Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần 10 - 14/1/2022

Cập nhật: 11:43 | 16/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán tuần qua ghi nhận VN-Index mất hơn 32 điểm và mất luôn mốc 1.500 điểm, dòng tiền cá nhân là bên bán ròng duy nhất qua đó gây sức ép lớn lên thị trường chung.

3534-thy-tryyng
Ảnh minh họa

Kết phiên giao dịch cuối tuần (14/1), VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm - giảm 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 26,98 điểm (-5,46%) xuống 466,86 điểm; UpCOM-Index cũng giảm 3,38 điểm (-2,92%) xuống 112,22 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 39.965 tỷ đồng/phiên - tăng 3% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân tăng 4,6% và đạt 37.782 tỷ đồng/phiên.

Về diễn biến giá cổ phiếu, trong tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực lớn nhất, nguyên nhân do hai sự kiện lớn “chấn động” thị trường là việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đã đấu giá tại Thủ Thiêm và ông Trịnh Văn Quyết với lùm xùm xung quanh việc bán lượng lớn cổ phiếu FLC.

Tuần qua, cổ phiếu FLC nói riêng và các mã đầu cơ khác trong hệ sinh thái của FLC đồng loạt lao dốc giữa những lùm xùm liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không đăng ký giao dịch.

Tính chung cả tuần, FLC giảm cả 5 phiên với 3 phiên nằm sàn trắng bên mua, giá cổ phiếu theo đó bốc hơi gần 30% giá trị.

Với việc không có lực cầu đỡ giá, cộng thêm nhà đầu tư liên tục kê lệnh để "thoát hàng" khiến khối lượng khớp lệnh mã này trong các phiên giảm sàn chưa đến 3 triệu đơn vị/ phiên trong khi giá trị giao dịch trung bình trong 10 phiên gần đây lên tới hơn 45 triệu đơn vị/phiên.

Theo đó, hàng loạt cổ phiếu giảm sâu như DIG (-17,5%), CEO (-23,1%), LDG (-19,8%), ITA (-15%), SCR (-9,8%), HQC (-17,7%), DXG (-11,7%), IDC (-9,2%), NLG (-13,2%), DRH (-14,5%), HAR (-28,5%), FLC (-28,6%), ROS (-29,7%) ...

Ở chiều ngược lại, trụ cột của thị trường là nhóm ngân hàng đã lên tiếng giúp các chỉ số không giảm sâu thêm: Cụ thể, VCB (+4,5%), BID (+12,9%), CTG (+6,8%), MBB (+3,7%), TPB (+2,2%), SHB (+1,8%),...

Tương tự, VHM và VIC là 2 mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường với mức ảnh hưởng giảm là 3,7 và 3,6 điểm.

Về diễn biến dòng tiền, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục rút ròng trong tuần qua và gây ra nhiều áp lực đến thị trường chung. Trong khi đó, tổ chức trong nước và khối ngoại đều mua ròng.

4322-thy-tryyng-1
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư (Đơn vị: Tỷ đồng)

Theo dữ liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 1.647 tỷ đồng - gấp 3,3 lần so với tuần trước trong đó dòng vốn này bán ròng 1.824 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.

Trái ngược hoàn toàn với cá nhân trong nước, tổ chức nội vẫn giữ được sự tích cực khi mua ròng 933 tỷ đồng. Nếu xét về khớp lệnh, dòng vốn này bán ròng gần 927 tỷ đồng.

Đối với khối tự doanh công ty chứng khoán, dòng vốn này có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị 171 tỷ đồng (giảm 78% so với tuần tuần trước) trong đó khối tự doanh mua ròng 315 tỷ đồng thông qua khớp lệnh.

Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 714 tỷ đồng ở sàn HOSE trong tuần qua. Nếu tính về khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng 582 tỷ đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt nghiêm nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm

Kể từ đầu năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục ban hành các quyết định về xử phạt vi phạm hành chính ...

Kinh nghiệm để đời cho nhà đầu tư sau vụ cổ phiếu FLC

Nhà đầu tư, đặc biệt là các F0 nên tự bảo vệ mình trước những cổ phiếu, doanh nghiệp và lãnh đạo không minh bạch ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 17-21/1/2022: Kỳ vọng VN-Index hồi phục

Thị trường chứng khoán dần ổn định hơn sau những phiên biến động mạnh liên tiếp, nhóm bất động sản là tâm điểm khi nhiều ...

Hồng Quân