăng

Giá cà phê hôm nay 29/4/2022: Tăng vọt trên cả hai sàn

Giá hồ tiêu hôm nay 29/4/2022: Tăng nhẹ

Một số nước điển hình như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đều không tự túc được hoàn toàn gạo. Sản xuất trong khu vực chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ gạo của EU, do vậy EU phải nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo xay xát. Bộ Công Thương cho rằng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2030, khoảng 250.000 tấn.

Hiện nay, thị trường Bắc Âu đang chủ yếu nhập khẩu gạo xát (trắng) và gạo xát vỏ (nâu) là những loại gạo quan trọng nhất để nhập khẩu vào Bắc Âu, kể cả khi nói đến các loại gạo đặc sản.

Ngoài ra, người tiêu dùng ở Bắc Âu ngày càng nhận thức được sự cần thiết của một chế độ ăn uống lành mạnh. Do vậy, thị trường này cũng rất quan tâm đến các loại gạo hữu cơ, gạo lứt, gạo đen…

0038-xuatkhaugao
Nhu cầu nhập khẩu gạo của EU tăng mạnh, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội (Ảnh minh họa)

Trong năm 2020, các nước Bắc Âu nhập khẩu 147.718 tấn gạo, trị giá 186,5 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,8 triệu USD, tương đương với 7.353 tấn, với giá trung bình là 740 USD/tấn.

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa phải là nhiều, chỉ chiếm 3% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 54%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Trước năm 2019, Thụy Điển hầu như không nhập khẩu gạo Việt Nam. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch nhập khẩu gạo của Thụy Điển từ Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể, từ vài chục nghìn USD đã lên đến hơn 1 triệu USD năm 2019 và 1,7 triệu USD năm 2020.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Na Uy cũng tăng mạnh từ 1,8 triệu USD năm 2018 lên hơn 3,7 triệu USD năm 2020.

Tương tự, nhập khẩu gạo của Đan Mạch từ Việt Nam không tăng trưởng mạnh như thị trường Thụy Điển và Na Uy nhưng cũng ở mức trung bình 8%/năm trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu gạo trung bình của thị trường này.

Xuất khẩu gạo sang EU bứt tốc, riêng thị trường Italy tăng 26 lần

EVFTA thúc đẩy xuất khẩu gạo sang EU tăng bằng lần

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận con số ấn tượng với 15.500 tấn, thu về gần 12 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan… cũng duy trì đà tăng trưởng.

Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn tăng 9% lên 755 USD/tấn.

Bộ Công Thương lý giải sở dĩ giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng khá, đặc biệt là phân khúc gạo thơm, đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Ngoài ra, theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Thị phần gạo của Việt Nam ở EU còn khiêm tốn, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về EVFTA

Xuất khẩu gạo sang EU đạt được kết quả ấn tương tuy nhiên thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 3% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo; trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết dù có nhiều lợi thế về EVFTA nhưng chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ về các hiệp định này.

Liên quan tới hạn ngạch, bà Trang cho biết vấn đề không chỉ là cam kết hạn ngạch thì bao nhiêu nghìn tấn được hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn ở chỗ cơ chế được cấp hạn ngạch thế nào.

Nghị định về chứng nhận gạo thơm xuất khẩu sang EU mới chỉ được ban hành đầu năm 2022 – chậm so với cam kết. Những thông tin này rất cần cho doanh nghiệp.

Mặt khác, bên cạnh lợi thế của hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường để có thể chiếm lĩnh mở rộng thị phần.

Bà Trang cho rằng trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp cần giữ chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

Minh Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm