Đại diện NHNN từng nhiều lần cho biết, sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ''room'' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

Theo giới phân tích, MB cùng với "Big 4" là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid -19. Do đó, những ngân hàng này sẽ được NHNN ''thoáng hơn'' trong việc xem xét nới ''room''.

Ngoài ra, MB và Vietcombank cũng đang là bên tiếp nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng vì vậy nhiều khả năng hai ngân hàng này sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và trong các năm tới.

Chứng khoán Bảo Việt ước tính, Vietcombank có thể được nới ''room'' tín dụng lên khoảng 19%, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng của MB có thể đạt khoảng 25%.

Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Chứng khoán VNDirect kỳ vọng ngân hàng mẹ VPBank sẽ có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm 2022, ước khoảng 23% nhờ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao (12,7%) và tỷ lệ LDR thấp (70,8%) vào cuối quý II.

Về phía Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhóm phân tích đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế ''room'' tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.