Nhiều ngân hàng sắp 'trễ hẹn' với sàn chứng khoán năm nay

Cập nhật: 09:47 | 16/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Vẫn còn khá nhiều nhà băng đứng 'bên lề thời cuộc', bất chấp “mệnh lệnh” buộc tất cả các ngân hàng phải niêm yết trên sàn chứng khoán của Thủ tướng cũng như việc đang đứng trước một thị trường khá thuận lợi.

4454-nhbenke
Việc thúc giục các nhà băng lên sàn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ rất lâu...

Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", trong đó có quy định đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết , đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức bao gồm HoSE , HNX và UPCoM.

Thực chất, đây không phải là quy định mới. Việc thúc giục các nhà băng lên sàn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ rất lâu thông qua một loạt các văn bản, quy định như Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính hay Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.

Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 22/31 (tương đương 71%) cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên cả ba sàn, trong đó, có 14 ngân hàng niêm yết trên HOSE, tính cả MSB dự kiến sẽ chính thức giao dịch từ ngày 23/12 tới; 2 ngân hàng niêm yết trên HNX và 7 ngân hàng đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trong số 9 ngân hàng còn lại, một số thành viên cũng đang gấp rút chuẩn bị cho công tác lên sàn.

Hồi đầu tháng 10, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Theo đó, ngân hàng sẽ niêm yết hơn 876,7 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, tương ứng với giá trị thị trường theo mệnh giá là 8.767 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 10, PGBank và ABBank cũng đã chốt danh sách để thực hiện đăng ký chứng khoán tại VSD.

Cuối tháng 11, một ngân hàng khác là SeABank cũng cho biết đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE với số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.

Hết lý do thị trường không thuận lợi?

Chỉ còn đúng 2 tuần nữa là kết thúc năm 2020, thời gian để các thành viên trên lên sàn đúng hạn không còn nhiều. Tuy vậy, những động thái trên cũng cho thấy nỗ lực của các nhà băng trong việc thực hiện lời hứa với cổ đông cũng như thực hiện các quy định của Nhà nước.

Dù vậy, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thành viên vẫn khá "dửng dưng" khi chưa lên sàn và cũng chưa công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn.

Theo giới phân tích, việc xác định thời điểm thuận lợi để đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán là điều vô cùng quan trọng. "Thời điểm thuận lợi" ở đây gồm có hai yếu tố chính, là tình hình thị trường chung và bản thân nội tại của ngân hàng.

Nếu như những năm trước, việc trễ hẹn lên sàn thường được lãnh đạo các nhà băng đưa ra là do thị trường chứng khoán không thuận lợi, thì năm nay, có vẻ lý do này sẽ không thể thuyết phục nhà đầu tư.

Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lao dốc và tạo đáy. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền của nhà đầu tư "F0", cùng kết quả chống dịch tốt và nền kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng trên toàn cầu..., các chỉ số nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng đã có sự hồi phục mạnh mẽ.

Sự hưng phấn khi dòng tiền mới ồ ạt chảy vào thị trường giúp chỉ số VN Index bứt phá, liên tục lập đỉnh mới, vượt xa đỉnh năm 2019 và hiện đang ở mức cao nhất trong một năm rưỡi qua. Trong xu thế chung của thị trường, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng lập đỉnh lịch sử.

Tuy nhiên, như trên, vẫn còn khá nhiều nhà băng đứng bên lề thời cuộc, bất chấp "mệnh lệnh" của Thủ tướng cũng như việc đang đứng trước một thị trường khá thuận lợi.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí – PSI, quyết định lên sàn phụ thuộc vào rất nhiều vào bản thân nội tại của nhà băng.

"Thị trường hiện tại tôi đánh giá đã khá thuận lợi. Điều quan trọng là chính nội bộ ngân hàng phải cảm thấy họ đã thực sự sẵn sàng. Nhiều ngân hàng chưa muốn lên sàn do liên quan đến vấn đề minh bạch hay xử lý nợ xấu. Nếu họ chưa làm tốt điều đó thì chưa muốn niêm yết", ông Khánh nói.

Chuyên gia PSI cũng cho rằng, về cơ bản, cổ phiếu ngân hàng có nhiều dư địa tăng trưởng và vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nhờ các chỉ số cơ bản tốt.

Như vậy, nhìn lại những gì thị trường chứng khoán đã thể hiện trong năm 2020, cũng như mốc hẹn phải lên sàn đã định từ những năm trước, điểm còn lại chủ yếu nằm ở yếu tố nội tại của những nhà băng vẫn còn ở bên lề của thời cuộc.

VCBS: Tăng trưởng tín dụng chủ yếu nhờ nhóm khách hàng doanh nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm, nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn đóng góp khoảng 60% và trái phiếu doanh nghiệp đóng góp khoảng 25% vào ...

Thêm 1,175 tỉ cổ phiếu ngân hàng được chấp thuận niêm yết trên HOSE

Ngày 14/12/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã ra quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Ngân hàng ...

Lợi nhuận ngân hàng còn nhiều mảng tối...

Có 12 ngân hàng thương mại đang trải qua lợi nhuận tăng trưởng âm, có những mức giảm sâu hai chữ số, cá biệt đà ...

PV